Hỏi:
Chào Bác sĩ. Năm nay, tôi lên 45 tuổi. Tôi thường rất khó ngủ và nếu ngủ được thì chỉ chập chờn chứ không ngủ say được. Dạo gần đây, cứ khoảng 22 giờ đi ngủ thì chỉ tới 2 – 3 giờ sáng là tôi đã thức giấc. Xin hỏi Bác sĩ tôi có bị bệnh gì không? Và ở tuổi tôi, mỗi ngày giấc ngủ nên kéo dài trong bao lâu là đủ? Tôi có nên dùng thuốc ngủ không?
Nguyễn Thanh Nhạn
Người mất ngủ kinh niên uống thuốc gì để nhanh khỏi? (Ảnh: Internet)
Trả lời:
Chào chị Nhạn,
Giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều loại bệnh khác. Đó có thể là bệnh thực thể hoặc cũng có thể là do công việc căng thẳng, suy nhược thần kinh, stress,… Nhưng các bệnh hay gặp nhất là bệnh tim mạch, xương khớp và hô hấp. Ví dụ, bệnh tim mạch (thiếu máu cơ tim, bệnh tăng huyết áp,…) khiến ngườib ệnh thổn thức, khó chịu, lo lắng nên khó ngủ; đau nhức xương khớp (thoái hóa khớp. viêm đa khớp dạng thấp, bệnh gút,…); bệnh về đường hô hấp (hen phế quản, giãn phế quản,…) ho nhiều về đêm nên làm mất ngủ. Bên cạnh đó, các bệnh về đường tiết niệu, tiêu hóa cũng có thể gây nên chứng khó ngủ. Tùy vào các nguyên nhân mà sẽ có cách khắc phục riêng.
Trong bức thư, chị không trình bày rõ bên cạnh mất ngủ còn kèm theo biểu hiện gì khác không. Ví dụ như ăn uống thế nào, kinh nguyệt có đều không. Phụ nữ tuổi từ 45 trở lên thường có các dấu hiệu rối loạn tiền kinh nguyệt dây nên tình trạng bốc hỏa, gây hồi hộp, mất ngủ,…
Dẫu vậy, trước khi nghĩ tới việc sử dụng thuốc, chị nên sắp xếp lại thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày cho hợp lý. Chị không nên làm việc quá căng thẳng trước khi ngủ hoặc suy nghĩ tiêu cực. Hàng ngày, chị nên dành thời gian để tập luyện thể dục như tập yoga, đi bộ, thiền. Đây đều là các hoạt động giúp ích rất nhiều cho người mất ngủ.
Bên cạnh đó, chị có thể dùng một số thảo dược có công dụng giúp ngủ ngon như chè sen – long nhãn, tâm sen, canh hoa thiên lý lá vông hay lá dâu non,… Các thực phẩm đồ uống chứa chất kích thích như trà, cà phê nên tránh sử dụng trước khi ngủ. Phòng ngủ cần sạch sẽ, trang trí sao cho đủ lượng ánh sáng và đủ mát mẻ, thoáng đãng.
Trong trường hợp các giải pháp trên không giúp tình trạng cải thiện, chị cần tới các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh.
Dù đang băn khoăn mất ngủ kinh niên uống thuốc gì, chị tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc hoặc thảo dược mà chưa có sự hội ý và khuyên dùng với bác sĩ. Chứng khó ngủ có nhiều nguyên nhân nên cần có người hiểu biết bệnh mới có thể đưa ra phác đồ điều trị.
Chúc chị nhanh chóng khỏi bệnh!
BS. Trần Kim Anh