Ngứa mũi, hắt hơi liên tục và những dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Ngứa mũi, hắt hơi liên tục và những dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng
Trên thực tế, bệnh viêm mũi dị ứng ngày càng có xu hướng gia tăng do yếu tố môi trường bị ô nhiễm, khói bụi. Nhận biết những dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng là cơ sở quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến với mọi lứa tuổi. Đây là một bệnh miễn dịch do các dị nguyên ngoại lai gây ra qua con đường xâm nhập chủ yếu là niêm mạc mũi. Bệnh gây ra nhiều cản trở trong công việc cũng như cuộc sống của người bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

1. Dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được chia làm hai loại, bệnh có chu kỳ và không có chu kỳ.

Dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng có chu kỳ:

Loại bệnh này đa phần xảy ra vào đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng, ẩm với tỷ lệ mắc bệnh tùy thuộc vào tình trạng thời tiết. Các dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng có chu kỳ như sau:

- Bệnh nhân thấy cay trong mũi, ngứa mũi, dẫn đến hắt hơi liên tục.  

- Cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. 

- Chảy nhiều nước mũi, trong suốt, không có màu và không đặc quánh. 

- Cảm giác ngứa xuất hiện ở vùng hầu họng. 

- Hắt hơi, chảy nước mũi. Triệu chứng nặng hơn vào buổi sáng và giảm dần vào buổi tối.

Các dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, có thể kéo dài hơn nếu không được điều trị.

Dấu hiệu viêm mũi dị ứng không có chu kỳ:

Các dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng không có chu kỳ tương đồng với có chu kỳ. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở việc bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc vào thời tiết. Bệnh cũng không xảy ra đột ngột, bất ngờ. Thông thường các dấu hiệu đặc trưng như hắt hơi, tình trạng nghẹt mũi thường tăng dần và kéo dài hơn.

Bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng trong thời gian dài sẽ có nguy cơ cao trở thành bệnh mãn tính. Khi đó, các dấu hiệu đặc trưng của bệnh sẽ bao gồm:

- Tình trạng nghẹt mũi xảy ra gần như thường xuyên.

- Có khả năng cao dẫn đến ù tai, kèm theo nhức đầu, đau nặng đầu.

- Dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng mãn tính cũng có thể gây ra hiện tượng loạn khứu giác (không ngửi thấy mùi) hoặc ngủ ngáy do bị nghẹt mũi.

2. Giảm thiểu và phòng tránh viêm mũi dị ứng

Bệnh viêm mũi dị ứng do nhiều nguyên nhân gây ra, tuy nhiên với những trường hợp có cơ địa dị ứng cần cảnh giác cao. Dưới đây là một vài lưu ý để ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng khó chịu do viêm mũi dị ứng gây ra:

- Hạn chế tiếp xúc tối đa với chó, mèo, lông động vật...

- Cần vệ sinh định kỳ các khu vực như chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm nhằm hạn chế một số loại ký sinh trùng, vi khuẩn gây dị ứng phát triển.

- Giữ gìn khu vực sinh hoạt thoáng, mát, sạch sẽ. Lưu ý tránh để nhà ở ẩm ướt để góp phần hạn chế nấm mốc tồn tại.

- Thực hiện giữ gìn vệ sinh răng miệng hàng ngày. Đặc biệt là phải đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. 

- Bỏ hoặc hạn chế hút thuốc lá, sử dụng các loại đồ uống có chứa chất kích thích và không nên ăn các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao cho bản thân như tôm, cua, ốc.... 

- Đeo khẩu trang khi dọn nhà và khi tham gia giao thông để tránh tiếp xúc với bụi, ô nhiễm khiến tình trạng bệnh nặng hơn, gây biến chứng nguy hiểm.

- Những người mắc bệnh viêm mũi dị ứng nên quàng khăn, mặc ấm vào những ngày trời lạnh để hạn chế các triệu chứng trở nên nghiêm trọng. 

- Khi gặp những dấu hiệu đặc trưng và nghi ngờ mắc bệnh viêm mũi dị ứng nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa tai, mũi, họng để được điều trị kịp thời. Tránh để bệnh thành mãn tính dẫn đến các biến chứng như viêm họng, phế quản dị ứng, hen suyễn.

- Không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình dù có những dấu hiệu của bệnh viêm mũi dị ứng và tuyệt đối không tự mua thuốc để điều trị.


Tác giả: Anh Dũng