Thời tiết đang có sự chênh lệch nhiệt độ giữa buổi sáng - trưa - tối. Bên cạnh trẻ em thì người cao tuổi cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp. Do vậy ngoài việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra các bệnh ở người cao tuổi thì dưới đây là một số khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa về phòng tránh bệnh đường hô hấp khi trời trở lạnh.
Theo BS chuyên khoa II Ngô Thế Hoàng - Trưởng khoa Hô hấp BV Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, trong thời gian gần đây, các ca nhập viện liên quan tới các bệnh đường hô hấp tăng cao. Người cao tuổi trở thành nhóm dễ mắc bệnh đường hô hấp hơn cả. Nhất là những bệnh lý có liên quan tới nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Hoàng cho biết thêm, tỷ lệ người cao tuổi bị mắc các bệnh như viêm phổi, bị đợt cấp hen phế quản hay phổi tắc nghẽn mãn tính cũng gia tăng và có thể gây nguy hiểm cho người bệnh nếu như không được can thiệp y tế kịp thời và đúng cách. Do những bệnh này đều rất dẽ tái phát và gây ra khó thở do đường hô hấp bị xuất tiết nhiều. Nếu cấp cứu muộn có thể gây ra nguy hiểm tới cả tính mạng.
Nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh hô hấp vào mùa lạnh là gì?
Thông thường, các bệnh đường hô hấp thường có nguyên nhân gây bệnh là do các loại vi khuẩn khác nhau như phế cầu, liên cầu khuẩn, tụ cầu hay vi nấm,... Những vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên của nhóm người khỏe mạnh, không mang bệnh. Tuy nhiên, khi có một yếu tố tác động (bên trong hoặc bên ngoài) gây ra sự suy giảm hệ miễn dịch ở nhóm người này, ví dụ như cảm lạnh hay thiếu dinh dưỡng,.. nhất là khi môi trường có sự thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm cao hơn dẫn tới vi khuẩn có điều kiện phát triển thuận lợi hơn.
Hay nói cách khác, khi hệ miễn dịch của người khỏe mạnh bị suy yếu sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển và gây bệnh.
Đặc thù hơn, người cao tuổi vốn có sức đề kháng yếu hơn, hấp thụ dinh dưỡng kém hơn nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn và bùng phát bệnh cũng sẽ cao hơn. Đó là chưa kể đến việc với người cao tuổi đang mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thì vào mùa mưa rất dễ gặp các đợt cấp của bệnh. Do vậy việc nhập viện và theo dõi sát sao khi gặp biến chứng viêm phổi là rất quan trọng.
Ngoài lý do là thời tiết thay đổi khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh hô hấp vào mùa lạnh hơn thì việc ăn uống kém, hấp thụ dinh dưỡng kém hoặc nơi ngủ nghỉ không đủ ấm cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi hơn. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về bệnh viêm phổi ở người cao tuổi TẠI ĐÂY.
Điều kiện vệ sinh nhà cửa, môi trường cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi. Khói bụi ô nhiễm, khói thuốc lá, khói bếp than, khói bếp củi hay nhà cửa kém thông khí là những điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh hay tái phát các bệnh hô hấp.
Bác sĩ Hoàng cho biết, khi thời tiết giao mùa và có sự thay đổi thất thường về nhiệt độ và độ ẩm người cao tuổi cần có các biện pháp chủ động phòng chống bệnh đường hô hấp và tránh xảy ra các đợt cấp của bệnh nếu như đang có bệnh nền sẵn.
Cụ thể, bác sĩ đưa ra một số lời khuyên như sau:
- Khi trời mưa gió người cao tuổi cần hạn chế việc đi ra đường. Nếu bắt buộc phải đi thì cần mặc quần áo ấm, giữ ấm cổ, lòng bàn tay, bàn chân và giữ ấm cho mũi, mặt.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, bao gồm cả tắm rửa và đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Nếu như có sử dụng răng giả thì cần vệ sinh sạch sẽ, ít nhất 3 lần/1 ngày.
- Khi tắm cần tắm ở phòng kín gió, tắm nhanh và tắm bằng nước ấm. Sau khi tắm xong cần lau khô người và mặc quần áo vào ngay để không bị mất nhiệt.
- Vào những hôm trời lạnh cần hạn chế sử dụng quạt máy hay điều hòa, không nên uống nước lạnh, nước đá.
- Cần giữ cho không khí trong nhà luôn thông thoáng, vệ sinh nhà cửa, giường chiếu, thảm trải sàn, sofa sạch sẽ, không cho vi sinh vật có điều kiện phát triển.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Người cao tuổi nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin như rau xanh và hoa quả giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh bệnh tật.
- Nếu như có thói quen hút thuốc hay sử dụng đồ uống có cồn thì cần bỏ ngay. Tránh xa khói thuốc lá để giữ hệ hô hấp được khỏe mạnh.
- Tùy vào tình hình sức khỏe và thể trạng người cao tuổi nên có các bài tập thể dục phù hợp và nên duy trì thói quen tập luyện đều đặn. Có thể tham khảo các phương pháp tập hít thở đều giúp thanh lọc phổi.
- Cần tiêm phòng cúm định kì để giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nguy cơ gặp biến chứng cao.
Bác sĩ Hoàng cũng nhấn mạnh thêm, với người cao tuổi đang có các bệnh nền mãn tính thì cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và tiến hành tái khám đúng lịch. Ngoài ra tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh khi bị cảm cúm hay cảm lạnh,...
Hoặc cũng không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ nhiều lần do bệnh tái phát nếu sử dụng đi sử dụng lại có thể gây ra hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn.