Nên uống thuốc nội tiết khi nào? Phụ nữ cần hiểu đúng để tránh lạm dụng

Nên uống thuốc nội tiết khi nào? Phụ nữ cần hiểu đúng để tránh lạm dụng
Là phụ nữ, ai cũng ít nhất trải qua một vài lần bị rối loạn nội tiết tố trong đời. Để hỗ trợ điều trị chứng bệnh này, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung thuốc nội tiết. Vậy khi nào cần sử dụng thuốc nội tiết? Câu trả lời sẽ được tiết lộ trong bài viết ngay sau đây!

1. Thuốc nội tiết có chứa hormone estrogen

Estrogen là một loại hormone sinh dục của nữ giới. Ở tuổi dậy thì hormone sinh dục kích thích ngực của nữ giới phát triển và hình thành chu kỳ kinh nguyệt. Loại hormone này có tác dụng điều hòa chu kì "đèn đỏ", cân bằng nồng độ cholesterol, giúp hệ xương chắc khỏe hơn.

Nếu hormone estrogen bị rối loạn, mất cân bằng sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Estrogen thấp, phụ nữ sẽ có dấu hiệu giảm kinh nguyệt và xuất hiện các triệu chứng tiền mãn kinh như: nóng trong người, mất ngủ, suy giảm chức năng tình dục, tâm trạng không ổn định, da xấu. Trong khi đó, hàm lượng estrogen cao dẫn tới tăng cân đột biến, kinh nguyệt không đều, xuất hiện hội chứng tiền kinh nguyệt.

Ảnh 2.

Thuốc nội tiết có chứa hormone estrogen hỗ trợ điều trị bệnh vô sinh, hiếm muộn (Ảnh: Internet)

Khi xuất hiện những biểu hiện bất thường của cơ thể, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra nồng độ estrogen thông qua xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Khi có kết quả, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc thích hợp.

Một số nữ giới có tử cung kém phát triển sẽ được chỉ định sử dụng thuốc nội tiết chứa thành phần chủ yếu là estrogen để điều hòa nội tiết tố. Ngoài ra, loại hormone này còn được sử dụng trong các ca điều trị thai lưu. Estrogen làm cơ tử cung co bóp nhiều hơn để đẩy thai lưu ra ngoài.

Không những thế, hormone estrogen còn có tác dụng làm niêm mạc tử cung phát triển nên những trường hợp chu kỳ kinh nguyệt dài ngày sẽ được chỉ định estrogen để điều hòa kinh nguyệt. Thuốc nội tiết chứa thành phần estrogen giúp tái tạo, kích thích cổ tử cung phát triển, tăng tiết chất nhầy cổ tử cung để tinh trùng dễ xâm nhập. Đồng thời, loại thuốc này đã được ứng dụng trong điều trị hiếm muộn, vô sinh ở nữ.

Ngoài những trường hợp trên, hormone estrogen được bác sĩ chỉ định để hỗ trợ trong trường hợp phụ nữ bị viêm âm đạo, teo âm đạo, ngứa âm hộ, kích thích sự phát triển môi lớn, môi bé và tăng sự phát triển của tuyến sữa.

2. Loại thuốc nội tiết có chứa progestin

Progestin là loại hormone steroid có tác dụng kích thích thụ thể progesteron, mỗi một progestin có chứa progesteron sẽ ức chế sự phát triển của cơ tử cung, nhất là những tổ chức hình thành nhân xơ tử cung. Vì vậy, thuốc nội tiết progestin áp dụng để điều trị bệnh nhân mắc bệnh u xơ tử cung với trường hợp u xơ còn nhỏ, chưa phát triển.

Ảnh 3.

Thuốc nội tiết có chứa progestin được sử dụng trong điều trị các bệnh lý về tử cung (Ảnh: Internet)

Trái ngược với estrogen, hormone progestin có tác dụng làm giảm những nhạy cảm ở cơ tử cung, giúp an thai, điều trị teo niêm mạc tử cung, chữa bệnh ung thư niêm mạc tử cung và di căn ung thư niêm mạc tử cung.

Thuốc nội tiết chứa thành phần progestin và estrogen có thể được sử dụng để điều trị hiếm muộn, vô sinh cho nữ giới, tái tạo niêm mạc tử cung, chuẩn bị tổ cho trứng đã được thụ tinh. Đồng thời, hormone progestin đã được lựa chọn là một phương pháp thuốc tránh thai khá hiệu quả.

Tuy estrogen và progestin có những công dụng tuyệt vời trong việc điều hòa nội tiết tố nữ nhưng chị em không nên tùy ý mua thuốc về sử dụng. Lý do bởi thuốc sẽ có những tác dụng phụ không thể ngờ tới. Vì vậy, nếu như có nhu cầu sử dụng thuốc, phái nữ nên đi khám nội tiết, làm các xét nghiệm cần thiết. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn về liều lượng cũng như thời gian sử dụng.

Đối với phụ nữ thời kỳ mãn kinh, lượng hormone estrogen và progestin sản sinh ra rất ít. Vì vậy, phụ nữ ở độ tuổi này sẽ gặp phải những tình trạng như người nóng bừng, khô rát âm đạo, giảm ham muốn tình dục… Do đó, để cân bằng nồng độ hormone trong cơ thể bác sĩ thường sẽ kê thuốc nội tiết có thành phần chứa 2 loại hormone này để điều trị.

Tác giả: Minh Nghiêm