Ngộ độc thực phẩm: Cẩn thận với triệu chứng của mất nước trong cơ thể

Ngộ độc thực phẩm: Cẩn thận với triệu chứng của mất nước trong cơ thể
Ngộ độc thực phẩm là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có thể xảy ra ở mọi đối tượng và có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau. Trong đó, mất nước là một biến chứng phổ biến và gây ra nhiều hệ lụy khôn lường tới sức khỏe người bệnh.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi người bệnh ăn phải các thực phẩm có độc tố, có virus, vi khuẩn gây bệnh. Nếu ở dạng nhẹ, ngộ độc thực phẩm sẽ khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu bị ngộ độc thực phẩm ở dạng nặng, người bệnh có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Mất nước là một trong những biến chứng phổ biến và nguy hiểm của ngộ độc thực phẩm mà người bệnh không nên chủ quan.

1. Ngộ độc thực phẩm gây mất nước

Theo các bác sĩ, mất nước được định nghĩa là tình trạng lượng nước bị mất ra khỏi cơ thể cao hơn so với lượng nước cơ thể nhập vào. Khi lượng nước bị thiếu hụt này không được bù đủ thì cơ thể sẽ mất nước.

Nguyên nhân gây ra tình trạng mất nước trong cơ thể của những người bị ngộ độc thực phẩm chính là do người bệnh sốt cao, nôn mửa nhiều và bị tiêu chảy dài ngày. Mất nước trong cơ thể tác động tiêu cực tới sức khỏe bởi vì tình trạng mất nước sẽ khiến các cơ quan không thể thực hiện các chức năng của chúng một cách bình thường. Từ đó, mất nước sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe từ từ nhẹ tới nặng, thậm chí nguy hiểm hơn là có thể khiến người bệnh tử vong.

Vậy mất nước trong cơ thể có những triệu chứng nào? Sau đây là các triệu chứng điển hình của mất nước trong cơ thể:

- Da khô hoặc đỏ ửng.

- Chuột rút.

- Hôi miệng.

- Có cảm giác ớn lạnh và sốt.

- Cảm giác thèm đồ ăn, đặc biệt là những thực phẩm ngọt.

- Đau nhức đầu.

Ngoài ra, nếu có cảm giác khát nước rất có thể cơ thể đã bị mất nước. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng không thấy khát thì không bị mất nước. Để kiểm tra được có bị mất nước hay không, chúng ta có thể kiếm tra da và kiếm tra nước tiểu.

Đọc thêm bài viết: Chuyên gia cảnh báo: Uống sữa nhiễm khuẩn Salmonella dễ mất nước, nguy hiểm tính mạng.

Ngộ độc thực phẩm

Da khô là một trong những triệu chứng của mất nước trong cơ thể xảy ra do ngộ độc thực phẩm - Ảnh Internet.

Trên đây là những dấu hiệu của cơ thể bị mất nước. Mặt khác, mất nước có thể có những triệu chứng khác nhau ở lứa tuổi khác nhau. Cụ thể:

Triệu chứng mất nước ở trẻ em

- Trẻ bị khô miệng và khô lưỡi.

- Trẻ khóc không có nước mắt.

- Với trẻ nhỏ hơn, tã/bỉm của trẻ không ướt sau mỗi 3 giờ.

- Mắt và má trẻ trũng.

- Trẻ bị kích thích, ở tình trạng nặng có thể lừ đừ.

Triệu chứng mất nước ở người lớn

Ở người lớn, biến chứng mất nước do ngộ độc thực phẩm có các dấu hiệu điển hình sau:

- Dấu hiệu khô miệng.

- Giấc ngủ ngắn, ngủ gà, ngủ lơ mơ.

- Cơ thể bị sốt.

- Các cơ bị yếu.

- Cảm giác ớn lạnh.

- Chóng mặt, hoa mắt, choáng váng.

Khi bị mất nước, người bệnh cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu mất nước nặng. Cụ thể, các triệu chứng bị mất nước nặng, tức là mất 10 – 15% tổng lượng nước trong cơ thể) bao gồm: không chảy mồ hôi, mắt trũng, da khô hoặc nhăn nheo, nhịp tim tăng, huyết áp thấp, sốt cao, mê sảng, mất ý thức.

2. Làm gì khi bị biến chứng mất nước?

Biến chứng mất nước rất nguy hiểm tới sức khỏe người bị ngộ độc thực phẩm. Vậy cần làm gì khi bị mất nước?

Các bác sĩ khuyến cáo, cách tốt nhất để điều trị mất nước chính là bổ sung kịp thời lượng nước và điện giải đã mất. Tuy nhiên, cần lưu ý, tùy thuộc vào lứa tuổi, mức độ mất nước mà cách bổ sung cũng khác nhau.

Ngộ độc thực phẩm

Các bác sĩ có thể sẽ chỉ định truyền dịch vào tĩnh mạch để điều trị tình trạng mất nước - Ảnh Internet.

Theo đó, khi điều trị mất nước do ngộ độc thực phẩm chính là điều trị nguyên nhân gây mất nước. Tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh mà các bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc như thuốc hạ sốt, giảm nôn ói, giảm tiêu chảy.

Tìm hiểu 5 loại đồ uống giúp bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm.

Với trẻ nhỏ bị mất nước do ngộ độc thực phẩm ở dạng nhẹ, các bậc cha mẹ có thể pha dung dịch tại nhà với các thành phần là nước, muối và đường. Sau đó, cho trẻ uống với muỗng (khoảng 5ml) tới khi trẻ không còn nhu cầu. Các bác sĩ sẽ truyền dịch đường tĩnh mạch trong những trường hợp cần thiết.

Với các đối tượng là người lớn, các trường hợp mất nước từ mức độ nhẹ tới vừa, có thể bù dịch bằng cách uống nhiều nước hoặc các dung dịch khác. Điều cần lưu ý là khi tiêu chảy, các loại nước trái cây hay nước ngọt cần được hạn chế. Ngoài ra, còn cần tránh các đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà,… Khi bù dịch qua đường uống thất bại, người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để bù dịch qua đường tĩnh mạch.

Điều quan trọng nhất là khi người bệnh có những dấu hiệu mất nước do ngộ độc thực phẩm cần theo dõi tình hình và tới thăm khám bác sĩ khi cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe có thể xảy ra.


Tác giả: Ngọc Điệp