Alzheimer là bệnh lý phổ biến gây suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy nghiêm trọng. Trên thế giới hiện có khoảng 35 triệu người mắc phải căn bệnh này và con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng lên 125 triệu người vào năm 2050.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy chỉ bằng xét nghiệm máu cũng có thể giúp dự đoán nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Các nhà khoa học đến từ Úc và Nhật Bản đang nghiên cứu việc phát triển một phương pháp xét nghiệm máu mới giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Thử nghiệm không xâm lấn đang được thực hiện để phát hiện sự có mặt của protein amyloid beta độc hại được tìm thấy ở những người bị bệnh Alzheimer. Các nhà nghiên cứu cho biết thử nghiệm này có thể cho kết quả chính xác đến 90% và họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để cải thiện độ chính xác.
Chỉ xét nghiệm máu cũng có thể phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer? (Ảnh: Internet)
Cuộc nghiên cứu được thực hiện với 121 bệnh nhân tại Nhật và 252 người khác từ Úc với tình trạng sức khỏe khác nhau, từ tình trạng bị suy giảm nhận thức nhẹ đến mắc bệnh Alzheimer.
Cuộc thử nghiệm được thực hiện với mục đích dự đoán sự hiện diện và mức độ amyloid beta có trong não nhằm cho thấy sự có mặt của các protein bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo chứng sa sút trí tuệ Alzheimer.
Một cuộc nghiên cứu khác cũng phát triển các xét nghiệm tương tự cũng được thực hiện giúp phát hiện bệnh Alzheimer với độ tin cậy đến 86%. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên việc phân tích các mẫu máu lấy từ bệnh nhân Alzheimer để đo mức protein liên quan đến căn bệnh này và dự đoán nồng độ lượng chất này có trong não.
Colin Masters, giáo sư nghiên cứu về chứng mất trí tại Viện Nghiên cứu thần kinh (Melbourne), đồng thời là tác giả của cuộc nghiên cứu này cho hay: "Xét nghiệm mới này có khả năng phát hiện ra bệnh với hiệu quả tương đương với các kỹ thuật chụp cắt lớp hiện nay và đáng tin cậy hơn các xét nghiệm máu hiện đang được áp dụng."
Phương pháp xét nghiệm máu mới giúp phát hiện nguy cơ mắc bệnh Alzheimer có độ tin cậy cao (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng thực tế vẫn được xem là phương pháp chẩn đoán bệnh mang lại hiệu quả cao nhất. Bệnh Alzheimer có thể khởi phát từ 30 năm trước khi người bệnh bắt đầu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào chẳng hạn như mất trí nhớ. Các chuyên gia cho biết không có một loại xét nghiệm nào có thể giúp xác định từ sớm dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ và những bệnh nhân cần được chẩn đoán cụ thể bằng phương pháp chụp cắt lớp não và kiểm tra tinh thần kĩ lưỡng.
Dù hiện nay chưa có phương pháp điều trị triệt để bệnh Alzheimer và các loại thuốc không thật sự hiệu quả nhưng việc phát hiện sớm chứng bệnh này có thể giúp tăng hiệu quả chữa trị.
Chụp cắt lớp não là một phương pháp chẩn đoán bệnh Alzheimer (Ảnh: Internet)
Các nhà nghiên cứu cho rằng cần có nhiều các nghiên cứu hơn nữa để xác định và phát triển phương pháp thử nghiệm có tính chính xác cao và có thể ứng dụng thực tế. Có rất nhiều loại protein khác nhau có thể giúp cảnh báo chứng bệnh này ngoài protein amyloid beta. Bên cạnh đó, sự hiện diện của amyloid beta trong não chưa thể dự báo chính xác và chắc chắn nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Mặc dù nghiên cứu này đã giúp tìm ra phát hiện đột phá trong nghiên cứu nhưng chưa được ứng dụng và thử nghiệm lâm sàng. Số người tham gia nghiên cứu cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hy vọng có thể phát triển phương pháp mới giúp phát hiện nguy cơ mắc bệnh Alzheimer từ giai đoạn khởi phát và tăng độ chính xác trong việc chẩn đoán hiện nay.
Cuộc nghiên cứu sẽ được tiếp tục tiến hành với quy mô lớn hơn nhằm tìm ra các yếu tố khác có thể giúp dự đoán nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ trong tương lai.