Hiện nay trên thế giới có khoảng 2.34 tỷ người sử dụng Facebook, chiếm khoảng 23% dân số trên thế giới. Trung bình mỗi tuần mỗi người dành 7 giờ cho facebook, trong đó, có người sử dụng từ 10 phút đến 70 giờ.
Bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể sử dụng facebook và chính điều đó khiến cho việc nghiện facebook càng trở nên dễ dàng hơn. Hệ lụy có nó có thể đây chính là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm.
Trước đây, trên báo chí từng đăng tải trường hợp Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nam sinh 14 tuổi nhập viện trong tình trạng co giật phân ly. Gia đình chia sẻ rằng cậu bé sử dụng facebook liên tục trong nhiều ngày, thậm chí một ngày lên tới 10 tiếng đồng hồ.
Mỗi lần đi học về, cháu ở lỳ trong phòng và liên tục dùng facebook để nói chuyện với bạn bè. Gia đình thấy vậy nên đã thu điện thoại, cấm cháu dùng mạng facebook. Sau đó, cháu bỗng xuất hiện các cơn co giật.
TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết: "Sau khi tiến hành kiểm tra, các cơn co giật này xuất hiện từ nguyên nhân cháu bé không được dùng facebook. Ngoài việc điều trị trạng thái co giật, các bác sĩ đưa lời khuyên tư vấn gia đình cháu nên phân chia thời gian sử dụng điện thoại, mạng xã hội hợp lý.
Sau khi kiểm tra và khám bệnh, các bác sĩ còn phát hiện cháu bé gặp tình trạng hoang tưởng, ảo thanh - một trong những biểu hiện đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt".
Ảnh: internet
Thạc sĩ Lê Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết: "Nghiện Facebook dễ khiến người dùng chỉ sống trong thế giới ảo, công việc học tập đều giảm sút. Thậm chí họ không quan tâm đến sức khỏe, ăn ngủ không đúng giờ, không quan tâm đến cuộc sống thường ngày. Từ đó, người nghiện Facebook có thể gây rối loạn giấc ngủ, đêm vào mạng ngày ngủ; có trường hợp phải ngừng học, bị đuổi học. Tình trạng lệ thuộc này có thể làm phát sinh những rối loạn tâm thần tiềm tàng khi người dùng ngủ kém, sức khỏe kém".
Mặc dù chưa có bệnh nhân nào điều trị nội trú tâm thần, trầm cảm với chẩn đoán nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm là do sử dụng facebook, nghiện mạng xã hội nhưng đã có nhiều trường hợp tư vấn bệnh lý liên quan đến hành vi đắm chìm trong thế giới ảo của lứa tuổi người trẻ, vị thành niên.
Hầu hết các bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh đến điều trị trầm cảm đều được xác định nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm đến từ thói quen sử dụng facebook tới 5 - 6 tiếng, trong đó có lạm dụng games.
Ảnh: Internet
Tháng 4/2017, kênh CNBC của Mỹ đưa tin về một nghiên cứu của các chuyên gia từ Đại học California và Đại học Yale, cho thấy việc sử dụng Facebook thường xuyên có thể gây cảm giác buồn rầu, suy sụp.
"Việc tiếp xúc với những hình ảnh mô tả cuộc sống của người khác đã được trau chuốt một cách cẩn thận sẽ dẫn đến việc tự so sánh một cách tiêu cực, và tương tác trên mạng xã hội có thể làm người ta xao nhãng các hoạt động ngoài đời thực" - nghiên cứu của chuyên gia Holly Shakya (Đại học California) và Nicholas Christakis (Đại học Yale) kết luận.
Ảnh: Internet
Khảo sát của Ditch the Label, một tổ chức từ thiện lớn ở Anh tiến hành từ tháng 11/2016 đến 28/2/2017 cho thấy: khoảng 60% trong số 10.000 thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12 đến 20 khẳng định sẽ không thể ngừng không dùng mạng xã hội trong 24 giờ.
Nhiều người trẻ nói rằng họ cảm thấy "hoảng sợ và ốm yếu về thể chất" nếu họ không đăng hàng chục bức ảnh "tự sướng" trên facebook trong một ngày. Trong thực tế, chứng nghiện facebook thể hiện trong kết quả scan não bộ cho thấy có ảnh hưởng tới chất xám tương tự như cocaine. Điều này càng làm xác đáng thêm giả thuyết nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm là do nghiện facebook.
Ảnh: internet
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện chưa có nghiên cứu thuốc có hiệu quả với chứng nghiện facebook. Các y, bác sĩ chỉ dùng thuốc khi bệnh nhân có các bệnh đồng diễn hoặc hậu quả của nghiện facebook như mất ngủ, trầm cảm…
Nghiện facebook giống như những dạng nghiện hành vi khác nên không dễ từ bỏ ngay mà cần phải từ từ, điều chỉnh từng chút một. Nếu không nghiêm túc xem xét vấn đề này, có thể đây chính là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm.
Để cai nghiện facebook, bạn có thể lên lịch hoạt động cụ thể trong ngày, tuân thủ theo lịch đó. Nếu như thấy khó cưỡng lại việc vào facebook như một thói quen, có thể đóng tài khoản, xóa tài khoản, tìm đến những hoạt động khác lấp đầy thời gian trống.