Người bị bệnh tim mạch có nên tăng cường tập thể dục hay không?

Người bị bệnh tim mạch có nên tăng cường tập thể dục hay không?
Các lợi ích của hoạt động thể chất với sức khỏe nói chung và hệ tim mạch nói riêng là điều đã được biết đến từ lâu. Tuy nhiên một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải giúp mang lại nhiều lợi ích nhất cho những người bị bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch là tên gọi chung dùng để chỉ tất cả các rối loạn liên quan đến tim và mạch máu. Nó là một trong các gánh nặng sức khỏe phổ biến và nghiêm trọng nhất hiện nay. Ước tính rằng, gần một nửa số người trường thành tại Mỹ mắc một hoặc một số bệnh tim mạch.

Theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên Tạp chí Y khoa PLOS, các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có thể thu được nhiều lợi ích từ hoạt động thể chất.

Tuy nhiên nghiên cứu này đã phát hiện, tồn tại một giới hạn ở những người khỏe mạnh khiến họ không thể nhận thêm lợi ích dù tăng cường việc tập luyện. Đồng thời, những hoạt động thể chất có thể không đưa đến lợi ích tương đương ở những người mắc bệnh tim mạch khi so sánh với người bình thường.

1. Bệnh tim mạch là gì?

Bệnh tim mạch là một tên gọi chung cho tất cả các bệnh ảnh hưởng lên tim và mạch máu. Nó khác với bệnh tim - thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh lý cụ thể ảnh hưởng lên trái tim. Có rất nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau, chẳng hạn có thể kể đến như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý van tim,...

Những bệnh lý tim mạch khác nhau sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Phương pháp điều trị thích hợp (dùng thuốc hay phẫu thuật) sẽ được đưa ra dựa trên mức độ trầm trọng của bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh có thể tăng lên nếu có một số yếu tố như cao huyết áp, cholesterol cao hoặc tiểu đường,... Do đó, thay đổi các yếu tố nguy cơ là một cách để ngăn ngừa các hậu quả sức khỏe do bệnh tim mạch gây ra.

Cho đến nay, việc tìm kiếm phương pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh tim mạch vẫn đang được diễn ra để có thể làm giảm nguy cơ tử vong do những bệnh lý này gây nên. Trong số đó, nhiều nghiên cứu khác nhau đã đề cập đến vai trò, lợi ích của hoạt động thể chất. Đồng thời cố gắng xác định ai là đối tượng được nhận được lợi ích nhiều nhất từ việc luyện tập.

Người bị bệnh tim mạch có cần tăng cường tập thể dục hay không? - Ảnh 1.

Bệnh tim mạch là một trong các gánh nặng bệnh tật hàng đầu hiện nay - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

Tại sao người già không nên ăn nhiều mỡ? Mắc bệnh tim mạch không phải là nguy cơ duy nhất

Thời gian tốt nhất để đi ngủ và mối liên hệ với sức khỏe tim mạch

2. Mối quan hệ giữa hoạt động thể chất và bệnh tim mạch

Mới đây, các nhà khoa học đến từ Hà Lan đã thực hiện một nghiên cứu thuần tập với hơn 142.493 người tham gia. Mục đích của nghiên cứu này nhằm làm rõ liệu lợi ích sức khỏe của hoạt động thể chất có phụ thuộc vào sức khỏe tim mạch hay không?

Đồng thời, những nhà nghiên cứu cũng cố gắng xác định sự ảnh hưởng của lý do vận động lên lợi ích sức khỏe mà hoạt động thể chất có thể mang lại. Chẳng hạn, một người tập luyện trong thời gian rảnh có đạt được các lợi ích giống với người phải vận động vì lý do công việc không.

Bệnh tim mạch là một thuật ngữ rộng với rất nhiều rối loạn khác nhau, và rất nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau có thể tác động lên chúng. Do đó, các nhà khoa học đã rất thận trọng trong việc sử dụng các thuật ngữ được sử dụng trong nghiên cứu:

- Người khỏe mạnh: Là những người có các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch nằm trong giới hạn bình thường. Đồng thời chưa từng có bệnh lý tim mạch nào được phát hiện.

- Người có yếu tố nguy cơ: Là những người chưa có bệnh tim mạch, nhưng có ít nhất một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch. Những yếu tố nguy cơ này bao gồm cao huyết áp, cholesterol, đái tháo đường,.... Kể cả những trường hợp đã sử dụng thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ trên.

- Người mắc bệnh tim mạch: Là những người có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,... và đã được điều trị thuốc cho các tình trạng này.

Các nhà khoa học thu thập thông tin từ những người tham gia thông qua một bảng câu hỏi. Những nội dung được đề cập bao gồm lối sống, tiền sử sức khỏe và chế độ dinh dưỡng. Sau đó, những người tham gia nghiên cứu sẽ được tiếp tục theo dõi trong thời gian 6,8 năm tiếp theo.

Đồng thời, một bảng câu hỏi khác về mức độ hoạt động thể chất cũng được thu thập. Nó giúp bảo đảm các bài tập của những người tham gia đều ở mức độ trung bình hoặc mạnh. Họ phân chia các hoạt động thể chất thành ba nhóm như sau:

- Hoạt động thể chất giải trí: Là những hoạt động thể chất được thực hiện trong thời gian giải trí.

- Hoạt động thê chất không nhàn rỗi: Là những hoạt động thể chất không phải được thực hiện trong lúc không nhàn rỗi, chẳng hạn như làm việc nhà,...

- Hoạt động thể chất nghề nghiệp: Là những hoạt động thể chất được thực hiện do yêu cầu của công việc. Đây có thể xem như là một nhánh nhỏ của các hoạt động thể chất không nhàn rỗi.

Trong quá trình này, nhóm nghiên cứu đã xem xét mối quan hệ giữa hoạt động thể chất cường độ trung bình đến mạnh, các nguyên nhân gây tử vong chung, và những biến cố tim mạch lớn. Những biến cố tim mạch chính được quan tâm bao gồm các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, các phẫu thuật tim và lồng ngực,...

Họ nhận thấy rằng, hoạt động thể chất từ mức độ trung bình đến mạnh làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả những biến cố tim mạch nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhóm những người đã mắc bệnh tim mạch là những người nhận được nhiều lợi ích nhất từ hoạt động thể chất.

Theo Tác giả của nghiên cứu - Tiến sĩ Esmée Bakker, tăng khối lượng luyện tập ở những người khỏe mạnh và những người có yếu tố nguy cơ tim mạch (cao huyết áp, đái tháo đường) làm giảm dần các rủi ro sức khỏe. Tuy nhiên, khi luyện tập chạm đến giới hạn, các lợi ích sẽ không tiếp tục được tăng lên.

Ông bổ sung, lợi ích của tập luyện ở các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch được thể hiện thông qua một mô hình khác. Khi tăng khối lượng luyện tập có thể làm giảm nguy cơ tử vong nói chung và các biến cố tim mạch nhiều hơn. Điều này nhấn mạnh rằng, tăng cường tập luyện sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các bệnh nhân tim mạch.

Đồng thời nghiên cứu này cũng chỉ ra, hoạt động thể chất giải trí giúp mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhất. Trong khi đó, hoạt động thể chất không nhàn rỗi chỉ có sự liên quan đến một số lợi ích sức khỏe nhất định. Còn những hoạt động thể chất nghề nghiệp không đem lại bất kỳ lợi ích sức khỏe nào.

Do đó các nhà khoa học đã kết luận rằng, khi các khuyến cáo về hoạt động thể chất được đưa ra, chúng cần xem xét đến tình trạng sức khỏe tim mạch và tính chất của hoạt động đó.

Người bị bệnh tim mạch có cần tăng cường tập thể dục hay không? - Ảnh 2.

Tập thể dục đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của bệnh nhân mắc bệnh tim mạch - Ảnh: Internet

3. Những hạn chế của nghiên cứu và điều cần làm trong tương lai

Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng nghiên cứu này vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định.

Thứ nhất, đây là một nghiên cứu quan sát, nó không giải thích được mối quan hệ nhân quả. Do đó không thể chứng minh rằng hoạt động thể chất làm giảm nguy cơ tử vong và các hậu quả do bệnh tim mạch gây nên.

Thứ hai, một số dữ liệu trong nghiên cứu được thu thập dưới dạng tự báo cáo. Vì thế dẫn đến nguy cơ dữ liệu thiếu tính chính xác.

Ngoài ra, nghiên cứu này chỉ đánh giá các hoạt động thể chất từ mức độ trung bình đến nặng. Trong khi đó, hoạt động thể chất cường độ nhẹ đã bị bỏ qua.

Theo Phó chủ tịch Y khoa tại K Health - Tiến sĩ Edo Paz, trước tiên, tự báo cáo mức độ hoạt động thể chất có thể khiến nó không chính xác. Ngoài ra, nghiên cứu này là một nghiên cứu quan sát, đây là một hạn chế quan trọng khác của nó. Vì thế, nó dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây nhiễu chẳng hạn như cân nặng, dinh dưỡng,... Mà những yếu tố này thực sự có thể dự đoán các biến cố về tim mạch. Tuy nhiên các tác giả không thể kiểm soát tất cả mọi thứ, dù rằng họ đã cố gắng lý giải những yếu tố này.

Một số nghiên cứu khác cũng thấy rằng, một số hoạt động thể chất dù được diễn ra như thế nào đều sẽ tốt hơn hơn so với việc không làm gì cả. Thậm chí, hoạt động thể chất cường độ nhẹ cũng có thể làm tăng cường sự thường xuyên hoạt động của một người.

Trên thực tế, mỗi người đều có những đặc điểm riêng biệt và khác nhau. Điều này có nghĩa là mức độ hoạt động thể chất sẽ không giống nhau với tất cả mọi người.

Vì thế Tiến sĩ Edo Paz đã nói, hoạt động thể chất thực sự là một yếu tố của lối sống lành mạnh. Vì thế, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã đưa ra khuyến cáo vệ hoạt động thể chất. Cụ thể, nên dành 150 phút/tuần để tập các bài Aerobic cường độ trung bình hoặc 75 phút/tuần nếu tập các bài có cường độ mạnh. Nhưng từ nghiên cứu này đã chỉ ra, những khuyến nghị như thế này cần phải được cá nhân hóa.

Còn Tiến sĩ Esmée Bakker cho biết, nhờ sự cân nhắc đến tình trạng tim mạch của mỗi cá nhân, nên kết quả nghiên cứu này giúp ích cho việc tối ưu hóa các khuyến cáo về hoạt động thể chất. Từ đó tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ lối sống thường xuyên vận động, bất kể sức khỏe tim mạch của họ như thế nào.

Người bị bệnh tim mạch có cần tăng cường tập thể dục hay không? - Ảnh 3.

Các khuyến cáo tập luyện để nâng cao sức khỏe cần phải được cá nhân hóa - Ảnh: Internet

Dù vậy, sẽ cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn nữa được thực hiện trong tương lai. Những nghiên cứu này sẽ giúp đưa ra các kế hoạch tập luyện tốt nhất cho những người bị bệnh tim mạch.

Giáo sư Giáo sư Bernard Cheung đến từ Trường Đại học Y khoa Hồng Kông giải thích, nên thận trọng khi cho các bệnh nhân tim mạch luyện tập các bài tập chạm đến mức giới hạn của họ. Đồng thời cần nghiên cứu thêm để tìm ra đâu là bài tập tốt nhất cho mỗi dạng bệnh lý tim mạch.

Nguồn tham khảo: Cardiovascular disease: Is more exercise better? 


Tác giả: QN