Bạn đã bao giờ gặp tình trạng ngủ đủ giấc nhưng vẫn cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, buồn ngủ không? Có thể do một số yếu tố khiến bạn không có giấc ngủ sâu nên dẫn tới tình trạng này. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì có thể sức khoẻ của bạn đang gặp một số vấn đề.
Trong hầu hết các trường hợp, các yếu tố về lối sống là nguyên nhân gây ra mệt mỏi mặc dù ngủ đủ giấc, chẳng hạn như chất lượng giấc ngủ kém, không sâu giấc hoặc trước khi đi ngủ bạn cảm thấy căng thẳng, lo âu. Ngoài ra, ngủ đủ giấc nhưng vẫn cảm thấy mệt có thể cảnh báo một số tình trạng sức khoẻ khá nguy hiểm.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến bạn mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc:
- Mất cân bằng nội tiết
Sự mất cân bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Ví dụ, quá nhiều cortisol - hormone gây căng thẳng, có thể làm bạn mất năng lượng và làm gián đoạn giấc ngủ. Khi giấc ngủ không sâu, dù bạn ngủ đủ 8 hay 9 tiếng thì ngày hôm sau vẫn cảm thấy uể oải.
- Ngưng thở khi ngủ
Đây là tình trạng cổ họng bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ khi bạn đang ngủ. Việc mất oxy sẽ đánh thức bạn trong thời gian ngắn mà bạn thường không nhận ra. Trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể làm gián đoạn giấc ngủ nhiều lần mỗi đêm, khiến bạn kiệt sức.
Đọc thêm:
+ Nguyên nhân khiến bạn ngáp liên tục không đơn giản chỉ là do thiếu ngủ
+ Một số thói quen trước khi ngủ giúp tăng cường khả năng miễn dịch
- Vấn đề tuyến giáp
Chức năng tuyến giáp kém có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Đặc biệt, bệnh suy giáp có thể khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi hơn, ngay cả khi bạn đã ngủ đủ giấc.
- Căng thẳng trước khi ngủ
Căng thẳng có thể khiến bạn mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ bị suy giảm, bạn luôn cảm thấy lo âu sẽ dễ bị tỉnh giấc nhiều lần. Giấc ngủ không được sâu và thoải mái là nguyên nhân khiến cho bạn mệt mỏi ngay cả khi bạn ngủ rất nhiều.
- Thiếu hụt dinh dưỡng
Các nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất có thể góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không ngon giấc. Nghiên cứu cho thấy rằng vitamin C, D và vitamin B có thể cần thiết để duy trì giấc ngủ lành mạnh. Thiếu hụt một số chất dinh dưỡng như sắt, vitamin B12 và vitamin D có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
- Uống rượu
Mặc dù uống rượu có thể giúp một số người đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn nhưng uống rượu thường xuyên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ và cách bạn thức dậy vào buổi sáng, bạn không thể thức dậy với cảm giác sảng khoái.
Các nghiên cứu cho thấy rượu có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ theo nhiều cách, làm gián đoạn chu kỳ sinh học, ngăn chặn giấc ngủ REM phục hồi, làm trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp như ngáy và thậm chí gây ra chứng ngưng thở khi ngủ. Và đó là ngoài việc bạn có thể cần đi vệ sinh suốt đêm vì rượu có thể gây lợi tiểu.
Tất cả các nguyên nhân được đề cập bên trên đều làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ, từ đó khiến bạn ngủ đủ giấc nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, để khắc phục tình trạng mệt mỏi khi ngủ dậy, điều quan trọng là duy trì giấc ngủ đúng giờ, sâu giấc và thoải mái.
Dưới đây là một vài lời khuyên giúp bạn có chất lượng giấc ngủ tuyệt vời:
- Ngủ đúng giờ
Ngủ nhiều không bằng ngủ đúng giờ. Nếu 2,3 giờ sáng bạn ngủ đến 9,10 giờ hôm sau bạn dậy, khi thức dậy bạn không hề thấy sảng khoái mặc dù ngủ rất nhiều giờ, thậm chí bạn còn cảm thấy đau đầu, mệt mỏi. Các chuyên gia thường khuyến khích mọi người nên đi ngủ trước 11 giờ đêm.
- Không sử dụng thiết bị điện tử trước một giờ khi đi ngủ
Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoai, máy tính bảng,... sẽ ngăn chặn việc sản xuất melatonin - loại hormone cần thiết cho giấc ngủ, khiến bạn khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
- Thiền hoặc tập thư giãn trước khi ngủ
Tâm lý thoải mái, hạnh phúc sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon và khi thức dậy bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sức sống, có một ngày làm việc hiệu quả. Trước khi đi ngủ, bạn có thể ngồi thiền, tập yoga nhẹ nhàng, đọc sách, nghe nhạc,...
- Xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh
Thiếu chất và lười vận động cũng đều làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, mọi người nên xây dựng khẩu phần ăn uống đa dạng, ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin, sắt, kẽm, omega-3. Chẳng hạn như rau xanh, các loại hạt, trái cây, trứng, thịt bò, cá,...
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra tập thể dục có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp bạn đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn không nên thể dục sát giờ đi ngủ, vì lúc này cơ thể còn nhiều năng lượng nên sẽ dẫn tới tình trạng khó ngủ. Tốt nhất là bạn nên vận động trước 5,6 giờ chiều.
Ngoài những lời khuyên trên, nếu bạn mệt mỏi do các tình trạng sức khoẻ liên quan đến nội tiết, tuyến giáp thì điều cần thiết là bạn cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo chỉ định từ bác sĩ.
Không có một công thức hay số giờ cụ thể quy định về giấc ngủ. Điều này sẽ còn tuỳ thuộc vào từng cá nhân, độ tuổi và các yếu tố khác như sức khoẻ, chất lượng giấc ngủ trong những ngày trước đó, ...
Dưới đây là công thức chung (không mang tính tuyệt đối) về thời gian ngủ lý tưởng theo từng độ tuổi:
- Sơ sinh đến 3 tháng: 14 đến 17 giờ
- 4 đến 11 tháng: 12 đến 16 giờ
- 1 đến 2 tuổi: 11 đến 14 giờ
- 3 đến 5 tuổi: 10 đến 13 giờ
- 6 đến 12 tuổi: 9 đến 12 giờ
- 13 đến 18 tuổi: 8 đến 10 giờ
- 18 đến 64 tuổi: 7 đến 9 giờ
- 65 tuổi trở lên: 7 đến 8 giờ
Nhưng điều quan trọng nhất là bạn cảm thấy thế nào khi ngủ với số giờ đó và điều cần quan tâm là chất lượng giấc ngủ có tốt hay không.
Nguồn tham khảo:
1. Why you're still tired after a good night's sleep
2. How to Calculate When You Should Go to Sleep