Người mắc thoát vị đĩa đệm cần làm gì để tránh biến chứng?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Người mắc thoát vị đĩa đệm cần làm gì để tránh biến chứng?
Bạn cần phải cảnh giác với các biến chứng thoát vị đĩa đệm nguy hiểm có thể xảy ra đối với cơ thể của bạn. Cuộc sống của người bệnh hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tìm hiểu các phòng tránh biến chứng thoát vị đĩa đệm nguy hiểm trong bài viết dưới đây.

1. Ai dễ bị thoát vị đĩa đệm?

Có nhiều nguyên nhân gây nên thoát vị đĩa đệm cột sống. Thứ nhất do chấn thương cột sống như tai nạn giao thông, tai nạn lao động,… Ở những người trên 30 tuổi, cột sống bắt đầu thoái hóa đĩa đệm thường không còn mềm mại, nhân nhày có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt và có thể rách khi nếu có một lực tác động mạnh vào cột sống. Hay gặp nhất là việc bê vác vật nặng sai cách. Thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Việc mang vác nặng sai tư thế này dễ gây chấn thương đốt sống lưng.

Nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng xấu tới xương khớp như tư thế ngồi làm việc không đúng cách gây cong vẹo cột sống, tập thể dục không đúng cách gây thoái hóa khớp, trật khớp… Ngoài ra, các bệnh lý cột sống bẩm sinh như gai đôi cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống cũng là các yếu tố thuận lợi gây thoát vị đĩa đệm.

2. Biến chứng nguy hiểm thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Rối loạn đại tiểu tiện: Lớp nhân keo trong đĩa đệm bị thoát ra ngoài chèn ép các dây thần kinh ở vùng thắt lưng dẫn đến hiện tượng rối loạn cơ tròn. Lúc này bệnh nhân sẽ mắc phải chứng tiểu tiện không tự chủ, nhất là trong lúc ngủ (hiện tượng đái dầm).

Ảnh hưởng tới hệ thần kinh: Vùng cột sống thường tập trung khá nhiều dây thần kinh "huyết mạch" của cơ thể. Khi các dây thần kinh này bị chèn ép, tổn thương sẽ gây ra những cơn đau cho người bệnh. Những cơn đau lúc đầu chủ yếu ở vùng thắt lưng hoặc vùng cổ sau có thể lan rộng ra hay tay, qua hông xuống đùi, bắp, bàn chân và các ngón chân. Đau tăng lên khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.

Bị teo cơ, gây liệt, tàn phế: Thoát vị đĩa đệm có thể gây teo cơ, liệt và dẫn đến tàn phế suốt đời. Nguyên nhân là do các mạch máu bị chèn ép không được lưu thông đến tay, chân dẫn đến hiện tượng tê bì, lâu dần mất cảm giác, vô lực, cơ bị teo lại và mất khả năng vận động.

Rối loạn cảm giác: Thoát vị đĩa đệm khiến các dây thần kinh bị tổn thương nên ở vùng da có rễ dây thần kinh đi qua thường có cảm giác nóng lạnh bất thường.

Hội chứng đau khập khiễng cách hồi: Các cơn đau thoát vị đĩa đệm khiến người bệnh chỉ đi được một đoạn đường sau đó phải nghỉ để cho bớt đau rồi mới đi được tiếp.

3. Phòng tránh biến chứng thoát vị đĩa đệm ngay từ đầu

Vì thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp phổ biến nhất hiện nay, để lại những biến chứng nguy hiểm, chính vì vậy mà chúng ta cần phải tiến hành thực hiện các biện pháp phòng tránh biến chứng thoát vị đĩa đệm sớm như:

Duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, nên ăn nhiều thực phẩm chứa canxi để giúp xương không bị loãng, sụn khớp không bị bào mòn vfa phòng tránh biến chứng thoát vị đĩa đệm nguy hiểm.

Hạn chế mang vác vật nặng trong thời gian dài. Giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hằng ngày. Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế để phòng tránh tật gù vẹo cột sống có thể gây thoát vị đĩa đệm sau này. Khi vác vật nặng, không để vặn cột sống mà nên gập gối, thẳng lưng, bê vật gần người nhất.

Tự ý thức bảo vệ bản thân khỏi những chấn thương từ bên ngoài như tai nạn xe cộ, tai nạn lao động…

Tập thể dục đều đặn thường xuyên để cơ, đốt xương, dây chằng được kéo giãn, tăng sự đàn hồi và chịu lực, phòng ngừa lão hóa xương khớp và giúp phòng tránh biến chứng thoát vị đĩa đệm hiệu quả.


Tác giả: Thanh Hoa