Nếu không chữa trị ung thư vú, thì các tế bào ung thư trong vú sẽ tiếp tục tăng trưởng. Chúng có thể lan đến các phần khác của cơ thể, như xương, gan hay phổi. Trường hợp này được gọi là ung thư vú di căn (secondary breast cancer).
Theo thời gian, các tế bào ung thư này có thể khiến một số bộ phận trong cơ thể bệnh nhân ngưng hoạt động, hoặc dẫn đến các vấn đề khác đe dọa đến tính mạng. Tốt hơn là ung thư vú được phát hiện trước khi nó lan đến các phần khác của cơ thể và bạn bắt đầu được điều trị càng sớm càng tốt.
Các phương pháp điều trị ung thư vú có chức năng gì?
Các phương pháp điều trị ung thư vú chớm phát (early breast cancer) có mục đích:
• Cắt bỏ khối u ung thư ở vú
• Diệt bất kỳ tế bào ung thư nào không thể nhìn thấy được
Phẫu thuật (surgery) Mục đích của phẫu thuật ung thư vú là để:
• Lấy ra khối u ung thư và một số mô khỏe mạnh xung quanh nó (đây được gọi là 'bờ phẫu thuật')
• Tìm hiểu thêm về ung thư vú bạn để đưa ra phác đồ điều trị sát nhất.
Các loại phẫu thuật chính gồm có:
- Phẫu thuật bảo tồn vú (breast conserving surgery)
Đây là việc lấy ra (cắt bỏ) phần vú nơi khối u ung thư nằm tại đó. Các từ ngữ khác cho phẫu thuật bảo tồn vú là phẫu thuật cắt bỏ khối u (lumpectomy), phẫu thuật cắt bỏ một phần vú (partial mastectomy) hoặc cắt bỏ rộng tại chỗ (wide local excision).
Loại phẫu thuật này thường được đề nghị nếu khối u ung thư nhỏ.
- Cắt bỏ vú
Đây là việc cắt bỏ (lấy ra) toàn bộ vú. Cắt bỏ hai bên vú là khi cả hai vú đều được cắt bỏ. Cắt bỏ vú thường được đề nghị nếu:
• Khối u ung thư lớn
• Trong vú có hơn một khối u ung thư.
Đôi khi, trước hết người phụ nữ có phẫu thuật bảo tồn vú và quyết định mổ cắt bỏ vú được đưa ra sau này. Việc này có thể xảy ra nếu:
• Báo cáo bệnh học cho thấy là các bờ xung quanh ung thư vú không sạch hết tế bào ung thư và trong vú vẫn còn các tế bào ung thư
• Ung thư vú trở lại cùng bên vú đó
• Bệnh nhân đã có xạ trị liệu cho bên vú đó.
Một số phụ nữ chọn phẫu thuật cắt bỏ vú là phẫu thuật đầu tiên của họ. Hãy nói chuyện với bác sĩ phẫu thuật của bạn về các lựa chọn của mình.
- Cắt bỏ (lấy ra) các hạch bạch huyết (lymph nodes)
Trong cuộc phẫu thuật ung thư vú, rất có thể là bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ (lấy ra) một hoặc nhiều hơn hạch bạch huyết từ nách (ở nách) để xem có còn bất kỳ tế bào ung thư nào trong đó không. Bệnh nhân có thể được phép chọn một trong các thủ thuật sau:
• Sinh thiết hạch gác (sentinel node biopsy) Đây là trường hợp khi hạch hay các hạch bạch huyết đầu tiên, nơi mà các tế bào ung thư có nhiều khả năng lan đến nhất, được lấy ra khỏi vú. Nếu các tế bào ung thư được tìm thấy trong các hạch được lấy ra, thì bệnh nhân có thể cần cuộc phẫu thuật thêm để lấy ra thêm một số hạch bạch huyết.
• Nạo hạch nách (axillary dissection) (còn được gọi là làm sạch nách) Từ 'axilla' nghĩa là nách. Nạo hạch nách là khi một số hoặc toàn bộ hạch bạch huyết ở nách được cắt bỏ (lấy ra). Bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ nói chuyện với bạn xem lựa chọn nào là tốt nhất.
- Tái tạo vú (breast reconstruction)
Nếu có cuộc phẫu thuật cắt bỏ vú, thì có thể bạn muốn nghĩ đến việc có một cuộc tái tạo vú.
Tái tạo vú có nghĩa là xây dựng lại hình dạng của vú sau khi có cuộc phẫu thuật vú.
Việc này được làm bằng cách sử dụng: một miếng độn được làm từ silicone hay dung dịch muối hoặc mô từ phần khác của cơ thể bạn, chẳng hạn như mỡ từ bao tử.
Hóa trị liệu sử dụng thuốc để diệt các tế bào ung thư mà có thể đã lan ra bên ngoài vú và khu vực nách không thể nhìn hay tìm thấy được. Hóa trị liệu điều trị toàn bộ cơ thể, không chỉ khu vực nơi u ung thư được tìm thấy.
Nó tiêu diệt các tế bào tăng trưởng nhanh, như ung thư, cũng như các tế bào bình thường tại những nơi như miệng, bao tử, ruột, da, tóc và tủy xương (bone marrow). Các tế bào bình thường này hồi phục qua thời gian. Sự tổn thương đến các tế bào bình thường gây nên các tác dụng phụ của hóa trị liệu.
Các tác dụng phụ có thể bao gồm cảm thấy muốn ói hay rụng tóc. Hóa trị liệu có thể giảm khả năng ung thư vú sẽ trở lại. Nó có thể cải thiện cơ hội sống sót được ung thư vú. Không phải tất cả mọi người bị ung thư vú đều sẽ có hóa trị liệu. Việc bệnh nhân có hóa trị liệu hay không, có thể tùy thuộc vào:
• Nguy cơ ung thư vú tái phát
• Nếu ung thư của bạn tăng trưởng do các loại kích thích tố
• Sức khỏe tổng quát của bệnh nhân
• Nhu cầu muốn thực hiện hoá trị liệu
Có các loại hóa trị liệu khác nhau. Hầu hết hóa trị liệu được thực hiện bằng cách sử dụng một mũi kim và ống để truyền thuốc qua tĩnh mạch của bạn. Phương pháp này được gọi là truyền tĩnh mạch. Một số hóa trị liệu được cho dùng bằng thuốc viên.
Mỗi loại đều có các tác dụng phụ khác nhau. Mỗi người phản ứng với tác dụng phụ một cách khác nhau. Một số tác dụng phụ thông thường nhất của hóa trị liệu là:
• Cảm thấy muốn ói (buồn nôn) hay nôn ói
• Trở nên rất mệt (mệt mỏi)
• Rụng tóc (tóc của bệnh nhân sau này sẽ mọc trở lại)
• Thấy khó suy nghĩ (đôi khi được gọi là 'chemobrain')
• Kinh nguyệt ngưng (mãn kinh).
Nếu như bạn muốn có con cái sau cuộc điều trị của mình, quan trọng là nói chuyện với bác sĩ chủ trị của mình trước khi bắt đầu hóa trị liệu, bởi nó có thể ảnh hưởng đến hai buồng trứng nghĩa là ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Hầu hết các tác dụng phụ của hóa trị liệu có thể quản lý được với sự giúp đỡ của bác sĩ hay y tá.
Xạ trị liệu sử dụng các tia X để diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể còn lại trong vú hay trong nách, sau phẫu thuật. Xạ trị liệu thường được đề nghị sau phẫu thuật bảo tồn vú.
Đôi khi, xạ trị liệu còn được đề nghị sau phẫu thuật cắt bỏ vú. Xạ trị liệu chỉ được dùng ở khu vực cần được điều trị.
Một khi xạ trị bắt đầu, người bệnh thường sẽ có các đợt điều trị ngày một lần, năm ngày một tuần, trong thời gian từ ba đến sáu tuần lễ. Xạ trị liệu thường không gây đau, nhưng có thể có một vài tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ thông thường nhất là:
• Da vú chỗ đang được điều trị có thể trở nên đỏ và khô như bị cháy nắng
• Da có thể trở nên sẫm màu và có thể tiếp tục như vậy trong vài tháng
• Cảm thấy mệt hơn bình thường trong suốt thời gian điều trị và trong vài tuần sau khi điều trị đã chấm dứt.
Có các tác dụng phụ khác nhưng ít thông thường hơn. Hãy nói chuyện với nhân viên xạ trị liệu hay nhân viên chăm sóc điều dưỡng về các cách để quản lý tác dụng phụ hay các quan ngại khác mà bạn có thể có.
Các liệu pháp kích thích tố (đôi khi được gọi là các liệu pháp nội tiết (endocrine therapies)) là các dược chất (thuốc men) cho phụ nữ mà ung thư vú của họ nhờ vào kích thích tố oestrogen để tăng trưởng.
Các liệu pháp kích thích tố ngăn chặn tế bào ung thư tăng trưởng. Các liệu pháp này làm giảm lượng oestrogen trong cơ thể, hoặc cản oestrogen đi vào các tế bào ung thư. Loại liệu pháp kích thích tố nào được đề nghị cho bệnh nhân sẽ tùy thuộc vào việc bệnh nhân đã hết kinh (mãn kinh) chưa. Liệu pháp kích thích tố là các thuốc viên được dùng hàng ngày, thường trong năm năm hoặc hơn.
Các loại liệu pháp kích thích tố chính:
• Tamoxifen: Tamoxifen cản kích thích tố oestrogen đi vào các tế bào ung thư vú. Điều này ngăn chặn các tế bào ung thư vú tăng trưởng. Tamoxifen có thể được dùng để điều trị phụ nữ thuộc bất kỳ tuổi tác nào, bất kể họ đã hết kinh (mãn kinh) chưa.
• Các chất ức chế (Aromatase Inhibitors) , như Arimidex, Femara, Aromasin
Các chất ức chế aromatase giảm lượng oestrogen trong cơ thể. Các loại thông thường nhất là Arimidex, Femara và Aromasin. Các chất ức chế Aromatase chỉ thích hợp cho các phụ nữ đã hết kinh vĩnh viễn (mãn kinh vĩnh viễn). Các liệu pháp kích thích tố thường được cho dùng sau các điều trị ung thư vú khác, như phẫu thuật, hóa trị liệu và xạ trị liệu.
Ngoài ra còn có phương pháp trị liệu đích. Các trị liệu đích là các dược chất (thuốc men) được sử dụng để trị một vài loại ung thư vú. Trị liệu đích thông thường nhất là dược chất Herceptin. Herceptin được dùng để trị ung thư vú HER2 dương tính.
Điều này có nghĩa là các tế bào ung thư có lượng đạm HER2 cao hơn bình thường. Herceptin tác dụng bằng cách ngăn chặn các tế bào ung thư tăng trưởng và phân chia. Cứ trong năm phụ nữ bị ung thư vú thì có một người bị ung thư vú loại HER2 dương tính.
Herceptin được thực hiện bằng cách sử dụng một mũi kim và ống để truyền thuốc qua tĩnh mạch của người bệnh (truyền tĩnh mạch). Thuốc này được y tá hay bác sĩ cho dùng, mỗi tuần một lần hoặc ba tuần một lần, cho tổng cộng mười hai tháng.