Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc áp dụng các phương pháp phòng tránh như hạn chế đến nơi đông người, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, khai báo y tế...là việc làm rất cần thiết giúp bạn bảo vệ sức khỏe trước những nguy cơ gây bệnh.
Tuy nhiên, một điều lưu ý rằng, ngoài chống dịch COVID-19 thì đây cũng là thời điểm dễ bùng phát một số bệnh truyền nhiễm thường gặp như sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng... Đặc biệt đây là những bệnh rất dễ tấn công trẻ nhỏ và những người có sức khỏe yếu.
Bên cạnh việc áp dụng triệt để các phương pháp chống dịch COVID-19 thì các chuyên gia cũng khuyến cáo cảnh giác với một số căn bệnh sau và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh các tác nhân gây bệnh:
Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Chú ý diệt bọ gậy, loăng quăng bằng cách thả cá vào các bình, hồ chứa nước lớn. Ngoài ra, vệ sinh và quét sạch các vùng nước tù đọng, thay rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên, úp các dụng cụ không chứa nước, tránh tạo không gian cho muỗi trú đậu.
Trong nhà, cần thay các bình hoa, có thể bỏ thêm muối, dầu, hóa chất diệt muỗi vào bát nước hoặc xịt các loại tinh dầu vào góc nhà nhằm xua đuổi muỗi.
Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Khi ngủ cần mắc màn, mặc quần áo dài tay tránh muỗi đốt ngay cả khi ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch, phun khử khuẩn môi trường tránh các bệnh truyền nhiễm.
Đối với người bị sốt xuất huyết, không tự ý điều trị, đặc biệt chú ý khi dùng thuốc hạ sốt không kê đơn. Theo dõi và nhập viện càng sớm càng tốt.
Trẻ em rất dễ bị tay chân miệng và biến chứng của căn bệnh này nguy hiểm không kém nếu như không điều trị đúng cách.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn nhiều lần trong ngày, trước khi ăn, sau khi trẻ đi vệ sinh hoặc trẻ chơi, nghịch bẩn. Ngoài ra, người lớn cần chú ý vệ sinh tay chân, miệng sạch sẽ khi bế ẵm trẻ. Không hôn, thơm dễ lây truyền vi khuẩn cho trẻ.
Ngoài phòng dịch COVID-19 bằng phương pháp vệ sinh tay chân, đeo khẩu trang thường xuyên, lưu ý cho trẻ ăn uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng toàn diện. Ăn chín, uống chín, vật dụng đựng nước phải được vệ sinh sạch sẽ. Có thể rửa bằng nước nóng, dùng chanh tươi để tráng miệng cốc.
Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, cha mẹ không nên cho trẻ ra ngoài chơi, hạn chế tiếp xúc với người khác. Đối với bệnh tay chân miệng, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi. Nếu có, cần rửa tay sạch sẽ cho trẻ trước khi để trẻ bốc thức ăn, và rửa miệng sạch sẽ ngay sau đó.
Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, cốc, bát đĩa chung với người lớn. Tất cả đồ của trẻ cần được phân loại riêng.
Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Việc làm này không những giúp hạn chế các yếu tố nguy cơ COVID-19 mà còn giúp trẻ tránh khỏi một số bệnh truyền nhiễm khác.
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Để phòng dịch tiêu chảy, cần chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi, không uống nước lã. Ngoài ra, cần đảm bảo nguồn nước trong ăn uống sinh hoạt nhất là nguồn nước ăn.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế ăn rau sống, cầm ngâm rửa nước muối hoặc nước chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn, bùn đất bám trên rau. Không đi vệ sinh bữa bãi, rác phải, phân cần được tiêu hủy trong ngày. Tuyệt đối không đổ rác thải, phân, nước tiểu xuống ao hồ, không dùng phân tươi chưa qua xử lý để bón cây.
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, hạn chế đến các cơ sở ăn uống, nhà hàng bên ngoài nhằm tránh lây nhiễm và giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.
Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị kịp thời.
Mắc bệnh cúm vào giai đoạn dịch bệnh COVID-19 rất dễ khiến người bệnh và người nhà hoang mang do có những triệu chứng tương đồng nhau.
Do vậy để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm trong thời gian này, nhất là bệnh cúm, cần chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, rửa tay thường xuyên với xà phòng. Vệ sinh mũi tối thiểu 1 lần/1 ngày và súc họng thường xuyên bằng nước muối. Đây cũng là biện pháp phòng tránh dịch bệnh COVID-19 được WHO và Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ.
Ngoài ra, cần:
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tiêm văcxin cúm mùa phòng bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời và khai báo y tế thường xuyên.
Ngoài ra, các bệnh khác như đau mắt đỏ, thủy đậu, bệnh sởi cũng cần được lưu tâm. Đối với người cao tuổi, cần chú ý các bệnh mãn tính như bệnh đường hô hấp, bệnh về gan thận, bệnh tiểu đường, huyết áp...Đây là nhóm đối tượng nhạy cảm, cần được quan tâm đặc biệt trong thời gian nhạy cảm này.