Người bị cao huyết áp nên uống 5 loại trà này khi thời tiết đang trở lạnh

Người bị cao huyết áp nên uống 5 loại trà này khi thời tiết đang trở lạnh
Vào mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao do mạch máu tạm thời bị thu hẹp. Một số loại trà có thể thúc đẩy sự thư giãn của mạch máu và từ đó giúp hạ huyết áp hiệu quả.

Huyết áp cao là một yếu tố làm tăng nguy cơ các bệnh lý như bệnh tim, đột quỵ và đau tim. Mặc dù huyết áp cao thường được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống, nhưng một số loại trà cũng có tác dụng hạ huyết áp mà mọi người có thể uống một cách thường xuyên.

1. Cao huyết áp uống trà gì?

Người bị cao huyết áp nên uống gì? Dưới đây là 5 loại trà mà người cao huyết áp nên uống thường xuyên, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh.

- Trà hoa dâm bụt

Hoa dâm bụt là một loại hoa cảnh mà nhiều gia đình trồng để trang trí cho ngôi nhà. Tuy nhiên, loại hoa này còn có công dụng như một loại trà thảo dược, có thể ngăn ngừa tác hại của gốc tự do, giảm cholesterol xấu và chất béo trung tính, tăng cường sức khoẻ của gan, ngăn ngừa ung thư. Đặc biệt, trà hoa dâm bụt còn giúp hạ huyết áp rất hiệu quả.

Trà hoa dâm bụt chứa các hợp chất, bao gồm anthocyanin và polyphenol, có thể giúp thư giãn mạch máu, dẫn đến giảm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

Một số bằng chứng cho thấy rằng uống thường xuyên 2 tách trà hoa dâm bụt mỗi ngày có thể góp phần làm giảm huyết áp theo thời gian.

Người bị cao huyết áp nên uống 5 loại trà này khi thời tiết đang trở lạnh - Ảnh 1.

Uống thường xuyên 2 tách trà hoa dâm bụt mỗi ngày có thể giúp hạ huyết áp (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Tăng cường kiểm soát cao huyết áp nhờ sử dụng gia vị và thảo mộc

Hiểu đúng về DASH - chế độ ăn kiêng giúp kiểm soát bệnh cao huyết áp

Cách pha trà hoa dâm bụt: Đem hoa dâm bụt tươi rửa sạch và phơi khô. Sau đó pha như các loại trà thông thường - lấy một lượng hoa dâm bụt vừa đủ cho vào ấm, rót nước sôi vào và ủ trong khoảng 5 phút, lọc bã và thưởng thức.

- Trà xanh

Cao huyết áp uống trà gì? Khi bị huyết áp cao mọi người có thể uống trà xanh.

Trà xanh là loại thức uống quen thuộc của nhiều người và loại trà này nổi tiếng với chất chống oxy hoá cao, chứa các hợp chất hoạt tính sinh học gọi là catechin, đặc biệt là epigallocatechin gallate (EGCG) có thể phòng ngừa ung thư, tăng cường trí nhớ, kéo dài tuổi thọ, phòng ngừa các bệnh tim mạch - trong đó có tác dụng hạ huyết áp.

Một nghiên cứu năm 2023 có sự tham gia của hơn 76.000 người tham gia ở Tây Nam Trung Quốc cho thấy rằng việc tiêu thụ trà xanh nói chung, bất kể tiêu thụ bao nhiêu và trong bao lâu đều có liên quan đến việc giảm huyết áp tâm thu.

Cách pha trà xanh: Bạn có thể sử dụng trà dã phơi khô hoặc lá trà tươi (trà tươi đem đi rửa sạch), cho vào ấm và đổ một lượng nước sôi vừa đủ, để ủ trong khoảng 5-10 phút là có thể sử dụng. Bạn có thể uống trong ngày và không nên để qua đêm.

- Trà lá oliu

Trà từ lá oliu có hương vị thảo mộc nhẹ nhàng. Loại trà này chứa các hợp chất như oleuropein và hydroxytyrosol, được cho là hỗ trợ điều hòa huyết áp bằng cách thúc đẩy sự giãn nở của các mạch máu.

Trong một nghiên cứu năm 2017 với sự tham gia của 31 người, việc tiêu thụ trà lá ô liu trong 28 tuần - được pha chế bằng cách ngâm 5 gam lá khô và xay trong 250 ml nước ấm và uống 2 lần mỗi ngày đã làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và tâm trương của những người này trong vòng 4 tuần.

Ngoài ra, một tỷ lệ đáng kể những người tham gia, chỉ giới hạn ở những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 và tiền tăng huyết áp, đã đạt được mức huyết áp chuẩn.

Người bị cao huyết áp nên uống 5 loại trà này khi thời tiết đang trở lạnh - Ảnh 2.

Lá oilu chứa các hợp chất như oleuropein và hydroxytyrosol có thể điều hoà huyết áp (Ảnh: Internet)

Cách pha trà lá oliu: Đem lá oliu phơi khô, sau đó thái nhỏ lá oliu và cho vào ấm, đổ nước sôi ngay sau đó. Ủ trà trong khoảng 5-10 phút là có thể thưởng thức.

- Trà quả táo gai

Táo gai hay còn gọi là chua chát, sơn tra, táo mèo. Loại quả này có nhiều công dụng như giúp giảm cholesterol, hỗ trợ tiêu hoá, chống lão hoá,... Táo gai cũng có tác dụng làm giảm huyết áp nhờ có thể giúp giãn mạch máu, cải thiện lưu thông máu. Người bị cao huyết áp uống trà táo gai thường xuyên sẽ nhận được nhiều lợi ích.

Cách pha trà táo gai: Đem táo gai tươi rửa sạch sau đó phơi khô. Sử dụng 3-4 lát táo gai khô pha cùng 100-150ml nươc sôi, ủ trong khoảng 10 phút.

- Trà hoa cúc

Cao huyết áp uống trà gì? Người bị huyết áp cao nên uống trà hoa cúc, loại trà này có đặc tính nhẹ nhàng, làm dịu và thường được sử dụng để thúc đẩy sự thư giãn và giảm căng thẳng, có thể gián tiếp có lợi cho huyết áp.

Trà hoa cúc chứa nhiều hợp chất có lợi, chẳng hạn như flavonoid, terpenoid và coumarin, góp phần tạo nên đặc tính trị liệu của trà hoa cúc, bao gồm giúp hạ huyết áp.

Ngoài tác dụng giúp hạ huyết áp, trà hoa cúc còn có nhiều lợi ích nổi bật khác như chống viêm, chống oxy hóa, bảo vệ gan, chống ung thư.

Người bị cao huyết áp nên uống 5 loại trà này khi thời tiết đang trở lạnh - Ảnh 3.

Trà hoa cúc giúp hạ huyết áp và giúp ngủ ngon hơn (Ảnh: Internet)

Cách pha trà hoa cúc: Sử dụng 7-10 bông hoa cúc đã được phơi khô pha cùng với khoảng 200-300ml nước nóng. Ủ trong khoảng 5-10 phút và thưởng thức.

2. Một số lưu ý khi uống trà giúp hạ huyết áp

Mặc dù các loại trà được đề cập trên có thể giúp hạ huyết áp và tương đối an toàn. Tuy nhiên, mọi người vẫn nên lưu ý một số vấn đề khi sử dụng các loại trà này:

- Một số loại trà có thể tương tác với thuốc hạ huyết áp và một số loại thuốc khác. Do đó, khi sử dụng bất kể loại thuốc nào, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ khi kết hợp với các loại trà trên.

- Nếu sử dụng các loại trà thường xuyên và cảm thấy chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, nhìn mờ bạn nên ngưng sử dụng ngay vì có thể bạn bị tụt huyết áp tới mức quá thấp.

- Sử dụng các loại trà trên chỉ hỗ trợ kiểm soát huyết áp và không thể thay thế được các chỉ định của bác sĩ. Do vậy, bạn không nên tự ý bỏ thuốc hay phương pháp điều trị nào mà bác sĩ chỉ định để thay thế bằng các loại trà trên.

- Bạn nên uống trà với lượng vừa đủ, không nên uống quá nhiều để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chẳng hạn, uống quá nhiều trà xanh có thể dẫn đến tình trạng lo lắng, rối loạn giấc ngủ hoặc tăng nhịp tim ở một số người.

Người bị cao huyết áp nên uống 5 loại trà này khi thời tiết đang trở lạnh - Ảnh 4.

Một số loại trà có thể tương tác với thuốc hạ huyết áp nên bạn cần cẩn trọng (Ảnh: Internet)

3. Cao huyết áp nên kiêng gì?

Ngoài vấn đề cao huyết áp nên uống trà gì?, cao huyết áp nên kiêng gì cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Về chế độ ăn, người bị cao huyết áp nên kiêng những thực phẩm nhiều muối, đường hoặc các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ.

Về các loại thức uống, người bị cao huyết áp nên tránh uống những thực phẩm sau:

- Rượu

Uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng huyết áp. Rượu cũng có thể tương tác với thuốc và làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị huyết áp cao.

- Đồ uống có chứa caffeine

Đồ uống có chứa caffeine có thể khiến huyết áp của bạn tăng 10 mmHg hoặc hơn (đặc biệt nếu bạn cũng hút thuốc). Caffeine có trong các loại đồ uống như: cà phê, đồ uống tăng lực. 

Mặc dù trà xanh có chứa caffeine nhưng lại được nhiều nghiên cứu chỉ ra loại trà này có thể làm giảm huyết áp nên các bạn vẫn có thể sử dụng loại thức uống này.

- Đồ uống có nhiều đường

Những loại đồ uống chứa đường, nhất là đường fructose làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Điều này ức chế quá trình sản xuất oxit nitric cần thiết để giúp mạch máu duy trì tính linh hoạt, vì vậy khi nồng độ NO giảm, bạn có thể bị tăng huyết áp.

Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề: "Cao huyết áp uống trà gì?". Mặc dù trà không thay thế thuốc hoặc thay đổi lối sống, nhưng một số loại trà trên có một số hợp chất có thể giúp bạn thư giãn và có tác động tích cực nhỏ đến huyết áp của bạn.

Nguồn tham khảoWhat Tea Should You Drink to Lower Blood Pressure?


Tác giả: Vân Anh