Theo một nghiên cứu mới được công bố trên trang ESC Heart Failure – tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, tình trạng thiếu sắt ở tuổi trung niên có thể làm tăng 10% nguy cơ đau tim trong vòng một thập kỷ.
Tuy nhiên, tác giả của nghiên cứu trên cũng cho biết, người ở độ tuổi trung niên cũng không nên hoảng sợ và bổ sung quá nhiều chất sắt.
Đọc thêm:
- Một số bệnh lý nguy hiểm do thiếu sắt
- Nhận biết dấu hiệu bệnh tim mạch ở phụ nữ trung niên
"Đây là một nghiên cứu quan sát và chúng tôi không thể kết luận rằng thiếu sắt gây ra bệnh tim. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chúng có mối liên hệ với nhau; những phát hiện này sẽ là cơ sở cho những nghiên cứu sâu hơn để có kết luận chính xác", Tiến sĩ Benedikt Schrage, bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch và Đại học ở Hamburg, Đức, cho biết.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng thiếu sắt có thể khiến người mắc bệnh tim mạch cần nhập viện điều trị, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, việc điều trị bằng sắt tiêm đường tĩnh mạch đã giúp cải thiện các triệu chứng và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Dựa trên những kết quả đó, các nhà nghiên cứu đã quay trở lại và xem xét tác động của việc bổ sung sắt qua đường tĩnh mạch ở những người bị suy tim.
Nghiên cứu đã theo dõi 12.164 người phân thành 3 nhóm thuần tập tại châu Âu. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 59 tuổi và phụ nữ chiếm 55%.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như hút thuốc, béo phì, tiểu đường và cholesterol của người tham gia được đánh giá thông qua mẫu máu. Cũng thông qua đó, mọi người được đánh giá xem có thiếu sắt ở tuổi trung niên hay không.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia về sự cố bệnh mạch vành và đột quỵ; tử vong do bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân. Sau đó, các nhà nghiên cứu phân tích từng mối liên quan với tình trạng thiếu sắt.
Ban đầu, 60% người tham gia bị thiếu sắt tuyệt đối và 64% bị thiếu sắt chức năng. Qua theo dõi những người tham gia nghiên cứu trong hơn 13 năm, kết quả cho thấy thiếu sắt chức năng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 24% ở những người đã tử vong; 26% khác có nguy cơ tử vong do tim mạch cao hơn và 12% có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy người thiếu sắt tuyệt đối có nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng 20% so với không thiếu sắt tuyệt đối, tuy nhiên không liên quan đến tỷ lệ tử vong.
Tiến sĩ Schrage cho biết: "Kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng nếu thiếu sắt ngay từ đầu, có khoảng 5% trường hợp tử vong, 12% trường hợp tử vong do tim mạch và 11% trường hợp chẩn đoán bệnh mạch vành mới".
Nghiên cứu cho thấy, tình trạng thiếu sắt ở tuổi trung niên rất phổ biến, với gần 2/3 số người tham gia vị thiếu sắt chức năng.
Tiến sĩ Siddhartha Angadi, giáo sư tại Đại học Virginia, cho biết: "Sắt cần thiết cho sự tổng hợp hemoglobin, là phân tử vận chuyển oxy chính trong máu. Sắt cũng đóng vai trò quan trọng vào chu trình Kreb – chu trình thiết yếu để sản xuất năng lượng hiếu khí".
Sylvia Melendez-Klinger, RD, chuyên gia dinh dưỡng và người sáng lập công ty tư vấn thực phẩm Hispanic Food Communications, cho biết rằng có khoảng 20% phụ nữ bị thiếu sắt và tỷ lệ này tăng lên 50% ở phụ nữ mang thai, so với khoảng 3% ở nam giới.
"Đối với hầu hết các trường hợp, ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt là giải pháp tối ưu nhất. Nếu không phải là người ăn chay, chế độ ăn uống có thể bắt đầu bằng nhiều loại thực phẩm như thịt đỏ, cá và thịt gia cầm bởi chúng giàu sắt heme – loại chất sắt nguồn gốc từ hemoglobin và được cơ thể hấp thụ tốt hơn", chuyên gia Melendez-Klinger nói.
Cô cũng cho biết rằng nếu không thể ăn thịt, thì chất sắt không phải heme vẫn có tác dụng vô cùng tốt. Nó có thể được tìm thấy nhiều trong đậu, đậu phụ, ngũ cốc ăn sáng, mì ống và bánh mì.
Chuyên gia Melendez-Klinger nói thêm: "Nếu sự thay đổi về chế độ ăn uống không giúp cải thiện được tình trạng thiếu sắt, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có thể được bổ sung sắt".