Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh lý di truyền do sự thiếu hụt tổng hợp một chuỗi globin trong huyết sắc tố của hồng cầu. Tan máu bẩm sinh là một trong những biến chứng di truyền rất hay gặp phải trên thế giới. Ở nước ta cũng đã có rất nhiều người mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
Đối với tan máu bẩm sinh thể nhẹ, thể ẩn không biểu hiện triệu chứng, bệnh nhân chỉ cần theo dõi định kỳ công thức máu mỗi năm hoặc khi mệt.
Còn với bệnh nhân thể nặng thì cần truyền máu định kỳ và có thể xảy ra biến chứng như ứ sắt và loãng xương, chậm phát triển. Ngoài ra, khi truyền máu nhiều lần sẽ gây quá tải sắt, ứ sắt ở cơ quan nội tiết như tuyến thượng thận và tuyến thượng giáp (các cơ quan có chức năng điều hòa hấp thu canxi trong cơ thể). Khi chúng bị suy yếu sẽ làm rối loạn tăng thải canxi ra ngoài, kém hấp thu canxi, dẫn đến loãng xương.
Ảnh: Internet
Chính vì những lí do trên mà ngoài việc tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần có một chế độ ăn uống phù hợp. Vậy người bị tan máu bẩm sinh nên ăn gì và kiêng những gì?
Đối với chế độ ăn cho người bị tan máu bẩm sinh, vì bệnh nhân bị ứ sắt nên cần chọn các thực phẩm ít chất sắt và chứa nhiều canxi. Với nhóm đường bột (ngũ cốc), người bệnh ăn theo sở thích. Với nhóm chất đạm - thịt thì nên chọn ăn các loại thịt ít chất sắt như thịt lợn, thịt gia cầm, thịt dê...
Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường ăn cá, điều này rất tốt cho sức khỏe vì cá chứa ít chất sắt hơn thịt. Một số loại cá chứa hàm lượng canxi cao như cá trạch, cá nục, cá hồi... Với thực phẩm nhóm chất đạm - thủy sản, các loại cua đồng, tép đồng, hến, ốc... không đắt tiền nhưng ít sắt, rất giàu canxi.
Người bị tan máu nên sử dụng sữa đậu nành vì sữa đậu nành rất tốt và bổ dưỡng với người mắc bệnh này do có hàm lượng sắt thấp và hàm lượng canxi cao nhất trong các loại hạt, lượng protein cũng rất cao. Ngoài sữa đậu nành thì sữa chua, sữa tươi, sữa đặc, pho mát, sữa bột tách béo cũng rất tốt và phù hợp với những người bệnh.
Ảnh: Internet
Bệnh nhân tan máu bẩm sinh nên ăn nhiều rau quả tươi, trái cây tươi vì có nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt.
Nhiều bệnh nhân tan máu bẩm sinh thắc mắc rằng người bệnh đang ứ sắt tại sao lại ăn vitamin C để tăng hấp thu sắt. Thực tế điều này là do nếu người bệnh hơi thừa sắt, chưa sử dụng thuốc thải sắt thì nên hạn chế vitamin C, nhưng khi bắt đầu sử dụng thuốc thải sắt thì nên sử dụng vitamin C.
Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, người bệnh nên uống trà xanh hàng ngày, nhất là sau bữa ăn để giảm hấp thu sắt và vì trà xanh rất tốt cho cơ thể.
Có một điều các bệnh nhân bị bệnh tan máu luôn cần ghi nhớ đó là hạn chế ăn các loại sản phẩm sấy khô, ví dụ như thủy hải sản phơi khô, trái cây sấy khô, rau củ phơi khô vì chúng chứa hàm lượng sắt cao, không hề tốt cho cơ thể.
Không chỉ có vậy, với nhóm đạm thực vật (các loại đậu), ngoài đậu nành có thể sử dụng được thì các loại đậu khác nên hạn chế ăn do chúng cũng có hàm lượng sắt cao.
Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý hạn chế ăn thịt bò, khô bò, gan, tim, patê, các loại sò, lòng đỏ trứng...
Theo Sức khỏe & Đời sống