Ngứa hậu môn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh

Ngứa hậu môn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh
Ngứa hậu môn là vấn đề sức khỏe thầm kín mà nhiều người bệnh e ngại. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị ngứa hậu môn qua bài viết dưới đây.

Không hiếm người gặp phải tình trạng ngứa hậu môn và băn khoăn không biết ngứa hậu môn là do nguyên nhân gì và có gây nguy hiểm cho sức khỏe không.

1. Ngứa hậu môn là gì?

Hậu môn là phần cuối cùng của cơ quan tiêu hóa, nó có vai trò đào thải phân ra bên ngoài cơ thể. Ngứa hậu môn được định nghĩa là hiện tượng vùng da xung quanh hậu môn, ống hậu môn hoặc bộ phận sinh dục ngoài gần vùng hậu môn bị kích thích, gây ra cho người bệnh cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

Ngứa hậu môn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, dấu hiệu chung của người gặp phải tình trạng này là cảm giác nóng ran và ngứa rát vùng hậu môn và xung quanh nó.

Những cơn ngứa hậu môn gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, từ đó khiến người bệnh kém tự tin, giảm chất lượng cuộc sống.

2. Dấu hiệu của ngứa hậu môn

Trên thực tế, người bệnh gặp phải tình trạng ngứa hậu môn thường có những triệu chứng sau:

- Vùng da quanh vùng hậu môn xuất hiện các mẩn đỏ và có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

- Xung quanh hậu môn xuất hiện những vết xước trên da do hậu quả của việc chà xát.

- Các cơn ngứa khu vực hậu môn sẽ xuất hiện với cường độ và tần suất cao hơn về ban đêm.

- Vùng tổn thương do ngứa hậu môn có thể xuất hiện dấu hiệu của việc nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh bị ngứa hậu môn do các bệnh lý khác gây ra thì có thể xuất hiện những dấu hiệu khác.

Ngứa hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh 1.

Ngứa hậu môn khiến người bệnh ngứa ngáy, khó chịu - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

- Rò hậu môn là bệnh gì? Nguyên nhân, tác hại và cách điều trị bệnh

- Ngứa hậu môn do bị trĩ phải làm sao?

3. Những nguyên nhân gây ngứa hậu môn

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngứa hậu môn. Dưới đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này:

- Vệ sinh kém: Đây là một trong những nguyên nhân gây vùng da ở hậu môn ngứa ngáy, sung viêm. Trong trường hợp vệ sinh kém kéo dài, niêm mạc hậu môn có thể bị ngứa ngáy dữ dội và tăng nguy cơ viêm nhiễm.

- Bệnh trĩ: Ngứa hậu môn có thể là do bệnh trĩ. Biểu hiện của ngứa hậu môn do trĩ là ngứa ở mức độ nhẹ.

- Nứt kẽ hậu môn: Nứt kẽ hậu môn là nguyên nhân gây ra ngứa hậu môn. Theo đó, vết nứt ở hậu môn thường gây khó chịu, ngứa ngáy, sưng viêm và cảm giác đau rát. Khi đi đại tiện, vết rách có thể bị kích thích, dẫn đến hiện tượng chảy máu.

- Viêm da tiếp xúc: Ngứa hậu môn cũng có thể do viêm da tiếp xúc, theo đó, vùng da ở hậu môn có thể bị viêm và ngứa ngáy do tiếp xúc xà phòng hoặc ma sát với quần lót. Biểu hiện của ngứa hậu môn do viêm da tiếp xúc là vùng da quanh hậu môn có dấu hiệu đỏ, ngứa ngáy và xuất hiện các mụn nước li ti.

- Tiêu chảy mãn tính: Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa hậu môn. Theo đó, khi bị tiêu chảy kéo dài sẽ gây tổn thương vùng niêm mạc hậu môn và kích thích phản ứng ngứa ngáy.

- Nhiễm giun kim: Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Giun kim thường sinh sống chủ yếu ở hậu môn, nên khi nhiễm giun kim, giun cái sẽ di chuyển tới hậu môn và đẻ trứng tại nếp gấp của cơ quan này, chúng tiết ra chất kích thích và gây ngứa ngáy hậu môn. Biểu hiện của ngứa hậu môn do giun kim là những cơn ngứa ngáy xảy ra vào ban đêm.

- Khối u ở hậu môn: Cả u ác, u lành ở hậu môn đều gây ra tình trạng ngứa hậu môn.

Ngoài ra, ngứa hậu môn còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như sa trực tràng, hậu môn bị nhiễm khuẩn hay nhiễm nấm, biến chứng của tiểu đường...

4. Những yếu tố làm tăng nguy cơ ngứa hậu môn

Theo các nghiên cứu, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị ngứa hậu môn. Cụ thể, các yếu tố làm tăng nguy cơ ngứa hậu môn bao gồm các yếu tố sau:

- Kích ứng da: Sự tiếp xúc với bề mặt ma sát và độ ẩm cao có thể gây kích ứng da ở vùng hậu môn, từ đó gây ngứa hậu môn.

- Các vấn đề về tiêu hóa: Tiêu chảy mãn tính hay táo bón nhiều cũng làm tăng nguy cơ ngứa hậu môn.

- Mắc bệnh trĩ: Những đối tượng mắc bệnh trĩ cũng làm tăng nguy cơ ngứa hậu môn.

Ngứa hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh 2.

Những người bị bệnh trĩ làm tăng nguy cơ mắc tình trạng ngứa hậu môn - Ảnh Internet.

- Sự nhiễm trùng: Ở người lớn, nhiễm trùng có thể do quan hệ tình dục, ở trẻ nhỏ là nhiễm giun kim hay các kí sinh trùng khác.

- Các bệnh về da: Các chứng bệnh về da như vẩy nến, viêm da tiếp xúc cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ ngứa hậu môn.

5. Phương pháp điều trị ngứa hậu môn

Như vậy, ngứa hậu môn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Vì thế, khi bị ngứa hậu môn, người bệnh cần tới thăm khám để điều trị bằng phương pháp thích hợp.

5.1. Nguyên tắc chung khi điều trị ngứa hậu môn

Trên thực tế, điều trị ngứa hậu môn chủ yếu là tự chăm sóc, giữ vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc với những nguyên nhân nghi ngờ gây ngứa. Vì thế, nguyên tắc chung khi điều trị ngứa hậu môn là:

- Luôn giữ vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ, khô ráo sau khi đi đại tiện, tiểu tiện.

- Vệ sinh sạch vùng hậu môn hàng ngày bằng nước ấm sau đó lau khô bằng khăn mềm. Cần lưu ý hạn chế sử dụng các loại giấy vệ sinh có mùi thơm hoặc xà phòng có mùi thơm cho vùng hậu môn.

- Mặc quần rộng rãi, thoáng mát, chất liệu co giãn, thấm hút mồ hôi

-Tránh dùng các loại phấn hoa, nước hoa dễ gây hiện tượng kích ứng da.

- Tránh ăn quá nhiều các thực phẩm nhiều gia vị, các chất chua, cay, các thực phẩm quá nhiều dầu mỡ...

5.2. Điều trị ngứa hậu môn bằng thuốc bôi

Các bác sĩ cho biết khi mắc phải tình trạng ngứa rát vùng hậu môn, người bệnh có thể bôi thuốc hoặc kem hydrocortisone vào vùng da bị ngứa 3 lần/ngày để kiểm soát tình trạng khó chịu đang gặp phải. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sử dụng thuốc bôi chứa oxid kẽm, thuốc bôi chứa các chất kháng histamin giúp giảm ngứa, kích ứng.

Tuy nhiên, cần lưu ý hydrocortisone không nên được sử dụng quá 5 ngày bởi việc lạm dụng và sử dụng nó trong thời gian dài có thể khiến người bệnh bị kích ứng và tổn thương phần da bôi thuốc. Hơn nữa, trước khi bôi thuốc, cần có sự tư vấn của thầy thuốc và các bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc bôi.

Ngoài ra, khi bị ngứa hậu môn mà bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến trực tràng thì sẽ được bác sĩ chỉ định theo phác đồ cụ thể khác.

Ngứa hậu môn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh - Ảnh 3.

Ngứa hậu môn có thể điều trị bằng thuốc bôi - Ảnh Internet.

5.3. Mẹo chữa ngứa hậu môn với thuốc Nam

Bên cạnh dùng các loại thuốc bôi, người bệnh cũng có thể điều trị ngứa hậu môn bằng thuốc Nam. Cụ thể, ngứa hậu môn có thể điều trị bằng nước ép tỏi, đắp rau diếp cá, thoa bột nghệ.

- Nước ép tỏi: Dùng 1 – 2 củ tỏi, sau đó bóc vỏ, giã nát rồi cho vào một ít nước. Tiếp theo, rửa sạch hậu môn và thoa nước ép tỏi vào, thực hiện 2 – 3 lần để giảm ngứa hậu môn. Dùng nước ép tỏi thích hợp với trường hợp ngứa hậu môn do nhiễm giun kim.

- Đắp rau diếp cá: Theo các nghiên cứu, rau diếp cá có tính mát, giảm viêm và giảm tình trạng ngứa ngáy. Để điều trị ngứa hậu môn, người bệnh có thể sử dụng lá diếp cá giã nát đắp trực tiếp lên hậu môn có thể giảm sưng viêm, đau rát và ngứa ngáy. Mẹo giảm ngứa hậu môn bằng rau diếp cá phù hợp với bệnh nhân bị ngứa hậu môn do trĩ, sa trực tràng và nứt kẽ hậu môn.

- Thoa bột nghệ: Hàm lượng curcumin trong nghệ có tác dụng giảm ngứa, giảm viêm và phục hồi tổn thương ở hậu môn. Vì vậy, người bệnh có thể hòa bột nghệ với nước, thoa trực tiếp lên hậu môn và rửa lại bằng nước sạch để giảm ngứa hậu môn.

Cần lưu ý các cách giảm ngứa hậu môn bằng thuốc Nam thường dễ thực hiện, an toàn và ít tốn kém nhưng lại chậm phát huy tác dụng nên người bệnh cần kiên trì thực hiện.

5.4. Một số bài thuốc trị ngứa hậu môn

Bài thuốc trị ngứa hậu môn do nhiễm giun kim

- Bài thuốc uống: Chuẩn bị các loại nguyên liệu là nam qua tử nhân và tân lang, mỗi thứ 15g. Sau đó, sắc uống liên tục trong vòng 3 ngày và uống thuốc khi đói.

- Bài thuốc đặt: Người bệnh dùng hoặc sắt và bách bộ mỗi thứ 15g, khổ luyện căn bì 30g. Sau đó, đem các nguyên liệu trên tán bột, đựng trong viên nang. Trước khi ngủ, tiến hành vệ sinh hậu môn với nước ấm và đặt viên thuốc vào bên trong.

- Bài thuốc rửa: Chuẩn bị nguyên liệu là khổ sâm, hặc sắc và bách bộ mỗi thứ 15g và hoa tiêu 6g. Sau đó, đem các vị sắc thành nước và dùng để vệ sinh hậu môn trước khi đi ngủ.

Bài thuốc trị ngứa hậu môn do thấp nhiệt

Ngứa hậu môn do thấp nhiệt được đặc trưng bởi tình trạng vùng da xung quanh hậu môn nóng đỏ, ngứa ngáy và có cảm giác khó chịu.

- Bài thuốc xông rửa: Chuẩn bị các nguyên liệu là khổ sâm và bách bộ mỗi thứ 15g. Sắc đặc các nguyên liệu, sau đó dùng để xông và rửa hậu môn để giảm ngứa.

- Bài thuốc đặt: Chuẩn bị các nguyên liệu là khổ sâm và bách bộ mỗi thứ 30g. Sau đó, sắc thuốc trong vòng 2 giờ, tiếp theo trộn với 6g bột hùng hoàng và vo lại thành 15 viên. Cuối cùng, đặt vào trong hậu môn trước khi đi ngủ.

Trên đây là những cách điều trị ngứa hậu môn. Tuy nhiên, cần lưu ý, người bệnh trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào đều cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc và các bác sĩ.

Ngoài ra, khi ngứa hậu môn kèm theo sốt cao, ngứa hậu môn kéo dài từ 1 - 2 tháng, chảy máu hoặc có dịch tiết ra từ hậu môn thì người bệnh cần tới bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

6. Biện pháp phòng ngừa ngứa hậu môn

Ngứa hậu môn có thể phòng ngừa bằng các biện pháp đơn giản sau:

- Vệ sinh hậu môn và vùng kín đúng cách: Nên rứa với nước sạch hoặc nước muối loãng, lau khô bằng khăn mềm.

- Hạn chế mặc quần lót quá chật.

- Quan hệ tình dục an toàn.

- Uống nhiều nước, bổ sung vitamin và các khoáng chất để hạn chế tình trạng táo bón cũng như tiêu chảy mãn tính.

- Hạn chế ăn các thực phẩm cay nóng.

Trên đây là tổng hợp những thông tin về tình trạng ngứa hậu môn. Cần lưu ý, khi bị ngứa hậu môn, khi điều trị bằng thuốc, người bệnh cần có sự tư vấn của thầy thuốc và các bác sĩ. Bên cạnh đó, cần chú ý vệ sinh vùng hậu môn đúng cách, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để ngăn ngừa chứng ngứa hậu môn.


Tác giả: Ngọc Điệp