Ngứa và cộm mắt là dấu hiệu của bệnh gì? Khi nào ngứa và cộm mắt là dấu hiệu cảnh báo bệnh đau mắt đỏ?

Ngứa và cộm mắt là dấu hiệu của bệnh gì? Khi nào ngứa và cộm mắt là dấu hiệu cảnh báo bệnh đau mắt đỏ?
Triệu chứng ngứa và cộm mắt khá phổ biến. Nguyên nhân gây ngứa và cộm mắt có thể rất đơn giản như dị ứng, tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, sử dụng máy tính trong thời gian dài,.... Hoặc đôi khi nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh về mắt, trong đó bao gồm cả đau mắt đỏ.

1. Ngứa và cộm mắt là dấu hiệu của bệnh gì?

1.1. Viêm bờ mi

Viêm bờ mi xảy ra khi vi khuẩn bắt đầu phát triển quá mức ở rìa mí mắt, khiến cho mí mắt bị nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng lan vào trong mắt nó sẽ khiến ngứa và cộm mắt. Các triệu chứng khác bao gồm đỏ mắt, tiết dịch ghèn, chảy nước mắt và nhìn mờ.

Phương pháp điều trị viêm bờ mi thường gặp nhất là dùng thuốc mỡ kháng sinh bôi lên mi mắt. Để tránh bệnh tái phát, mọi người cần chú ý làm sạch mí mắt thường xuyên.

1.2. Dị ứng mắt

Mắt có thể bị dị ứng khi tiếp xúc với các dị nguyên ở ngoài môi trường như khói, bụi bẩn, phấn hoa, hóa chất,... Lớp mỹ phẩm trang điểm ở trên hoặc gần mi mắt cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng mắt. Khi phản ứng dị ứng xảy ra, bạn sẽ thấy ngứa và cộm mắt, chảy nước mắt sống, đỏ mắt, mắt tiết dịch ghèn,...

1.3. Mụn rộp ở mắt

Đây thường là biến chứng của bệnh viêm bờ mi, viêm kết mạc hoặc viêm giác mạc. Vi khuẩn ở bờ mi giải phóng độc tố lan vào mắt và gây kích ứng mắt. Các phản ứng quá mẫn sẽ làm tổn thương giác mạc và kết mạc. Triệu chứng thường bao gồm đỏ mắt, ngứa và cộm mắt, đau rát, chảy nước mắt. Khi chớp mắt thấy rất cộm và vướng. Đôi khi có thể nhìn thấy một đốm trắng ở gần rìa giác mạc.

ngứa và cộm mắt

Mụn rộp ở mắt sẽ gây ngứa và cộm mắt dữ dội. (Ảnh Internet)

1.4. Nhiễm trùng mắt

Nhiễm trùng mắt phổ biến nhất là viêm kết mạc, còn được gọi là đau mắt đỏ. Nó thường do virus, vi khuẩn hoặc do dị ứng gây ra. Tình trạng viêm ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ trong kết mạc, gây ra hiện tượng mắt đỏ, ngứa và cộm mắt, chảy nước mắt sống và tiết dịch ghèn bất thường.

>> Những dấu hiệu cảnh báo bệnh đau mắt đỏ đã chuyển nặng, cần đặc biệt lưu ý!

1.5. Chấn thương mắt

Ngứa và cộm mắt cũng có thể xảy ra khi mắt bị chấn thương, có dị vật làm xước bề mặt mắt. Đa số các trường hợp chấn thương nhẹ, triệu chứng ngứa và cộm mắt sẽ được cải thiện sau 24 giờ. Nước mắt cũng có thể tự đẩy dị vật ra khỏi mắt. Nếu triệu chứng đi kèm là xuất huyết trong mắt, mắt giảm thị lực thì bạn cần được điều trị y tế khẩn cấp.

Chú ý khi bị chấn thương mắt cần tránh dụi mắt. Động tác dụi mắt có thể khiến dị vật trong mắt cọ xát nhiều hơn, gây xước bề mặt mắt nghiêm trọng.

1.6. Khô mắt

Khi tuyến lệ không sản xuất đủ nước mắt, bề mặt mắt sẽ bị khô và không được làm sạch hiệu quả. Đó là lí do khô mắt sẽ khiến bạn cảm thấy ngứa và cộm mắt nhiều hơn. Khô mắt cũng có thể xảy ra khi bạn sử dụng kính áp tròng, ở ngoài gió lạnh trong thời gian dài, tác dụng phụ của thuốc,....

2. Khi nào ngứa và cộm mắt là dấu hiệu cảnh báo bệnh đau mắt đỏ?

Ngứa và cộm mắt có thể là dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ nếu như chúng đi kèm các triệu chứng sau đây:

- Mắt đỏ.

- Mắt tiết nhiều dịch ghèn.

- Chảy nước mắt sống.

- Mắt nhạy cảm với ánh sáng.

- Mi mắt có thể bị sưng nề và đau nhẹ.

ngứa và cộm mắt

Ngứa và cộm mắt có thể là dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ. (Ảnh Internet)

Tuy nhiên, các triệu chứng trên cũng có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý về mắt khác. Do đó, khi thấy ngứa và cộm mắt, hoặc thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở mắt bạn nên đến bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám. Không chỉ giúp chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bạn phác đồ điều trị phù hợp để mắt nhanh hồi phục hơn, tránh ảnh hưởng đến thị lực.

Ngứa và cộm mắt là tình trạng khá thường gặp. Nếu nó không gây bất tiện trong sinh hoạt và không đi kèm các triệu chứng khác, bạn có thể tự chăm sóc tại nhà. Nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc chườm lạnh, chườm nóng là cách đơn giản mà hiệu quả để giảm ngứa và cộm mắt.

Nguồn tham khảo: https://www.richmondeye.com/eyehealth_itching


Tác giả: Mai Nhung