Ngứa họng do đâu và cách giảm ngứa họng nhanh nhất là gì?

Ngứa họng do đâu và cách giảm ngứa họng nhanh nhất là gì?
Cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở phía sau cổ họng có thể khiến bạn tự hỏi liệu mình đang có dấu hiệu đầu tiên của bệnh cảm lạnh hay chỉ là bạn không uống đủ nước trong ngày?

Thường thì nguyên nhân gây ngứa họng không nghiêm trọng và có nhiều cách giảm ngứa họng tại nhà.

1. Nguyên nhân gây ngứa họng là gì?

Có một số lý do gây ra ngứa họng, tùy thuộc vào nguyên nhân mà tình trạng này có thể tự biến mất sau vài ngày hoặc cần can thiệp điều trị.

- Dị ứng

Ngứa họng thường là dấu hiệu của tình trạng dị ứng, nghĩa là bạn đã tiếp xúc với một chất kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể. Các chất kích thích bên ngoài, thực phẩm và thuốc đều có thể gây ra phản ứng dị ứng và gây ngứa họng được gọi là dị nguyên.

Thực tế thì nếu bạn không biết mình bị dị ứng thì rất khó để có thể biết đó là dị ứng hay bệnh gây ngứa cổ họng. Có hai cách để phân biệt là dị ứng thường kéo dài hơn là do bệnh và ngứa họng do dị ứng thường không kèm theo sốt.

Nếu bị ngứa họng do dị ứng bạn cũng có thể gặp phải các biểu hiện khác như nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, ngứa mắt, thở khò khè, nhức đầu và hắt xì.

Ngứa họng do đâu và cách giảm ngứa họng nhanh nhất là gì? - Ảnh 2.

Ngứa họng thường là dấu hiệu của tình trạng dị ứng, nghĩa là bạn đã tiếp xúc với một chất kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Chữa viêm mũi dị ứng bằng mật ong được không?

Làm cách nào để giảm sưng mắt khi bị dị ứng?

+ Viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô)

Viêm mũi dị ứng cũng có thể gây ngứa họng. Các dị nguyên gây viêm mũi dị ứng có thể là phấn hoa, da lông động vật, nấm, mạt bụi,... Đối với một số người thì viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa hoặc cũng có thể bị quanh năm.

Ngoài ngứa họng thì viêm mũi dị ứng có thể đi kèm với các biểu hiện như sổ mũi, nghẹt mũi và chảy nước mắt. Mặc dù các triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường nhưng nếu bạn bị ngứa họng kéo dài trên một tháng thì có thể là biểu hiện của viêm mũi dị ứng.

+ Dị ứng miệng (oral allergy syndrome - OAS)

Nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa thì bạn có thể gặp phải hội chứng dị ứng miệng - là một trong những loại dị ứng thực phẩm phổ biến ở người trưởng thành. Khi một người bị hội chứng dị ứng miệng, khi ăn trái cây hoặc rau sống họ có thể bị ngứa họng, tình trạng này xuất hiện ngay sau khi ăn và có thể mất tới nửa giờ để phát triển.

Bên cạnh ngứa cổ họng thì người bị hội chứng dị ứng miệng có thể bị sưng họng - miệng - mặt - môi - lưỡi.

Nguyên nhân xảy ra được giải thích do một số loại protein trái cây và thực vật có cấu tạo tương tự với phấn hoa - chính sự giống nhau "ngẫu nhiên" này khiến hệ miễn dịch bị nhầm lẫn và gây ra phản ứng dị ứng. 

Vì thế mà nếu bạn bị dị ứng theo mùa do phấn hoa thì ăn trái cây hay rau sống có thể khiến tình trạng dị ứng sẵn có của bạn trở nên tồi tệ hơn.

- Nhiễm virus và vi khuẩn

Bị nhiễm trùng khiến cổ họng bị kích ứng phần lớn nguyên nhân là do nhiễm virus hơn là vi khuẩn. Điều này có nghĩa là một số loại virus như cảm lạnh, cúm hoặc COVID-19 có thể gây ra các thay đổi tại cổ họng. Bên cạnh đó các trường hợp đau họng nghiêm trọng hơn có thể do vi khuẩn gây ra, chẳng hạn như viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn.

Ngứa họng do đâu và cách giảm ngứa họng nhanh nhất là gì? - Ảnh 3.

Bị nhiễm trùng khiến cổ họng bị kích ứng phần lớn nguyên nhân là do nhiễm virus hơn là vi khuẩn (Ảnh: Internet)

Các triệu chứng khác ngoài họng sẽ phụ thuộc vào bệnh lý cụ thể mà bạn mắc là gì. Nhưng nhìn chung là nếu như nguyên nhân gây ngứa họng là do virus hoặc vi khuẩn bạn sẽ thấy chúng sớm tiến triển thành các biểu hiện dữ dội hơn như sốt, mệt mỏi, ho, đau họng và nghẹt mũi. Những triệu này sẽ kéo dài từ vài ngày cho tới vài tuần.

- Không khí khô

Nhiệt độ và độ ẩm trong môi trường sống/làm việc/học tập của bạn có thể ảnh hưởng tới màng nhầy của cơ thể. Điều này có nghĩa là niêm mạc họng của bạn có thể bị ngứa, trầy xước do không khí khô của mùa đông do máy sưởi hoặc điều hoà vào mùa hè khi tiếp xúc liên tục.

- Vấn đề tiêu hoá

Cũng có khả năng cơn ngứa họng của bạn có thể do các vấn đề về tiêu hoá gây ra, chẳng hạn như bệnh trào ngược dạ dày thực quản - tình trạng khiến axit trào ngược lên thực quản gây khó chịu, ngứa ngáy.

Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng phổ biến như ợ chua, vị thức ăn hay vị axit dạ dày khi thức ăn trào ngược lên, buồn nôn hoặc đau ngực.

- Một số loại thuốc

Ngứa họng có thể xảy ra do phản ứng dị ứng với thuốc. Điều ngày có thể gặp ở người đang hoá trị kèm theo sưng miệng, sưng họng và khó nuốt.

Ngứa họng do đâu và cách giảm ngứa họng nhanh nhất là gì? - Ảnh 4.

Ngứa họng có thể xảy ra do phản ứng dị ứng với thuốc (Ảnh: Internet)

Ngứa họng cũng có thể là tác dụng phụ của các loại thuốc ức chế men chuyển (ACE) là một trong những nhóm thuốc điều trị bệnh cao huyết áp phổ biến nhất hiện nay. Nguyên nhân do thuốc ức chế men chuyển được dùng bằng đường uống nhưng có thể tạo ra cảm giác ngứa ngáy trong cổ họng do gây kích ứng đường hô hấp trên. Sự kích ứng này được cho là do các chất ức chế có thể gây ra sự tích tụ các chất gây viêm.

2. Cách giảm ngứa họng nhanh nhất tại nhà

Sau khi biết nguyên nhân gây ngứa họng là gì bạn sẽ có cách giảm ngứa họng nhanh hơn. Thông thường, tình trạng ngứa họng có thể được kiểm soát bằng các biện pháp không kê đơn tại nhà tập trung vào giảm viêm và giảm kích ứng cổ họng cũng như các triệu chứng phụ như ho. Chẳng hạn:

- Siro ho, viên ngậm

Nhiều người sử dụng siro ho có chứa tinh dầu bạc hà để giảm ngứa và đau họng. Tuy nhiên về lâu dài thì siro ho có tinh dầu bạc hà có thể khiến cổ họng bạn ngứa và ho thường xuyên hơn. Vì thế mà bạn có thể cân nhắc tới việc sử dụng kẹo hay viên ngậm giữa các liều siro ho để tăng tiết nước bọt, làm ẩm vùng họng từ đó giảm ngứa.

- Trà nóng hoặc súp nóng

Giữ nước là nguyên tắc quan trọng giúp bạn hồi phục khi cảm thấy không khoẻ. Đặc biệt uống đủ nước giúp màng nhầy trong suốt, ngăn cản sự tích tụ trong cổ họng. Nhiệt độ ấm cũng giúp cổ họng được làm dịu hơn.

Ngứa họng do đâu và cách giảm ngứa họng nhanh nhất là gì? - Ảnh 5.

Uống trà nóng kết hợp với chanh và mật ong để giảm ngứa họng (Ảnh: Internet)

- Mật ong

Trong khi trà nóng với mật ong được xem như một bài thuốc giảm ho tự nhiên thì mật ong nguyên chất dùng trực tiếp là cách giảm kích ứng họng hiệu quả chỉ với một thìa cafe vào buổi sáng. Tuy nhiên, mật ong có thể gây ngộ độc cho trẻ em dưới một tuổi và người quá mẫn, vì thế hãy thận trọng khi sử dụng trực tiếp.

- Máy tạo độ ẩm

Là thiết bị cần thiết khi không khí quá khô. Tăng độ ẩm trong không khí gíup cổ họng của bạn không bị khô khi thở cũng như giữ cho màng nhầy không bị khô và kích ứng dẫn tới ho và ngứa họng. Bạn cũng có thể tắm nước ấm từ vòi sen để đạt được hiệu quả tương tự.

- Súc miệng bằng nước muối

Súc miệng bằng nước muối có hiệu quả nhất khi bạn bị đau và ngứa họng do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bạn có thể làm ấm nước muối trước khi giúp để cổ họng được dịu hơn.

Ngoài các biện pháp kể trên thì bạn có thể giảm ngứa họng bằng việc ăn các món mát lạnh như kem, thử dùng thuốc xịt mũi để giảm bất kì triệu chứng viêm nào, sử dụng thuốc dị ứng OTC nếu biết nguyên nhân gây ngứa họng là do dị ứng,...

Ngứa họng do đâu và cách giảm ngứa họng nhanh nhất là gì? - Ảnh 6.

Súc miệng bằng nước muối có hiệu quả nhất khi bạn bị đau và ngứa họng do vi khuẩn hoặc virus gây ra (Ảnh: Internet)

3. Ngứa họng khi nào cần gặp bác sĩ?

Không phải tình trạng ngứa họng nào cũng tự khỏi, đôi khi ngứa họng có thể là biểu hiện của bệnh lý nguy hiểm chẳng hạn như viêm họng do liên cầu khuẩn. Bạn có thể tự quan sát họng bằng gương soi, nếu thấy có các mảng trắng hoặc cổ họng tấy đỏ thì cần phải thăm khám sớm.

Hoặc nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau khi bạn áp dụng các biện pháp giảm ngứa họng tạm thời tại nhà mà còn kéo dài, nghiêm trọng hơn kèm theo các triệu chứng như đau họng nghiêm trọng, sốt, khó nuốt, khó thở, thở khò khè, phát ban, sưng mặt thì cần gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám phù hợp.

Nếu bạn thường xuyên bị ngứa họng thì thay đổi lối sống có thể giúp giảm số lần và giảm thời gian khó chịu của cổ họng, chẳng hạn như bỏ hút thuốc, uống đủ nước, hạn chế hoặc tránh caffein, rượu bia, hạn chế hoặc tránh mở cửa sổ hay ra ngoài trong mùa dị ứng và cần rửa tay thường xuyên phòng tránh các bệnh như cúm hay cảm lạnh thông thường.

Nguồn dịch:

1. Why Your Throat Can Get Itchy—And How to Relieve It

2. Remedies for an Itchy Throat


Tác giả: Allen