Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiền và đồng nghiệp đã không quản ngày đêm, như con thoi trong hành trình Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - Củ Chi - Cần Giờ để tập huấn phòng ngừa lây nhiễm tham gia trực tiếp tại khu khai báo y tế, sàng lọc người bệnh Covid-19.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiền (34 tuổi) hiện là quyền Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Làm việc ở môi trường nguy cơ lây nhiễm cao
“Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong quá trình phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh. Nó còn tác động tâm lý con người. Nếu thấy quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ, tuyệt đối an toàn, nhân viên y tế sẽ có cảm giác an tâm, và điều này là một trong những việc quan trọng để chiến thắng dịch bệnh Covid-19”, thạc sĩ Hiền nói về công việc của mình.
Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết, gắn bó của nhân viên y tế đã được tôi luyện qua các đợt dịch trước đã phát huy tác dụng. Mọi người chúng tôi đều thấy rằng công việc của mình rất có ý nghĩa, có một mục tiêu chung là chiến thắng dịch bệnh Thạc sĩ NGUYỄN HỮU HIỀN (Quyền Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) |
Phòng áp lực âm - khu cách ly trong BV Bệnh nhiệt đới, nơi đang điều trị cho người nhiễm Covid-19, là một không gian đặc biệt về cả sự quan trọng, nguy hiểm trong quãng thời gian này. Tuy nhiên, nó là chốn đi lại quen thuộc của thạc sĩ Hiền trong các công việc ngày thường.
Mỗi ngày phải làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng thạc sĩ Hiền xem như một điều hiển nhiên. Anh bộc bạch: “Khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn ra tại Trung Quốc, bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp đều liên tục theo dõi, cập nhật tình hình cũng như các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Hiện tại mọi hoạt động trong BV đều ưu tiên cho công tác phòng chống Covid-19 với tinh thần chống dịch như chống giặc”.
Trong cuộc chiến “chống giặc” ấy, thạc sĩ Hiền chia sẻ anh thấy tự hào về những đồng nghiệp của mình là những bác sĩ, điều dưỡng rất trẻ đã xung phong tới BV dã chiến Củ Chi, BV điều trị Covid-19 tại Cần Giờ ngay từ những ngày đầu. Hay những nhân viên y tế cũng tình nguyện ở lại đó trong nhiều ngày liên tiếp, cùng tham gia chống dịch. Còn anh, giữ nhiệm vụ trực tiếp hỗ trợ tập huấn phòng ngừa lây nhiễm cho các cán bộ, nhân viên y tế tại hai nơi này từ trước khi công tác đón nhận bệnh nhân được bắt đầu và cho đến hiện tại.
Trong những tháng qua, những hành trình đi từ BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM lên Củ Chi rồi BV điều trị Covid-19 ở Cần Giờ nối tiếp nhau. “Nhiều đồng nghiệp có liên hệ tôi để trao đổi công việc chuyên môn mà những lúc cao điểm tôi không đủ thời gian để bắt máy, phải gọi lại sau để nói chuyện”, anh Hiền nói về cường độ làm việc.
Anh Hiền nói công việc của mình luôn được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Bởi các công văn chỉ đạo về công tác phòng chống dịch Covid-19 được đưa ra liên tục. Khi có những điều chỉnh cấp thiết trong ngành y, mọi thứ không được sai sót và chậm trễ.
Những ngày đầu mới công bố dịch Covid-19 tại VN, có con trai đang làm việc ở BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nơi tuyến đầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19, cha mẹ anh Hiền rất lo lắng. “Nhưng biết con đang làm trọng trách của ngành y, cha mẹ động viên, mong tôi giữ sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, anh Hiền kể.
Hai vợ chồng chung một hành trình
Vợ anh Hiền là điều dưỡng Khoa Nhi BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, người cũng đang cùng các đồng nghiệp chống dịch Covid-19.
Hơn lúc nào, anh Hiền vững lòng hơn khi có vợ cùng ngành, cùng sẻ chia, thấu hiểu những hiểm nguy và thử thách trong nghề. Thời gian này, công việc căng thẳng hơn bội phần, nhưng anh Hiền và vợ không gọi đó là hy sinh.
“Tôi là người bắc cầu nối giữa những nhà hảo tâm với phòng công tác xã hội của BV. Trong cuộc chiến “chống giặc” Covid-19, chúng tôi chưa lúc nào cảm thấy cô đơn, bởi luôn nhận được sự đồng hành, quan tâm của bạn bè, người thân, Đoàn thanh niên, Sở Y tế và những người hảo tâm. Họ gửi tặng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân cũng như các nhu yếu phẩm cần thiết để nhân viên y tế yên tâm chống dịch. Chúng tôi thấy cảm động vô cùng”, anh Hiền chia sẻ.
“Bản thân anh có lo lắng gì không, khi công việc nguy hiểm, nguy cơ chính mình cũng bị lây nhiễm Covid-19?”, chúng tôi hỏi. Anh Hiền tâm sự: “Khi dịch mới bùng phát, nhân viên y tế cũng là những con người bình thường, ai cũng có những căng thẳng. Nhưng sau đó tất cả mọi người đều được tập huấn, cập nhật quy trình theo dõi, điều trị, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, phòng chống lây nhiễm trong BV nên rất an tâm. Hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết, gắn bó của nhân viên y tế đã được tôi luyện qua các đợt dịch trước đã phát huy tác dụng. Mọi người chúng tôi đều thấy rằng công việc của mình rất có ý nghĩa, có một mục tiêu chung là chiến thắng dịch bệnh”.
Từ năm 2016 tới nay, anh Hiền giữ vai trò Bí thư Đoàn thanh niên BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Trong hai năm 2019 và 2020, anh Hiền được trao giải thưởng Phạm Ngọc Thạch, tôn vinh những người làm trong ngành y xuất sắc. Thạc sĩ là tác giả sáng kiến Cải tiến quy trình xử lý dụng cụ hô hấp đang trên tuyến đầu chống dịch bộc bạch: “Làm việc với trọng trách cao nhất, chúng tôi cảm thấy vinh dự khi được phụng sự Tổ quốc lúc này”.