Nên vệ sinh mũi vào thời điểm nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Nên vệ sinh mũi vào thời điểm nào?
Viêm mũi dị ứng có thể biến chứng thành những căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Vì thế vệ sinh mũi đúng cách hằng ngày, đúng thời điểm là cách đơn giản dễ làm nhất giúp loại bỏ vi khuẩn trong khoang mũi để bảo vệ sức khỏe.

Từ lâu trước đây, hầu hết chúng ta chỉ bị bệnh khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu. Tuy nhiên giờ đây, sự gia tăng mạnh mẽ của vi khuẩn, tác nhân gây dị ứng và khí thải độc hại do tình trạng không khí ô nhiễm nghiêm trọng khiến con người phải đối mặt với nguy cơ mắc các loại bệnh phức tạp với mức độ cao, đặc biệt là các bệnh về tai mũi họng.

1. Tác dụng của việc vệ sinh mũi

Trên thực tế, rất nhiều người hiện nay đang chủ quan với dấu hiệu nhỏ như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi. Thực ra những triệu chứng trên lại là những biểu hiện ban đầu của nhiều bệnh nguy hiểm liên quan đến hệ hô hấp. Vì vậy, việc vệ sinh mũi đúng cách hằng ngày, đúng thời điểm là cách đơn giản dễ làm nhất giúp loại bỏ vi khuẩn trong khoang mũi để bảo vệ sức khỏe.

Không chỉ hạn chế các triệu chứng gây khó chịu tới cơ thể như chảy nước mũi hay rỉ mũi khiến ngạt mũi khó thở. Việc vệ sinh mũi hằng ngày còn có tác dụng ngăn chặn rất nhiều vi khuẩn xâm nhập xuống vùng hầu họng, phòng ngừa các bệnh lây lan qua đường hô hấp, bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang một cách hiệu quả.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp vệ sinh mũi khác nhau. Nhưng sử dụng những vật dụng xịt rửa mũi với dung dịch có sẵn hoặc nước muối sinh lý là đơn giản, thuận tiện và nhanh nhất để vệ sinh mũi tại nhà. Vậy thời điểm nào là tốt nhất để thực hiện việc vệ sinh mũi giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa viêm mũi dị ứng?

2. Khi nào nên thực hiện vệ sinh mũi?

2.1. Sau khi từ đường về nhà

Việc thực hiện vệ sinh mũi sau khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm ngoài đường là rất cần thiết. Rửa mũi bằng dung dịch có sẵn hoặc nước muối sinh lý sẽ làm sạch tất cả bụi bẩn ra khỏi mũi, giúp ngăn chặn các tác nhân gây kích thích xâm nhập vào cơ thể, ngăn ngừa và giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.

2.2. Vệ sinh mũi khi ngồi điều hòa nhiều

Sử dụng điều hòa quá nhiều sẽ gây ra các tình trạng khó chịu, đặc biệt là mũi bị khô ở cả người lớn và trẻ em. Việc vệ sinh mũi lúc này sẽ giúp đem lại niêm mạc ẩm cho mũi, khiến hít thở thông thoáng và dễ chịu.

Ngoài ra, áp dụng phương pháp này sẽ giúp làm sạch các vi khuẩn, bụi bẩn bám trong khoang mũi. Từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về hô hấp, phòng ngừa các biến chứng của viêm xoang, viêm mũi dị ứng.

2.3. Buổi sáng khi thức dậy

Cũng tương tự đánh răng rửa mặt mỗi ngày sau khi thức dậy, việc sử dụng dung dịch có sẵn hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh mũi ngay khi thức dậy giúp làm sạch mũi, tránh các tác nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng hiệu quả.

2.4. Khi tiếp xúc với môi trường nhiều vi khuẩn, bụi bặm

Việc vệ sinh mũi sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, các môi trường nhiều vi khuẩn bao gồm khói thuốc, nấm mốc, bụi bẩn, vi khuẩn trong hồ bơi… là rất cần thiết. Thực hiện xịt rửa vệ sinh mũi có thể góp phần đào thải, rửa trôi những tác nhân gây dị ứng hoặc gây độc hại, từ đó ngăn ngừa viêm mũi dị ứng, viêm xoang tái phát.

2.5. Vệ sinh mũi khi bị bệnh lý hô hấp

Khi gặp các dấu hiệu như mũi bị nghẹt do tăng tiết dịch nhờn, sổ mũi thì việc vệ sinh mũi sẽ giúp phần giúp làm loãng dịch tiết mũi. Ngoài ra, nó còn giúp tăng cường kháng khuẩn, kháng viêm, làm thông mũi và hỗ trợ điều trị các triệu chứng của viêm mũi dị ứng hiệu quả.

Theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng khuyến cáo, mọi gia đình đều nên chủ động hình thành thói quen vệ sinh mũi hàng ngày bằng dung dịch có sẵn hoặc nước muối sinh lý khi có các triệu chứng viêm mũi dị ứng, viêm xoang, cảm cúm... để ngăn ngừa tình trạng biến chuyển nghiêm trọng hơn.


Tác giả: Anh Dũng