Người nóng bừng nhưng không sốt: Nguyên nhân và cách điều trị

Người nóng bừng nhưng không sốt: Nguyên nhân và cách điều trị
Khi một người bị cảm giác người nóng bừng nhưng không sốt, đó có thể là một biểu hiện sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh lý. Do đó, xử lý sớm và đúng cách tình trạng này là điều rất cần thiết.

Cảm giác người nóng bừng nhưng không sốt là một vấn đề rất thường gặp. Người mắc cảm thấy các vùng của cơ thể như mặt, cổ, lưng, ngực,... bị nóng bừng lên, da đỏ hoặc vã mồ hôi. Tuy nhiên, khi sử dụng các thiết bị đo nhiệt độ thì nhiệt độ cơ thể kiểm tra được lại hoàn toàn bình thường.

Điều này khiến người mắc phải tình trạng này băn khoăn, lo lắng, không biết mình bị mắc bệnh gì và phải xử lý như thế nào.

1. Nguyên nhân gây hiện tượng người nóng bừng nhưng không sốt

Nguyên nhân gây ra hiện tượng người nóng bừng nhưng không sốt trên thực tế rất đa dạng. Đó có thể chỉ là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể với một kích thích từ bên ngoài. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp mà tình trạng này là một dấu hiệu bệnh lý bất thường cần phải được can thiệp điều trị bằng các phương pháp y tế thích hợp.

- Tâm lý căng thẳng, lo lắng

Tâm lý căng thẳng, lo lắng làm cơ thể bước vào một trạng thái stress. Để đối phó với tình trạng này, cơ thể sẽ bài tiết ra các loại hormone như adrenalin, cortisol,... Các loại hormone này có tác dụng làm tăng chuyển hóa, tăng sinh nhiệt, co mạch,... Từ đó gây nên các biểu hiện như người nóng bừng nhưng không sốt, nhịp tim nhanh, hồi hộp, buồn nôn,...

- Sử dụng thức ăn cay nóng

Do sử dụng các loại thức ăn cay nóng. Capsaicin có trong các loại thức ăn cay làm tổn thương các thụ thể ở khoang miệng, khiến cơ thể cảm thụ nhầm rằng đang phải tiếp xúc với nguồn nhiệt độ cao. Do đó dưới cơ chế đối kháng với tác động bên ngoài thì cơ thể sẽ tăng thải nhiệt ra các bề mặt để làm hạ nhiệt độ, tăng tiết mồ hôi,... Vì vậy người ăn cay thường có cảm giác người trở nên nóng bừng.

Người nóng bừng nhưng không sốt: Nguyên nhân và cách điều trị  - Ảnh 2.

Ăn đồ ăn cay nóng sẽ khiến cơ thể bị nóng bừng (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Bị nóng gan nên ăn gì và những lưu ý của bác sĩ

Bong gân cổ chân bao lâu thì khỏi? Mẹo chữa bong gân cổ chân nhanh lành?

- Cường giáp

Cường giáp là bệnh lý nội tiết khá phổ biến trên thực tế, nhất là ở phụ nữ. Khi mắc bệnh cường giáp, nồng độ của các loại hormone tuyến giáp sẽ tăng lên, thúc đẩy hoạt động chuyển hóa chất diễn ra nhanh hơn. Hậu quả là cơ thể tăng sinh nhiệt và luôn cảm thấy nóng, đổ mồ hôi, tim đập nhanh,...

- Rụng trứng hoặc thời kỳ tiền mãn kinh

Trong thời kỳ rụng trứng hoặc tiền mãn kinh, cơ thể người phụ nữ có nhiều sự biến đổi về nồng độ của các loại hormone sinh dục như estrogen và progesteron. Chính sự thay đổi hormone sinh dục này làm tác động lên trung tâm điều nhiệt của cơ thể. Và hậu quả là người phụ nữ trong giai đoạn này sẽ thường xuyên cảm thấy những lúc mà người nóng bừng nhưng không sốt.

- Mang thai

Trong thai kỳ, cơ thể người phụ nữ phải chịu tác động từ quá trình thay đổi nồng độ các loại hormone sinh dục. Bên cạnh đó hoạt động chuyển hóa chất cũng tăng lên đáng kể để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cả bà mẹ và thai nhi.

Những nguyên nhân này khiến hiện tượng người nóng bừng nhưng không sốt cũng rất dễ dàng xuất hiện ở giai đoạn này.

2. Cách xử lý khi bị người nóng bừng nhưng không sốt

Bởi có nhiều nguyên nhân khác nhau, nên hiện tượng người nóng bừng nhưng không sốt cũng có thể được xử lý, điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Một số biện pháp điều trị tình trạng người nóng bừng nhưng không sốt bao gồm:

- Giảm cảm giác cay

Nếu bị người nóng bừng nhưng không sốt sau khi ăn cay thì có thể xử lý bằng cách uống một ít sữa, hoặc ăn các loại bánh quy. Sữa và bánh quy sẽ giúp giảm cảm giác cay trong khoang miệng một cách nhanh chóng và giảm các kích thích truyền tải về não. Từ đó làm giảm cảm giác người nóng bừng.

Uống nước sau khi ăn cay có thể làm các tinh dầu trong thức ăn cay bị loang rộng ra các vùng khác của khoang miệng và gây cảm giác cay nhiều hơn.

- Thư giãn tâm lý, sử dụng thuốc chống trầm cảm

Thư giãn tâm lý là biện pháp giảm cảm giác nóng bừng do tâm lý lo lắng, căng thẳng gây nên. Dành cho bản thân một không gian yên tĩnh để hít thở sâu, thiền định, thư giãn hoặc đơn giản chỉ là uống một ly nước lạnh,... đều có thể khiến tâm trạng trở nên bình tĩnh hơn.

Còn với những người thường xuyên gặp phải các tình trạng này và không có khả năng tự thư giãn bản thân thì có thể sử dụng đến các loại thuốc chống trầm cảm, giảm lo âu. Nhưng việc sử dụng các thuốc chống trầm cảm, lo âu cần phải được sử dụng thận trọng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Người nóng bừng nhưng không sốt: Nguyên nhân và cách điều trị  - Ảnh 3.

Giữ tâm lý thoải mái có thể làm giảm triệu chứng nóng bừng nhưng không sốt (Ảnh: Internet)

- Sử dụng liệu pháp hormone

Khi người bệnh bị nóng bừng người nhưng không sốt do các hiện tượng, bệnh lý gây rối loạn hormone như cường giáp, rụng trứng, tiền mãn kinh,... các bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp hormone.

Tùy thuộc vào bệnh lý hoặc tình trạng gây rối loạn hormone là gì mà loại thuốc được sử dụng có thể có các mục đích khác nhau. Những thuốc này có thể là những thuốc ức chế hoạt động của hormone hoặc bổ sung thêm hormone cho cơ thể. Tuy nhiên mục đích chính của điều trị đều là giữ nồng độ hormone trong cơ thể ổn định ở mức độ sinh lý, duy trì hoạt động bình thường của các hệ cơ quan.

Trên đây là một số nguyên nhân cũng như cách xử trí khi gặp phải hiện tượng người nóng bừng nhưng không sốt. Nếu do những tác động bên ngoài không cần quá lo lắng, nhưng hiện tượng này diễn ra một cách liên tục và thường xuyên, mọi người nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. 


https://suckhoehangngay.vn/nguoi-nong-bung-nhung-khong-sot-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-20220812104930401.htm
Tác giả: QN