Ngăn ngừa nôn trớ ở trẻ nhỏ thế nào mới đúng?

Ngăn ngừa nôn trớ ở trẻ nhỏ thế nào mới đúng?
Có rất nhiều biện pháp được các bà mẹ chia sẻ để ngăn ngừa nôn trớ ở trẻ nhỏ nhưng không phải biện pháp nào cũng mang lại hiệu quả. Hãy lắng nghe tư vấn từ chuyên gia bệnh nhi về các phương pháp này.

Nôn trớ là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và thường kéo dài khoảng 6, 7 tháng, thậm chí là cả năm đầu tiên sau sinh. Sau đó, hiện tượng này sẽ dần được khắc phục do sự hoàn thiện của dạ dày, cơ bụng và hệ tiêu hóa của bé.

Hầu hết chúng ta đều bỏ túi nhiều phương pháp giúp ngăn ngừa nôn trớ ở trẻ nhỏ nhưng không phải biện pháp nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Tiến sĩ Cao Thị Thu Hương từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ hướng dẫn bố mẹ một vài biện pháp sau đây:


1. Tư thế bế trẻ đúng để ngăn ngừa nôn trớ ở trẻ nhỏ

Sai lầm mà nhiều mẹ mắc phải là cho con nằm bú hoặc đặt con nằm ngay sau khi bú. Đây chính là tư thế rất dễ khiến trẻ bị nôn trớ.

Ảnh 2.

Tư thế cho con bú có ảnh hưởng lớn trong ngăn ngừa nôn trớ ở trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

Nhiều mẹ chia sẻ với nhau kinh nghiệm bế bé ngẩng cao đầu để ngăn ngừa nôn trớ ở trẻ nhỏ nhưng đây chưa phải cách hữu hiệu trong mọi trường hợp nếu không bế bé đúng cách. Bế bé ngẩng quá cao có thể khiến con nuốt phải nhiều không khi vào dạ dày.

Khi không khí đi vào dạ dày quá nhiều sẽ làm tăng thể tích trong dạ dày, dễ đẩy thức ăn ra ngoài để lấy vị trí chứa không khí. 

Vì vậy, nguyên tắc của phương pháp hạn chế nôn trớ ở trẻ nhỏ này là loại bỏ không khí trong dạ dày ra ngoài trước khi cho bé bú. Cách làm khá đơn giản, mẹ chỉ cần bế ép bụng bé lên vai cho đến khi nghe thấy tiếng "ợ" là được.

2. Lưu ý khi sử dụng thuốc chống nôn trớ

Bản chất của loại thuốc này là giảm sự co bóp của cơ trơn dạ dày nên có thể hạn chế nôn trớ ở trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh thường cho bé dùng loại thuốc này sau mỗi bữa ăn. 

Ảnh 3.

Dùng thuốc đúng cách để không làm hại đến hệ tiêu hóa của trẻ (Ảnh: Internet)

Một lưu ý đặc biệt khi cho trẻ dùng thuốc là dù bé có ăn nhiều bữa nhưng không cho bé uống thuốc quá 3 lần một ngày. 

Bố mẹ cũng cần tham khảo rất kĩ ý kiến của bác sĩ, không nghe theo những chia sẻ của bạn bè, người thân không có chuyên môn về dinh dưỡng để tránh các phản ứng phụ không mong muốn.

3. Không nên cho trẻ sử dụng tinh bột quá sớm

Ảnh 4.

Không nên cho bé ăn dặm quá sớm (Ảnh: Internet)

Vì trẻ thường nôn trớ nên nhiều mẹ quyết định cho bé ăn bột sớm. Do là tinh bột dạng đặc nên cách này có thể hạn chế nôn trớ ở trẻ nhỏ, nhưng nếu cho bé ăn khi chưa đến tuổi ăn dặm là hoàn toàn không tốt. 

Hệ thống tiêu hóa của bé dưới 6 tháng vẫn chưa hoàn thiện và chưa đủ lượng men trong dạ dày của bé để có thể tiêu hóa thức ăn dạng bột. Cách làm này của một số mẹ có thể khiến bé gặp các vấn đề tiêu hóa như nghẹn thức ăn,...

Tác giả: Trương Thị Mỹ Duyên