Ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản

Ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản
Bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản có thể kích hoạt các cơn hen và triệu chứng của bệnh. Do đó, bệnh nhân mắc hen cần cực kỳ lưu ý đối với căn bệnh cúm này.

Bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản được xem là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của những người bị bệnh này. Nó là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hen phế quản.  

1. Mối liên hệ giữa bệnh hen phế quản và bệnh cúm

Những người mắc bệnh hen phế quản có nguy cơ cao bị biến chứng cúm nghiêm trọng. Điều này xảy ra ngay cả khi bệnh hen phế quản nhẹ hoặc các triệu chứng đã được kiểm soát bằng thuốc.

Nguyên nhân là bởi những người mắc bệnh hen phế quản có đường hô hấp bị sưng và nhạy cảm. Do đó, bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản có thể khiến tình trạng viêm đường hô hấp trở nên nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản còn có thể kích hoạt và làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen phế quản. Đồng thời, nó cũng có thể dẫn đến viêm phổi và các bệnh hô hấp cấp tính khác. 

Trên thực tế, người lớn và trẻ em bị hen phế quản có khả năng cao mắc viêm phổi sau khi bị cúm hơn những người không mắc bệnh. Trong đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao hơn so với người lớn.

Ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản - Ảnh 2.

Các triệu chứng của hen phế quản - Ảnh minh họa

2. Phòng tránh bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản

Tiêm phòng cúm là biện pháp phòng tránh cần thiết đối với bệnh nhân hen phế quản. Thông thường, vắc-xin cúm được cập nhật theo mùa để bắt kịp với sự thay đổi của vi-rút. Do đó, bệnh nhân hen phế quản cần được tiêm phòng hàng năm để bảo vệ mình khỏi bệnh cúm.

Vắc- xin cúm thường bao gồm các loại sau: 

Vắc-xin đường tiêm: Loại vắc-xin này thường được sử dụng cho các đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên. Chúng có thể dùng cho cả người có hoặc không có tiền sử bệnh hen phế quản

Vắc-xin xịt mũi (LAIV): Đây là lựa chọn dành cho các đối tượng từ 2 đến 49 tuổi. Tuy nhiên, loại vắc-xin này lại không được khuyến khích cho phụ nữ có thai và bệnh nhân hen phế quản. Bởi LAIV có thể làm tăng các triệu chứng khò khè, đặc biệt là ở trẻ em dưới 4 tuổi. Do đó, bệnh nhân hen phế quản cần xin ý kiến của các sĩ trước khi dùng vắc-xin này. 

Vắc-xin phế cầu khuẩn: Bệnh nhân hen phế quản cũng cần các loại vắc-xin phế cầu khuẩn. Bởi nó sẽ giúp chống lại các căn bệnh như viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng máu. Trong đó, viêm phổi do phế cầu khuẩn là một biến chứng nghiêm trọng gây tử vong của bệnh cúm.

3. Các phương pháp điều trị bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản

Bệnh cúm có thể tấn công bệnh nhân mắc hen phế quản bất cứ lúc nào. Thông thường, bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus. Thuốc sẽ ức chế hoạt động của vi-rút và giảm bớt tình trạng viêm.

Ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản - Ảnh 3.

Điều trị cúm ở bệnh nhân hen phế quản - Ảnh minh họa

Ngoài ra, thuốc kháng virus cũng là một biện pháp quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng của bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản.

Tùy vào chủng cúm người bệnh mắc phải mà các bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp. Các loại thuốc này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp chung với nhau. Các loại thuốc chống virus phổ biến nhất bao gồm:

- Tamiflu (oseltamivir).

- Relenza (zanamivir).

- Rapivab (peramivir).

Theo nguyên tắc chung, bệnh nhân hen suyễn mắc cúm nên được điều trị trong thời gian sớm nhất. Thông thường, thời gian điều trị là trong vòng từ 24 đến 48 giờ kể từ triệu chứng đầu tiên.

Những người mắc bệnh hen phế quản cũng có thể lựa chọn điều trị bằng thuốc kháng virus dù chưa có triệu chứng cúm cụ thể. Điều này thường được thực hiện trong trường hợp người bệnh từng tiếp xúc với virus.

Phương pháp điều trị dự phòng này được điều trị với mục đích ngăn chặn tình trạng viêm, nhiễm trùng,… Điều trị dự phòng nên được tiến hành ít nhất là sau 48 giờ tiếp xúc với virus. Đồng thời, việc điều trị cũng sẽ được thực hiện liên tục trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần.  

Ngăn ngừa là điều trị cúm là vấn đề cần quan tâm hàng đầu ở bệnh nhân hen phế quản. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn nắm được cách đẩy lùi bệnh cúm ở bệnh nhân hen phế quản và các biến chứng của nó.

Nguồn: https://www.aafa.org/influenza-flu-triggers-asthma-complications/

https://www.verywellhealth.com/the-flu-and-asthma-200595 

https://www.cdc.gov/flu/highrisk/asthma.htm 


Tác giả: Thùy Dung