Nghiên cứu mới về 'vũ khí' chống COVID-19 vô cùng quen thuộc: Vừa hiệu quả cao, vừa tiết kiệm chi phí

Nghiên cứu mới về 'vũ khí' chống COVID-19 vô cùng quen thuộc: Vừa hiệu quả cao, vừa tiết kiệm chi phí
Một nghiên cứu lớn thực hiện trong thế giới thực cho thấy khẩu trang thực sự làm giảm sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng, Web MD đưa tin.

Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của đeo khẩu trang và những biện pháp có thể được sử dụng để khuyến khích người dân đeo khẩu trang trên toàn thế giới. Ví dụ, một phát hiện quan trọng của nghiên cứu là đeo khẩu trang không khiến mọi người từ bỏ giãn cách xã hội, điều mà các quan chức y tế công cộng lo ngại có thể xảy ra nếu khẩu trang mang lại cho mọi người cảm giác an toàn sai lầm.

"Những gì chúng tôi đạt được là chứng minh rằng khẩu trang có hiệu quả chống lại COVID-19, ngay cả khi được đánh giá nghiêm ngặt và có hệ thống trong đại dịch", bác sĩ Ashley Styczynski, một trong những người tham gia nghiên cứu, cho biết. Styczynski là nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford (Mỹ).

Trong nghiên cứu, bác sĩ Styczynski đã làm việc cùng các đồng nghiệp tại Đại học Stanford, Đại học Yale và tổ chức Đổi mới Hành động Giảm nghèo (IPA), tổ chức phi lợi nhuận về chính sách và nghiên cứu lớn hiện đang hoạt động tại 22 quốc gia.

"Và vì vậy, tôi nghĩ với những người không đeo khẩu trang vì cảm thấy không có đủ bằng chứng, chúng tôi hy vọng điều này sẽ giúp họ thay đổi suy nghĩ", bác sĩ nói thêm.

Nghiên cứu được thực hiện ở 600 đơn vị hành chính được gọi là quận ở Bangladesh, bao gồm khoảng 340.000 người. 

Nghiên cứu mới về vũ khí chống COVID-19 vô cùng quen thuộc: Vừa hiệu quả cao, vừa tiết kiệm chi phí - Ảnh 1.

Một nhân viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ hướng dẫn đeo khẩu trang y tế phòng ngừa COVID-19.

Đọc thêm:

Trẻ em sinh ra có mẹ mắc Covid-19 có bị dị tật thai nhi không?

5 nguyên tắc quan trọng trong phục hồi cho bệnh nhân COVID-19

Trong số 600 quận trên, một nửa được phát khẩu trang vải hoặc khẩu trang phẫu thuật, kèm theo nhắc nhở đeo khẩu trang đúng cách liên tục; nửa còn lại được theo dõi mà không có sự can thiệp. Những người xuất hiện triệu chứng COVID-19 sau đó được xét nghiệm máu để xác minh họ đã nhiễm bệnh.

So với những ngôi làng không đeo khẩu trang, những ngôi làng có đeo bất kỳ loại khẩu trang nào có ít hơn 9% số ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng. Phát hiện có ý nghĩa thống kê và không có khả năng xảy ra một cách tình cờ.

"Ai đó có thể đọc nghiên cứu này và nói 'OK, bạn đã giảm 9% tỷ lệ COVID-19. Hay đấy.’ Tôi sẽ đáp lại rằng họ đã đánh giá thấp nghiên cứu", Styczynski nói.

Các nhà điều tra cũng tìm thấy những khác biệt quan trọng theo độ tuổi và loại khẩu trang. Các làng có đeo khẩu trang phẫu thuật có ít hơn 11% ca mắc COVID-19 so với làng không đeo khẩu trang. Mặt khác, ở những ngôi làng đeo khẩu trang vải, tỷ lệ lây nhiễm chỉ giảm 5%.

Khẩu trang vải trong nghiên cứu có ba lớp - hai lớp vải và một lớp ngoài bằng polypropylene. Khi thử nghiệm, khẩu trang vải chỉ lọc được khoảng 37% các hạt virus, so với 95% đối với khẩu trang phẫu thuật ba lớp, cũng được làm bằng polypropylene.

Khẩu trang có hiệu quả nhất đối với những người lớn tuổi. Những người từ 50 đến 60 tuổi đeo khẩu trang phẫu thuật ít có khả năng dương tính với COVID-19 hơn 23% so với những người không đeo khẩu trang. Đối với những người trên 60 tuổi, mức giảm cao hơn - 35%.

Nghiên cứu nghiêm ngặt

Nghiên cứu diễn ra trong thời gian 8 tuần tại mỗi quận. Các biện pháp can thiệp được triển khai theo từng đợt, lần đầu tiên bắt đầu vào tháng 11 năm 2020 và lần cuối cùng vào tháng 1 năm 2021.

Các nhà điều tra đã phát miễn phí khẩu trang vải hoặc khẩu trang phẫu thuật cho các hộ gia đình và cho họ xem một đoạn video về việc đeo khẩu trang đúng cách với các thông điệp quảng cáo từ thủ tướng, nhà lãnh đạo địa phương và một ngôi sao cricket quốc gia.

Nghiên cứu mới về vũ khí chống COVID-19 vô cùng quen thuộc: Vừa hiệu quả cao, vừa tiết kiệm chi phí - Ảnh 3.

Nghiên cứu mới cho thấy đeo khẩu trang làm giảm 9% số ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng. (Ảnh minh họa)

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng người dân không phải lúc nào cũng trung thực về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ví dụ ở Kenya, 88% số người trả lời một cuộc khảo sát qua điện thoại cho biết họ đeo khẩu trang thường xuyên, nhưng các nhà nghiên cứu xác định rằng chỉ 10% trong số họ thực sự làm như vậy.

Các nhà điều tra trong nghiên cứu ở Bangladesh không chỉ hỏi mọi người xem họ có đeo khẩu trang hay không mà còn đứng quan sát ở các chợ công cộng, nhà thờ Hồi giáo, quán trà và lối vào các ngôi làng.

Họ cũng thử nghiệm nhiều cách khác nhau để giáo dục mọi người và nhắc nhở họ đeo khẩu trang. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có bốn yếu tố hiệu quả trong việc khuyến khích đeo khẩu trang và họ đã đặt cho chúng một từ viết tắt - NORM.

- N, nghĩa là ‘no-cost masks’ (khẩu trang miễn phí);

- O, nghĩa là ‘offering information through the video and local leaders’ (cung cấp thông tin qua video và các nhà lãnh đạo địa phương);

- R, nghĩa là ‘regular reminders by investigaters’ (nhắc nhở thường xuyên bởi các nhà điều tra – những người đứng ở chợ, phát khẩu trang và khuyến khích người dân đeo nó đúng cách);

- M, nghĩa là ‘modeling’ (các nhà lãnh đạo địa phương làm hình mẫu, đeo khẩu trang và nhắc nhở những người theo dõi của họ).

Bốn biện pháp này đã làm tăng gấp ba lần tỷ lệ đeo khẩu trang trong các cộng đồng được can thiệp, từ mức cơ bản là 13% lên 42%. Mọi người tiếp tục đeo khẩu trang đúng cách trong khoảng 2 tuần sau khi nghiên cứu kết thúc, cho thấy họ đã quen với việc đeo khẩu trang.

Bác sĩ Styczynski nói rằng các biện pháp khác như nhắc nhở bằng tin nhắn văn bản, treo biển báo ở những nơi công cộng… không có tác dụng nhiều trong việc khuyến khích đeo khẩu trang.

Tiết kiệm chi phí

Nghiên cứu cho thấy chiến lược này cũng tiết kiệm chi phí. Bác sĩ Styczynski cho biết tặng khẩu trang cho một lượng lớn người dân và kêu gọi mọi người sử dụng chúng có chi phí khoảng 10.000 USD/ mỗi người được cứu sống từ COVID-19, ngang với chi phí triển khai màn chống muỗi để cứu người khỏi bệnh sốt rét.

Bà nói: "Những gì chúng tôi có thể chứng minh là khẩu trang là một công cụ thực sự quan trọng được sử dụng trên toàn cầu, đặc biệt là khi các quốc gia có sự chậm trễ trong việc tiếp cận với vaccine COVID-19 và triển khai tiêm chủng".

Bác sĩ Styczynski cho biết khẩu trang sẽ tiếp tục là vật dụng quan trọng, ngay cả ở các quốc gia như Mỹ, nơi vaccine không ngừng được 100% sự lây truyền và vẫn còn một phần lớn dân số không được tiêm chủng, chẳng hạn như trẻ em.

"Nếu chúng ta muốn giảm COVID-19 ở đây, điều thực sự quan trọng là chúng ta phải xem xét lợi ích của khẩu trang bên cạnh vaccine, và đừng nghĩ rằng chỉ cần 1 trong 2 là đủ", bác sĩ nói.


Tác giả: TM