Tại sao chúng ta bị nghẹt 1 bên mũi? Đó là vì mũi của chúng ta đang phân chia khối lượng công việc giữa hai bên. Trong suốt một ngày, hai bên lỗ mũi sẽ “nghỉ giải lao” trong một quá trình xen kẽ nghẹt mũi và thông mũi được gọi là chu kỳ mũi. Khi chúng ta hít thở, một bên mũi sẽ nhận được nhiều không khí hơn so với bên còn lại.
Bên mũi nhận được nhiều không khí sẽ cần đảm nhận mọi công việc. Sau đó, cứ vài giờ thì quá trình này được đảo lại, bên mũi trước nhận được nhiều không khí hơn sẽ bị “nghẹt”, nhường không khí cho bên mũi còn lại. Tuy nhiên, chúng ta không thường xuyên nhận thấy sự nghẹt mũi luân phiên này khi quá trình này kéo dài quá lâu.
Ngoài ra, nghẹt 1 bên mũi cũng có thể do một số tác nhân khác gây ra như:
- Nằm nghiêng: đôi khi chúng ta cũng cảm thấy nghẹt mũi khi nằm nghiêng khi ngủ.
- Lệch vách ngăn mũi: Nếu bạn bị nghẹt mũi 1 bên kéo dài, đó có thể do vách ngăn mũi bị lệch. Lệch vách ngăn mũi là tình trạng vách ngăn mũi bị lệch sang 1 bên làm cho đường dẫn không khí một bên mũi nhỏ hơn bên còn lại.
Có nhiều nguyên nhân gây lệch vách ngăn mũi như do bẩm sinh, tổn thương mũi, lão hóa, viêm nhiễm,...Nếu tình trạng lệch vách ngăn mũi nhẹ sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu nặng sẽ khiến bạn cảm thấy khó thở, nghẹt 1 bên mũi, chảy máu cam, viêm xoang,...
- Viêm xoang mãn tính: Viêm xoang mãn tính xảy ra khi các khoang bên trong mũi và đầu bị sưng và viêm trong ba tháng hoặc lâu hơn mặc dù đã được điều trị. Tình trạng phổ biến này cản trở đường thoát chất nhầy trong mũi gây nghẹt mũi 1 bên khiến bạn cảm thấy khó thở. Bên cạnh đó, viêm xoang mãn tính còn gây ra các biểu hiện khó chịu khác như đau tai, đau đầu, đau họng, sưng xung quanh vùng mắt, má, mũi và trán,...
- Viêm mũi dị ứng: Viêm mũi dị ứng xảy ra do người bệnh hít phải chất gây dị ứng như bụi, lông, phấn hoa,... khiến niêm mạc mũi bị viêm, sưng tấy. Tình trạng này dẫn đến tắc nghẽn mũi, có thể bị nghẹt 1 bên mũi hoặc cả hai bên. Không chỉ gây nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng còn khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng khác như hắt hơi, chảy nước mũi, ho, ngứa và chảy nước mắt,...
- Dị vật trong mũi: Ở trẻ nhỏ, nghẹt một bên lỗ mũi có thể do dị vật chui vào mũi. Nếu bạn thấy dịch đặc hoặc mủ chảy ra, bạn nên cho trẻ đi khám ngay.
Nghẹt 1 bên mũi kéo dài có thể gây ra các bệnh như:
- Viêm nhiễm hệ hô hấp: nghẹt mũi 1 bên khiến chúng ta cảm thấy khó thở, vì vậy chúng ta phải thở bằng miệng. Tuy nhiên, không khí đi từ miệng vào không được lọc sạch có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản,...
- Ù tai, viêm mắt: Khi mũi bị nghẹt sẽ gây ứ đọng dịch nhầy. Tình trạng này có thể khiến bạn bị ù tai, thậm chí có thể lan sang mắt gây viêm tuyến lệ, viêm màng tiếp hợp,...
Ngoài ra, tình trạng nghẹt mũi 1 bên kéo dài có thể khiến bạn mất ngủ. Nghẹt 1 bên mũi khiến lượng không khí vào phổi sau mỗi nhịp hô hấp bị giảm làm bạn phải thở gắng sức hơn, nhanh hơn, thậm chí phải thở bằng miệng. Cơ thể thiếu oxy sẽ khiến bạn mệt mỏi, khó ngủ. Nhiều khi tình trạng nghẹt mũi 1 bên đi kèm với các biểu hiện khó chịu khác do các bệnh lý như viêm xoang gây ra còn khiến tình trạng mất ngủ của bạn trở nên trầm trọng hơn.
Đọc thêm:
- Đau mũi khi trời lạnh là bệnh gì? Phòng tránh được không?
- Viêm mũi dị ứng nên uống gì? 8 loại đồ uống tốt cho người bệnh
Nếu tình trạng nghẹt 1 bên mũi của bạn kéo dài, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cũng như để có biện pháp điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây để làm giảm bớt tình trạng nghẹt mũi 1 bên:
- Lấy tay bịt hai lỗ mũi càng lâu càng tốt rồi sau đó thả tay ra và hít thở sâu
- Ấn đầu lưỡi vào vòm miệng, sau đo chạm hai ngón tay trỏ và giữa lên trán giữa lông mày và mũi. Lặp lại quá trình này trong khoảng 20 giây.
- Gối đầu cao khi ngủ
- Uống trà nóng vào mùa lạnh để làm ấm cơ thể và tăng sức đề kháng
- Vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối
- Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ tránh bụi bẩn, vi khuẩn,...
- Duy trì chế độ nghỉ ngơi, ăn uống lành mạnh
Nghẹt mũi 1 bên là tình trạng hay gặp, tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài có thể là triệu chứng của bệnh lý nào đó. Vì vậy, trong trường hợp bạn bị nghẹt mũi 1 bên dai dẳng, bạn nên đi khám bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo:
1. Why Do I Sometimes Get Congested in One Nostril?
2. Why Does Your Nose Get Stuffy One Nostril at a Time?
3. How To Clear A Blocked Nose In Seconds