Đôi khi bạn có thể cảm thấy ngón tay sưng phù lên sau khi thức dậy vào buổi sáng hoặc khi thời tiết thay đổi,... Tìm hiểu nguyên nhân khiến ngón tay sưng phù giúp bạn có các biện pháp khắc phục và can thiệp y tế phù hợp tránh xảy ra biến chứng bệnh lý xương khớp nặng.
Do cơ thể tích tụ chất lỏng
Đôi khi ngón tay có thể bị sưng phù vào buổi sáng sau khi bạn ngủ dậy. Cơ chế gây ra hiện tượng ngón tay sưng phù này là do chất lỏng được cơ thể tích tụ lại khi ngủ. Để khắc phục bạn có thể vận động nhẹ nhàng bằng cách đưa 2 cánh tay lên trời, đưa lên rồi hạ xuống vài lần.
Ngoài ra bạn cũng có thể đưa 2 tay về phía trước, giữ tư thế vuông góc với thân rồi dần dần vẽ thành hình các vòng tròn ở trong không khí. Các bước vận động này giúp quá trình lưu thông chất lỏng của cơ thể được tốt hơn.
Do nhiệt độ cao
Ngón tay sưng phù cũng có thể bắt gặp khi trời nắng nóng với nền nhiệt độ cao. Lúc này mạch máu của cơ thể bị giãn nở ra, giúp thoát nhiệt qua da đồng thời làm mát cơ thể. Tuy nhiên quá trình làm mát này cũng có thể khiến chất lỏng bị rò rỉ tới những mô mềm gây ra sưng phù.
Tương tự như hiện tượng ngón tay sưng phù sau khi ngủ dậy, bạn chỉ cần vận động nhẹ nhàng sẽ hết. Tuy nhiên, trong trường hợp ngón tay sưng phù và bàn tay cũng sưng với các triệu chứng như đau nhức và mất sức cầm nắm thì cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ.
Do chế độ ăn quá nhiều muối
Một chế độ ăn quá nhiều muối cũng có thể khiến ngón tay của bạn bị sưng phù. Các món ăn nhanh như khoai tây chiên, gà rán,... có thể khiến bạn bị mất cân bằng nước - muối của cơ thể. Lúc này cơ thể sẽ bù trừ lại bằng việc giữ lại nhiều nước hơn và gây ra hiện tượng ngón tay sưng phù.
Nếu như lượng muối tiêu thụ không quá nhiều thì có thể gây ra sưng nhẹ và tự khỏi trong khoảng 1 ngày. Tuy nhiên nếu như bạn đã tinh giảm chế độ ăn ít muối hơn mà vẫn bị sưng thì hãy hỏi bác sĩ sớm.
Viêm xương khớp
Viêm xương khớp có thể khiến các đốt ngón tay của bạn bị sưng to. Nguyên nhân là do sự lão hóa mô đệm do tuổi tác. Ngoài ngón tay sưng phù người bị viêm xương khớp có thể gặp tình trạng cứng khớp và đau nhức.
Hội chứng ống cổ tay
Ống cổ tay là hội chứng mà dây thần kinh từ cẳng tay tới lòng bàn tay bị chèn ép hoặc vặn xoắn lại. Khi bị hội chứng ống cổ tay bệnh nhân thường cảm thấy đau nhức, ngứa rát hoặc tê cứng ở cả bàn tay và ngón tay. Ngón tay sưng phù theo mức độ thời gian mắc bệnh.
Đây là bệnh xảy ra phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.
Phù hạch bạch huyết
Phù hạch bạch huyết theo các chi có nguyên nhân do các dịch bạch huyết có mang theo chất thải, virus hay vi khuẩn ra khỏi cơ thể lại không được đào thải hoàn toàn. Lúc này ngón tay và ngón chân có thể xảy ra hiện tượng sưng phù, nặng hơn có thể lan tới cánh tay và chân.
Khi bị phù bạch huyết, cơ thể sẽ ở trong trạng thái luôn căng và dầy hơn khi bình thường. Trong một vài trường hợp, phù bạch huyết có thể là bệnh phát sinh do sự phát triển bất thường của hệ thống bạch huyết.
Hội chứng Raynaud
Hội chứng Raynaud là tình trạng các động mạch bị co hẹp lại dưới tác động của không khí lạnh hoặc bị stress. Người bị hội chứng Raynaud bị cản trở tuần hoàn máu và sưng đau nhói khi tuần hoàn trở lại.
Một dấu hiệu khác giúp bạn nhận biết hội chứng Raynaud chính là ngón tay hoặc bàn tay tự nhiên đổi màu nhợt nhạt hoặc hơi xanh sau đó chuyển sang sưng phù lên.
Tiền sản giật
Với phụ nữ mang thai nếu bỗng nhiên thấy ngón tay sưng phù, mặt cũng bị sưng; nhất là khi ấn ngón tay lên trên da thì thấy da mất đi độ đàn hồi chính là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiền sản giật ở sản phụ. Nhóm phụ nữ mang thai trên 40 tuổi, thai phụ bị béo phì hay mang thai đôi, thai ba là nhóm phổ biến hay xảy ra tiền sản giật cần phải chú ý.
Đối với những trường hợp bị sưng nhẹ, bạn có thể khắc phục bằng những cách đơn giản dưới đây:
- Ngâm bàn tay ở trong nước ấm hay nước mát để giúp máu được lưu thông tốt hơn cũng như thư giãn, thả lỏng cho các cơ từ đó giảm sưng tấy hiệu quả.
- Giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày trong chế độ ăn.
- Không nên ăn nhiều thức ăn nhanh và những thực phẩm đóng hộp. Thay vào đó nên có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, nhiều rau xanh và trái cây tươi.
- Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên, đối với những người mắc bệnh xương khớp thì nên tham khảo chuyên gia thể dục để có bài tập phù hợp với thể trạng.
- Uống nhiều nước.
- Đi kham ngay khi có những triệu chứng bất thường và có tiền sử của các bệnh như bệnh thận, phù mạch, ung thư,...