Tư thế nằm ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe chúng ta, nếu ngủ không đúng cách có thể gây khó thở, mệt mỏi, đau lưng. Đặc biệt là đối với những người bị trào ngược dạ dày, việc ngủ sai tư thế có thể làm gia tăng thêm các triệu chứng của bệnh như buồn nôn, ợ chua, ợ hơi. Dưới đây là những lưu ý về tư thế ngủ giúp chống trào ngược dạ dày.
Theo thống kê từ các nhà khoa học, cứ 4 người bị rối loạn giấc ngủ thì có 1 người bị trào ngược dạ dày. Đối với những người được chẩn đoán mắc trào ngược dạ dày thực quản, tỷ lệ người bị mất ngủ thậm chí còn cao hơn. Trong đó, có 3/4 số bệnh nhân nói rằng họ gặp các triệu chứng của bệnh trào ngược khi về đêm. Bao gồm các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, ngưng thở khi ngủ do chứng ợ nóng gây ra:
- Đầu tiên, các bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thường không thể ngủ bởi những cơn đau dạ dày, ợ nóng, xảy ra khi acid dạ dày trào ngược vào thực quản.
– Nếu trào ngược acid đọng lại ở cổ họng hoặc thanh quản, nó có thể gây ra ho hoặc nghẹt thở.
– Trào ngược dạ dày cũng được cảnh báo là một yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân ngưng thở khi ngủ. Trào ngược acid dạ dày khiến thanh quản co thắt, ảnh hưởng đến hệ hô hấp và đó là nguyên nhân gây khó thở.
- Ngoài ra, các triệu chứng của trào ngược cũng dễ bị kích thích hơn khi ngủ. Chẳng hạn, khi bạn nằm xuống, acid dạ dày sẽ chảy ngược vào thực quản. Gây ra các triệu chứng ợ nóng, buồn nôn
- Bên cạnh đó, khi ngủ chúng ta thường ít nuốt nước bọt hơn. Điều này làm chậm các cơn co thắt thực quản – giúp đưa thức ăn xuống thực quản và ngăn ngừa trào ngược acid.
Chính vì vậy, người bị trào ngược dạ dày nên ngủ theo tư thế như sau:
- Nâng cao đầu giường lên 6 đến 8 inch để tạo trọng lực trong việc giữ cho acid dạ dày không bị trào ngược.
- Không nằm tư thế dồn trọng lực vào lưng, đặc biệt nếu bạn bị béo phì. Vì áp lực lên dạ dày có thể khiến đưa acid vào thực quản.
- Không nên nằm nghiêng bên phải khi ngủ. Vì tư thế này khiến van nối thực quản và dạ dày giãn ra khiến trào ngược dễ xảy ra hơn.
- Người bị trào ngược dạ dày khi ngủ tốt nhất nên nằm nghiêng về bên trái, đồng thời nên kê cao đầu giường khi ngủ khoảng 15 – 20 cm.
Khi bệnh nhân bị trào ngược dạ dày nằm tư thế nghiêng sang bên trái thì dạ dày ở dưới cuống họng, cuống họng nằm ngang so với cơ thể. Tư thế này khiến dịch vị và các chất nằm yên trong dạ dày, ngăn cơ thắt thực quản dưới giãn mở bất thường, từ đó sẽ tránh được các chất trào ngược lên cuống họng và thực quản. Bên cạnh đó, khi nằm nghiêng bên trái, cơ thể có thể loại bỏ độc tố dễ dàng hơn.
Khi nằm nghiêng bên phải sẽ làm tăng nguy cơ gây ra hiện tượng trào ngược. Với tư thế này dạ dày nằm trên cuống họng và thực quản. Sự co bóp của dạ dày vào ban đêm làm tăng áp lực lên co thắt thực quản dưới khiến cơ vòng giãn mở bất cứ lúc nào, dễ gây trào ngược lên thực quản.
Ngủ sai tư thế là không nên, tuy nhiên cũng không nằm nghiêng một bên quá lâu. Trong lúc ngủ bệnh nhân bị trào ngược dạ dày có thể thay đổi tư thế cho thoải mái tránh gây tê bì chân tay, khiến giấc ngủ không trọn vẹn.
Bên cạnh việc thực hiện tư thế nằm ngủ để chống trào ngược dạ dày, bệnh nhân cũng nên lưu ý những điều sau:
- Nên nằm ngủ khi ăn xong từ 3 – 4 tiếng.
- Tránh mặc quần áo chật trong lúc ngủ.
- Kê cao gối trước khi ngủ từ 15 – 20cm.
- Tránh ngủ muộn.
Đối với người bị trào ngược dạ dày, thói quen ngủ sai tư thế có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh, khiến các triệu chứng bệnh nặng hơn. Vì thế, đối với người mắc bệnh trào ngược dạ dày nên học thói quen ngủ đúng tư thế để tránh làm tăng các triệu chứng bệnh.