Có thể bạn nghĩ rằng tay chân miệng chỉ ảnh hưởng đối với trẻ em, thế nhưng bạn chưa biết rằng tay chân miệng ở người lớn cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc tay chân miệng nhưng không hề biết mình mắc bệnh.
"Giống như tên gọi của nó, bệnh tay chân miệng (HFMD) gây ra bởi một loại virus truyền nhiễm ảnh hưởng cổ điển đến bàn tay, bàn chân và miệng của bạn. Nhưng thực chất, căn bệnh này có thể gây phát ban trên khắp cơ thể của bạn". Lori Noble, MD, bác sĩ tại Spruce Internal Medicine (Philadelphia, PA 19107, Hoa Kỳ) cho hay.
Bac sĩ Lori Noble cũng cho biết thêm: "Tay chân miệng có thể gây nên tình trạng lở loét trong miệng; phát ban ngứa trên bàn tay, bàn chân, cánh tay, cẳng chân, mông, bộ phận sinh dục, bụng và lưng".
Các trường hợp tay chân miệng có thể từ nhẹ đến nặng. Căn bệnh có nhiều khả năng ảnh hưởng đến trẻ em từ 5 tuổi trở xuống và bệnh thường khỏi hoàn toàn trong vòng 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể bị nhiễm virus gây bệnh và có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào của vi rút; lúc này, bạn hoàn toàn có thể lây bệnh tay chân miệng cho người khác.
Cũng như đối với trẻ nhỏ, bệnh tay chân miệng ở người lớn thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt, giảm cảm giác thèm ăn, đau họng và li bì.
Sau khi bị sốt, các vết loét đau có thể xuất hiện dần trong miệng; xuất hiện dưới dạng nốt mụn. Cuối cùng, các nốt mụn này có thể bị phồng rộp lên khiến người bệnh đau đớn.
>> Tìm hiểu thêm về phát ban dạng phỏng nước trên da khi bị tay chân miệng
Đồng thời hoặc một thời gian ngắn sau khi các vết loét này xuất hiện, người bệnh tay chân miệng có thể phát ban ngứa trên da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Phát ban có thể lan rộng đến cánh tay, chân, mông, bộ phận sinh dục, bụng và lưng.
Bệnh tay chân miệng gây ra bởi một loại vi rút truyền nhiễm có thể truyền từ người này sang người khác qua chất tiết ở mũi và cổ họng như: nước bọt hoặc chất nhầy ở mũi; dịch ở các vết phồng rộp hoặc phân.
Người trưởng thành cũng có thể mắc tay chân miệng do:
- Tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh tay chân miệng
- Hít thở không khí có virus do người mắc tay chân miệng hắt hơi hoặc ho
- Chạm vào các vật bị nhiễm virus gây bệnh, chẳng hạn như đồ chơi hoặc tay nắm cửa
- Tiếp xúc với nước bị nhiễm bệnh, ví dụ bể bơi công cộng, nhà tắm công cộng,..
Nếu bạn bị tay chân miệng, bạn có thể làm lây lan bệnh trong tuần đầu tiên có dấu hiệu phát bệnh. Tuy nhiên, bạn cũng có thể lây bệnh cho người khác sau khi các triệu chứng biến mất vài ngày. Vì vậy, bạn nên cách ly tại nhà 10-14 ngày để đảm bảo bệnh không lây lan sang người khác; bao gồm cả người lớn và trẻ em.
Trong khi tay chân miệng ở trẻ em thường gây ra một số triệu chứng khá rõ rệt thì nhiều trường hợp tay chân miệng ở người lớn không có các biểu hiện rõ rệt; hoặc các triệu chứng ở người lớn không liên quan chính xác đến bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng dễ lây ở mọi độ tuổi. Bởi vì người lớn thường không có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh nên vệ sinh tốt chính là chìa khóa để sống khỏe mạnh. Ngoài ra, việc có ít các biểu hiện bệnh cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc điều trị nếu tay chân miệng ở người lớn chuyển biến sang giai đoạn nặng và gặp các biến chứng.
Bác sĩ Neha Vyas tại Cleveland Clinic chia sẻ: "Viêm màng não là một nỗi lo lớn của bệnh tay chân miệng; bởi vì, giống như tất cả các loại virus, nó có thể vượt qua hàng rào máu não. Nó cũng có thể nhiễm trùng tim và gây viêm cơ tim".
Tuy nhiên, bác sĩ Vyas cũng cho biết rằng những người lớn dễ bị biến chứng của tay chân miệng là người có bệnh nền nặng ngay từ đầu; chẳng hạn như người già yếu, người mắc ung thư hoặc người lớn mắc các bệnh làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
>> Dấu hiệu báo động hệ miễn dịch của cơ thể đang bị suy giảm cần cẩn thận!
Bệnh tay chân miệng ở người lớn cũng tương đối nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai vì nó có thể làm tăng nguy cơ biến chứng thai kì. Ngoài ra, vào cuối thai kỳ, em bé có thể nhiễm bệnh trong bụng mẹ ngay cả khi người mẹ không còn mắc bệnh.
Bác sĩ Vyas cũng nhấn mạnh rằng khả năng biến chứng của bệnh tay chân miệng ở người lớn khỏe mạnh là rất thấp. Bạn có thể tìm hiểu thêm về bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai TẠI ĐÂY.
Khi phát hiện các dấu hiệu của tay chân miệng ở bạn hoặc con bạn, hãy đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác bệnh. Bác sĩ sẽ có phương án điều trị hợp lý cho bệnh tay chân miệng ở người lớn.
Vì bệnh tay chân miệng nói chung chưa có thuốc đặc trị, và bệnh đối với người trưởng thành không quá nguy hiểm nên người bệnh cần tăng cường sức đề kháng của bản thân.
Thông thường bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân tay chân miệng ở độ tuổi trưởng thành thực hiện các bước sau đây:
- Uống đủ nước để tránh tình trạng cơ thể mất nước do sốt cao
- Sử dụng thuốc hạ sốt 6 tiếng/ lần theo chỉ định của bác sĩ
- Tăng cường bổ sung dinh dưỡng để giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng
- Vệ sinh cơ thể, nhất là các nốt mụn nếu có; việc này làm tránh nguy cơ bội nhiễm trên da.
Bệnh tay chân miệng ở người lớn thường không quá nguy hiểm nên thường điều trị tại nhà và khỏi hẳn sau 10-14 ngày. Tuy nhiên, nếu quan sát thấy các biểu hiện mệt mỏi thái quá; sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc được kê; mê man hoặc hô hấp khó thì nên đến bệnh viện ngay để được can thiệp kịp thời.
Nguồn dịch:
1. https://www.pennmedicine.org/updates/blogs/health-and-wellness/2018/september/hand-foot-and-mouth-disease
2. https://health.clevelandclinic.org/you-mean-adults-get-hand-foot-and-mouth-disease-too/