Ngứa nướu răng là gì? Những điều cần biết khi bị ngứa chân răng

Ngứa nướu răng là gì? Những điều cần biết khi bị ngứa chân răng
Ngứa nướu răng không phải là vấn đề hiếm gặp. Tình trạng này có thể là dấu hiệu cho thấy nướu đang bị viêm, chấn thương hoặc có mảng bám... Vậy điều trị và cách phòng ngừa ngứa nướu răng như thế nào?

Ngứa nướu răng, hay còn gọi là ngứa chân răng không những khiến người bệnh khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng ngứa nướu răng.

1. Nguyên nhân gây ngứa nướu răng

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa nướu răng. Cụ thể, ngứa nướu răng xảy ra do những nguyên nhân sau đây:

- Mảng bám: Khi tồn tại thức ăn thừa trong miệng cùng với vi khuẩn, mảng bám sẽ ngày càng tích tụ. Những mảng bám này theo thời gian là một trong những nguyên nhân dẫn tới các bệnh về nướu răng, trong đó có tình trạng ngứa nướu răng.

- Chấn thương nướu: Chấn thương nướu xuất hiện có thể do chơi thể thao quá mạnh hay có thói quen nghiến răng. Chấn thương nướu có thể khiến vùng này bị đau, khó chịu và ngứa.

- Viêm nướu: Viêm nướu hay còn gọi là bệnh nha chu là nguyên nhân dẫn tới ngứa nướu răng.

- Dị ứng: Ngứa nướu răng cũng có thể xảy ra khi bạn bị nhạy cảm hoặc dị ứng với một số loại thực phẩm, một số loại thuốc nhất định hoặc thú cưng trong nhà. Ngoài ra, các chứng dị ứng theo mùa như sốt cỏ khô cũng có thể khiến nướu bị ngứa.

- Khô miệng: Một trong những nguyên nhân gây ngứa nướu răng là khô miệng. Theo đó, miệng là cơ quan có khả năng tự điều chỉnh độ ẩm tự nhiên của mình. Tuy nhiên, khi gặp phải một số vấn đề sức khỏe, miệng có thể không sản xuất đủ nước bọt để làm ẩm nướu và lưỡi và hình thành chứng khô miệng, dẫn tới tình trạng ngứa nướu.

Tại sao bị ngứa nướu răng? Thông tin từ A tới Z về ngứa nướu răng - Ảnh 1.

Khô miệng là một trong những nguyên nhân gây ngứa nướu răng - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

- Tụt nướu răng là gì? Gợi ý cách trị tụt nướu răng tại nhà hiệu quả

- Sưng nướu răng khôn: Hướng dẫn cách trị sưng nướu răng khôn

- Thay đổi hormone: Các nghiên cứu cho thấy những thay đổi nồng độ hormone tự nhiên trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến nướu. Điều này giải thích tại sao những đối tượng đang trải qua thời kỳ thay đổi nồng độ hormone như phụ nữ mang thai, trẻ dậy thì, phụ nữ tới kỳ kinh nguyệt hoặc mãn kinh có thể bị ngứa nướu răng thường xuyên hơn.

- Răng giả: Tình trạng ngứa nướu răng có thể xuất hiện nếu đeo răng giả không phù hợp với hàm. Theo đó, nếu răng giả không vừa vặn, thức ăn có thể kẹt lại ở khoảng cách giữa răng giả và nướu, khiến vi khuẩn trong miệng phát triển nhanh dẫn đến nướu bị nhiễm trùng, viêm, nhạy cảm và ngứa.

2. Các dấu hiệu có thể đi kèm với tình trạng ngứa nướu răng

Ngứa nướu răng, hay bị ngứa chân răng bên cạnh triệu chứng điển hình là cảm giác ngứa còn có những triệu chứng đi kèm nào không?

Theo các bác sĩ, ngứa nướu răng có thể tự xuất hiện hoặc có thể đi kèm với các triệu chứng khác bên trong miệng. Dưới đây là những dấu hiệu có thể đi kèm với tình trạng ngứa nướu răng:

- Sưng tấy, đỏ.

- Xuất hiện phát ban.

- Chảy máu.

Cần lưu ý triệu chứng ngứa nướu răng không phải lúc nào cũng đi kèm với dấu hiệu đỏ hoặc sưng. Chúng có thể trông hoàn toàn bình thường so với các mô nướu khác bên trong miệng. Vì thế, khi bị ngứa nướu răng, cần quan sát xem liệu có một vùng nướu cụ thể ở vị trí răng nào cảm thấy ngứa, châm chích không, cảm giác ngứa lan rộng trên bề mặt không xác định hay không và ngứa có lan đến vùng vòm khẩu cái hay lưỡi không.

Ngoài ra, nếu nguyên nhân gây ngứa nướu răng không phải do xuất phát từ miệng mà là do các nguyên nhân toàn thân khác, ngứa nướu răng có thể đi kèm với các triệu chứng như cơ thể mệt mỏi, khó thở, sốt, đau đầu và nôn mửa hoặc đi kèm với dấu hiệu ngứa trên các bộ phận khác của cơ thể. Lúc này, với những đối tượng có tiền sử dị ứng với thực phẩm, hay cảm thấy khó thở cần tới các cơ sở y tế thăm khám ngay lập tức.

3. Điều trị chứng ngứa nướu răng như thế nào?

3.1. Chữa ngứa nướu răng tại nhà

Trong trường hợp tình trạng ngứa nướu răng nhẹ và không xuất hiện đồng thời với các dấu hiệu bất thường khác trên cơ thể, ngứa nướu răng có thể điều trị tại nhà bằng một số phương pháp sau đây:

- Súc miệng bằng nước muối: Khi bị ngứa nướu răng, hãy hòa 1 muỗng cà phê muối vào khoảng 250ml nước ấm để tự làm nước súc miệng tại nhà. Nước muối có tác dụng giúp làm giảm kích ứng và ngứa nướu răng rất tốt. Hoặc bạn có thể dùng nước muối sinh lí để súc miệng.

- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Ngứa nướu răng có thể được cải thiện khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa 2 lần mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, có thể cân nhắc dùng thêm các loại nước súc miệng sát trùng không chứa cồn để quy trình vệ sinh răng miệng được toàn diện hơn.

- Ngậm đá: Ngậm đá là việc làm đơn giản có thể làm mát nướu và chấm dứt cơn ngứa. Không những vậy, nước đá cũng giúp miệng bớt khô hơn.

Tại sao bị ngứa nướu răng? Thông tin từ A tới Z về ngứa nướu răng - Ảnh 2.

Ngậm đá là cách đơn giản giúp giảm triệu chứng khi bị ngứa chân răng - Ảnh Internet.

Đọc thêm: Những nguyên tắc cơ bản khi vệ sinh răng miệng để phòng tránh ung thư thực quản

- Thoa lô hội: Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng lô hội có tác dụng giảm viêm do các bệnh về miệng. Theo đó, bạn có thể thoa một ít lô hội lên nướu để giảm ngứa.

- Chữa ngứa nướu răng bằng mật ong: Mật ong có tác dụng kháng khuẩn rất tốt, có hiệu quả trong việc điều trị viêm, ngứa chân răng. Theo đó, lấy một ít mật ong thoa lên chân răng, nướu răng sau khi đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ để giúp loại bỏ những vi khuẩn tích tụ và chống tình trạng viêm nhiễm gây ngứa ngáy khó chịu. Lưu ý, chỉ nên bôi mật ong vào nướu và hãy thoa thật nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương nướu răng.

- Dùng chanh chữa ngứa nướu răng: Chanh là nguyên liệu tự nhiên có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm mạnh và mang hiệu quả trong việc điều trị nhiễm trùng, viêm, ngứa nướu răng. Theo đó, khi bị ngứa chân răng, bạn vắt chanh lấy nước cốt và hòa thêm 1 ít muối vào tạo thành một hỗn hợp, thoa hỗn hợp vào răng để trong vài phút và sau đó súc miệng lại bằng nước.

- Thay đổi lối sống: Khi bị ngứa chân răng, cần bỏ thuốc lá vì đây là tác nhân gây kích ứng nướu. Ngoài ra, cần lưu ý trong thực đơn ăn uống hàng ngày cần hạn chế thức ăn quá cay, nhiều axit, nhiều tinh bột hay nhiều đường.

3.2. Các thủ thuật y tế trị ngứa nướu răng

Khi tình trạng ngứa nướu răng không được cải thiện khi áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà, bạn cần tới nha sĩ để thăm khám và có cách điều trị phù hợp. Theo đó, tùy vào nguyên nhân gây ngứa nướu răng, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng các thủ thuật y tế khác nhau. Cụ thể:

- Trong trường hợp ngứa nướu răng là do mảng bám tích tụ và cao răng, các nha sĩ sẽ vệ sinh răng miệng và lấy cao răng để cải thiện tình trạng ngứa. Việc vệ sinh răng miệng này có thể bao gồm là việc lấy vôi răng, cạo chân răng...

- Trị ngứa nướu răng bằng cách dùng thuốc kháng histamin trong trường hợp nguyên nhân bị ngứa nướu là do dị ứng. Theo đó, một số loại thuốc có thể dùng điều trị ngứa nướu răng là Chlorpheniramine và Diphenhydramine.

- Đeo miếng bảo hộ răng: Miếng bảo hộ răng có tác dụng hạn chế các tổn hại từ việc chơi thể thao hay nghiến răng ban đêm.

- Dùng nước súc miệng kháng sinh: Nước súc miệng kháng sinh có chứa chlorhexidine có thể giúp khử trùng miệng và giảm ngứa. Theo đó, bạn nên dùng nước súc miệng ít nhất 2 lần mỗi ngày.

- Phẫu thuật nha chu: Các bác sĩ cũng có thể chỉ định phẫu thuật nếu ngứa nướu là do bệnh nghiêm trọng về nướu.

4. Cách phòng ngừa tình trạng ngứa nướu răng

Các chuyên gia khuyến cáo, để không phải đối mặt với chứng ngứa nướu răng khó chịu, có thể áp dụng các phương pháp phòng ngừa ngứa nướu răng dưới đây:

- Khám răng định kì: Các nha sĩ khuyến cáo nên khám răng 2 lần/năm để làm sạch sâu các mảng bám trên răng và nhận biết được nguy cơ mắc các bệnh răng miệng để phòng ngừa kịp thời.

- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Ngoài việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa 2 lần mỗi ngày, cần lưu ý nên súc miệng sau mỗi bữa ăn để loại bỏ hết thức ăn thừa trong miệng.

- Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm gây kích ứng nướu: Nướu sẽ dễ bị kích ứng hơn nếu ăn những thực phẩm có tính axit, tinh bột và đường. Vì thế, cần hạn chế những thực phẩm này để phòng tránh ngứa nướu răng.

4. Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị ngứa nướu răng

4.1. Bị ngứa chân răng nên ăn gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để hạn chế tình trạng ngứa, viêm chân răng, cần bổ sung vào trong thực đơn hàng ngày những thực phẩm sau đây:

- Thực phẩm giàu chất xơ: Bị ngứa nướu răng nên bổ sung các loại rau củ quả giàu chất xơ vào trong bữa ăn hàng ngày. Nguyên nhân là vì nhóm thực phẩm này không những giúp làm tăng tiết nước bọt làm sạch khoang miệng mà còn cung cấp thêm vitamin E, K và axit folic giúp ngăn ngừa mảng bám và làm sạch răng lợi. Theo đó, khi bị ngứa nướu răng nên ăn các thực phẩm như bắp cải, súp lơ xanh, cải xoăn...

- Thực phẩm chứa axit lactic: Các thực phẩm chứa axit lactic như sữa chua, bánh mì, bánh bao....không những dễ ăn, tốt cho tiêu hóa mà còn có tác dụng trung hòa nồng độ axit trong miệng, giúp tăng lượng vi khuẩn có lợi, từ đó làm tình trạng ngứa nướu răng được cải thiện.

- Mật ong và chanh: Đây là thức uống giúp làm sạch khoang miệng, khử trùng tiêu viêm.

Tại sao bị ngứa nướu răng? Thông tin từ A tới Z về ngứa nướu răng - Ảnh 3.

Mật ong và chanh là thức uống tốt cho người bị ngứa nướu răng - Ảnh Internet.

- Gừng và tỏi: Đây là những loại gia vị nên thêm vào trong những bữa ăn vì trong gừng và tỏi có chứa chất kháng viêm, sát trùng, khử khuẩn tự nhiên rất tốt cho những người bị ngứa chân răng hay viêm chân răng.

- Trà xanh: Thức uống này không những giúp hạn chế hơi thở có mùi mà còn cải thiện tình trạng ngứa nướu răng hiệu quả.

4.2. Bị ngứa nướu răng không nên ăn gì?

Bên cạnh việc bổ sung những thực phẩm tốt cho người bị ngứa nướu răng như đã liệt kê ở trên, người bị ngứa chân răng cần lưu ý hạn chế những thực phẩm sau để tránh tình trạng ngứa thêm trầm trọng:

- Thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường và axit: Đường và tinh bột là nguyên nhân khiến các mảng bám hình thành quanh chân răng, nếu không được loại bỏ sẽ khiến vi khuẩn có môi trường phát triển thuân lợi.

Không những vậy, những vi khuẩn có thể làm thay đổi độ PH trong khoang miệng và khiến men răng bị bào mòn. Vì thế, khi bị ngứa nướu răng nên tránh xa bánh kẹo, nước ngọt, mứt, trái cây sấy khô..

Ngoài ra, những thực phẩm giàu axit như các loại quả chua, dưa muối...cũng không nên ăn vì có thể khiến tình trạng ngứa nướu răng nặng hơn.

- Thực phẩm cay nóng: Những thực phẩm cay, nóng có thể kích ứng nướu sưng, đau, thậm chí chảy máu. Vì thế, cần loại bỏ chúng trong thực đơn ăn uống hàng ngày.

- Bia, rượu và các chất kích thích: Đây là nhóm thực phẩm gây giảm tiết nước bọt, dẫn tới chứng khô miệng, từ đó làm các triệu chứng ngứa nướu thêm trầm trọng hơn.

Như vậy, ngứa nướu răng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được. Để phòng các bệnh về răng miệng nói chung, ngứa nướu răng nói riêng, các nha sĩ khuyến cáo nên đi khám 6 tháng một lần để duy trì sức khỏe răng nướu đồng thời làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về răng nướu.

Ngoài ra, trong chế độ ăn uống, cần uống nhiều nước, xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin A, C để giúp răng miệng khỏe mạnh.


Tác giả: Ngọc Điệp