Chế độ ăn uống luôn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh trĩ ngoại. Vậy có những loại thực phẩm nào có tác dụng hỗ trợ điều trị và nâng cao sức khoẻ cho người bị trĩ ngoại? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau bạn nhé!
Một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trĩ ngoại là chế độ ăn uống không khoa học. Một số thực phẩm sau đây trong thực đơn hàng ngày có thể hỗ trợ điều trị trĩ ngoại hiệu quả.
Hoa quả và các loại rau chứa nguồn chất xơ và lượng vitamin cần thiết giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh trĩ ngoại hiệu quả. Những thực phẩm được khuyến nghị cho người bị trĩ ngoại phải kể đến các loại phổ biến như: rau chân vịt, củ cải đỏ, mướp hương, quả sung, khoai lang,...
Rau chân vịt là thực phẩm giàu chất xơ, chất chống oxi hóa, tốt cho hệ tiêu hóa, có khả năng làm sạch và phục hồi ruột nhanh chóng, rất hiệu quả trong việc chữa trị trĩ ngoại. Đồng thời, thành phần vitamin E có trong rau chân vịt giúp giảm triệu chứng ngứa rát, bảo vệ búi trĩ khỏi sự tấn công của các loại vi khuẩn ở vùng hậu môn. Vitamin K thúc đẩy quá trình đông máu, hạn chế mất máu nhiều.
Thành phần magie chứa trong rau cũng góp phần chữa trị vết thương trong đường tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón, tránh tình trạng bệnh trĩ ngoại chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn.
Củ cải đỏ chứa hàm lượng chất xơ dồi dào giúp đẩy các chất thải từ đường ruột ra ngoài một cách dễ dàng. Củ cải đỏ cũng chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho đại tràng, giúp quá trình chuyển hóa của ruột trơn tru hơn. Vitamin C có trong củ cải đỏ giúp tăng cường hệ miễn dịch, tránh sự tấn công của các vi khuẩn có hại, duy trì được lượng nước có trong cơ thể.
Mướp hương được biết đến là thực phẩm tốt cho da, thanh nhiệt, giải độc và cũng là thực phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị trĩ ngoại. Mướp hương đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh và người bị trĩ lâu năm.
Các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu đen, đậu xanh,... cung cấp một lượng lớn protein, vi chất dinh dưỡng như vitamin B, chất sắt và chất xơ. Lượng chất xơ có trong các loại đậu làm giảm áp lực lên các búi trĩ.
Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ bao gồm gạo lứt, bỏng ngô, yến mạch,... Ngũ cốc nguyên hạt chứa các vi chất dinh dưỡng như protein, selen và chất xơ nhiều hơn so với ngũ cốc tinh chế.
Khi bị trĩ ngoại, trong chế độ ăn uống hàng ngày nên uống nhiều nước lọc, đồng thời bổ sung các loại nước ép, sinh tố trái cây tươi, trà thảo mộc có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh trĩ ngoại.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, một người trưởng thành nên uống trung bình khoảng 2 lít nước mỗi ngày, áp dụng thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính, mức độ vận động,... Đối với những người bị trĩ ngoại, uống nhiều nước giúp làm mềm chất thải, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đào thải được dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng đau đớn khi bị trĩ ngoại.
Trà củ đinh lăng, trà hoa hòe, trà rau má, hạ liên châu, trà hoa cúc la mã,... là các loại trà thảo mộc có công dụng tiêu độc, chống viêm, nhuận tràng, tiêu hóa tốt, cầm máu, giúp người bị bệnh trĩ giảm đau.
Uống nước ép củ cải đỏ liên tục mỗi ngày có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, đào thải độc tế ra khỏi cơ thể và giảm các triệu chứng do trĩ ngoại gây ra.
Sinh tố đu đủ kết hợp với hồng xiêm và dâu tây là thực đơn cần có trong danh sách chữa bệnh trĩ nhờ vào một loại enzym có thể tiêu hóa một số chất gây táo bón. Sinh tố việt quất có hàm lượng chất xơ dồi dào giúp hệ tiêu hóa vận hành trơn tru, làm mềm chất thải. Ngoài ra, các loại nước ép từ trái cây nhiều vitamin như cam, bơ, lê,... tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón.
Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày, người bị trĩ ngoại cần kết hợp các thói quen lành mạnh như vận động thường xuyên, tập đi vệ sinh đúng giờ để quá trình điều trị bệnh diễn ra hiệu quả nhất