Mặc dù nhiều lợi ích khác nhau của giấc ngủ trưa đối với sức khỏe là điều đã được chứng minh. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được công bố mới đây trên Tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ (1) đã cho thấy, những người thường xuyên ngủ trưa dường như có nguy cơ mắc tăng huyết áp và đột quỵ cao hơn so với những người bình thường.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tiến hành quan sát dữ liệu của hơn 500 000 người trưởng thành có độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi. Nguồn dữ liệu này được trích xuất từ Biobank U.K - một nguồn dữ liệu lớn về di truyền, lối sống và thông tin sức khỏe thường được sử dụng trong các nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập mẫu máu, nước tiểu và nước bọt của những người tham gia vào nghiên cứu. Đồng thời ghi nhận các thông tin về lối sống của họ, đặc biệt là thời gian ngủ trưa mỗi ngày.
Dựa vào tần suất ngủ trưa, những người tham gia nghiên cứu sẽ được chia làm ba nhóm bao gồm nhóm thường xuyên ngủ trưa, nhóm thỉnh thoảng ngủ trưa, nhóm không bao giờ hoặc rất ít khi ngủ trưa.
Kết quả phân tích cho thấy rằng, so với những người không bao giờ ngủ trưa thì những người ngủ trưa thường xuyên có nguy cơ mắc tăng huyết áp cao hơn đến 12% và nguy cơ đột quỵ cao hơn đến 24%. Cùng với đó, khi những người không bao giờ ngủ trưa bắt đầu thỉnh thoảng làm điều này cũng sẽ khiến nguy cơ tăng huyết áp tăng thêm đến 40%.
Đọc thêm:
- Buồn ngủ nhưng không ngủ được là do đâu?
- Khuyến cáo mới về cách chăm sóc giấc ngủ cho trẻ nhỏ
Tác giả của nghiên cứu - Tiến sĩ E Wang đến từ Đại Học Trung Nam, Trung Quốc cho biết, kết quả của nghiên cứu này là một phát hiện thú vị. Bởi có đến hàng triệu người trên thế giới có sở thích ngủ trưa thường xuyên, hoặc thậm chí là ngủ trưa hằng ngày.
Trước khi một người muốn từ bỏ sở thích ngủ trưa của bản thân, thì họ nên biết rằng kết quả của nghiên cứu này không phù hợp với tất cả mọi người.
Bởi trong nghiên cứu này, những đối tượng được xếp vào nhóm ngủ trưa thường xuyên chủ yếu là những người bị mất ngủ, uống rượu, học vấn và thu nhập thấp, hoặc chỉ đơn thuần là do thích ngủ trưa,... Những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến thời gian ngủ vào ban đêm, từ đó gây ra tác động đến sức khỏe tổng thể.
Sự ảnh hưởng của giấc ngủ đến sức khỏe của một người đối với sức khỏe của họ có thể nhiều hơn cả những gì mà bạn đã nghĩ. Hội Tim mạch Hoa Kỳ AHA đã xem yếu tố thời gian ngủ hằng đêm như một thước đo đối với sức khỏe của hệ tim mạch.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (2), một giấc ngủ trưa có kế hoạch từ trước sẽ giúp cải thiện sự tỉnh táo. Thậm chí một số quốc gia còn có những nét văn hóa riêng liên quan đến vấn đề ngủ trưa.
Còn Phó Giáo sư Kristen L. Knutson đến từ Trường Đại học Y khoa Feinberg Northwestern thì lo lắng, ngủ không ngon vào ban đêm hoặc cảm giác mệt mỏi có thể là lý do khiến một số người thường xuyên ngủ trưa và buồn ngủ vào ban ngày.
Bà cho rằng, những giấc ngủ ngắn vào ban ngày nên được chia làm hai loại là có chủ ý và không có chủ ý. Trong đó, giấc ngủ ngắn có chủ ý là những giấc ngủ trưa đã có kế hoạch từ trước. Còn giấc ngủ ngắn không chủ ý là những giấc ngủ gật khi đang đi trên đường hoặc đang làm việc. Và những giấc ngủ ngắn không chủ ý này có thể chính là triệu chứng của các vấn đề khác và là mục tiêu giải quyết của nghiên cứu mới này.
Nhưng Phó Giáo sư Kristen L. Knutson vẫn chưa thể đưa ra một lời khuyên chắc chắn dành cho mọi người về việc có nên ngừng ngủ trưa hay không. Bởi cơ chế bệnh sinh ngủ trưa đã gây ra đột quỵ như thế nào vẫn chưa được tìm hiểu rõ.
Do đó, cho đến khi mối liên hệ này được biết rõ thì bà sẽ không đột ngột yêu cầu một người khỏe mạnh và thích ngủ trưa từ bỏ sở thích ngủ trưa của mình. Tuy nhiên, những người không cảm thấy hồi phục sau giấc ngủ trưa hoặc thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày thì sẽ cần thảo luận với bác sĩ để xác định lý do của tình trạng trên. Đồng thời cũng để loại trừ việc bệnh nhân có bị rối loạn giấc ngủ hay không.
Nguồn dịch: Frequent Naps Can Be an Indicator of High Blood Pressure, New Study Suggests