Nên hay không tiếp tục cho người nhà vào thăm bệnh nhân thời dịch bệnh?

Nên hay không tiếp tục cho người nhà vào thăm bệnh nhân thời dịch bệnh?
Trong đợt lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 này, Việt Nam có nhiều bệnh nhân nặng, đa phần là người cao tuổi, có bệnh lý nền nặng. Vì vậy, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, thời điểm này chúng ta không nên đến bệnh viện để hạn chế việc tiếp xúc, bảo vệ người có yếu tố nguy cơ bệnh nặng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh Covid-19 thường diễn biến nặng hơn ở những người trên 60 tuổi hoặc những người có các bệnh nền về tim, phổi, đái tháo đường hoặc các bệnh gây ảnh hưởng hệ miễn dịch.

Trong ngày 31/7 và 1/8, Việt Nam đã ghi nhận 3 ca đầu tiên tử vong vì Covid-19. BN428 (70 tuổi, ở Quảng Nam) không qua khỏi vì nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19. Trường hợp còn lại là BN437 (61 tuổi, ở TP Đà Nẵng) không qua khỏi do sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn hô hấp trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19.

Bên cạnh đó, theo Tiểu ban Điều trị, các bệnh nhân đang tiên lượng rất nặng và có nguy cơ tử vong cao bao gồm: BN416, 418, 431, 436, 438,… Một số bệnh nhân có diễn biến nặng lên: BN429, 426, 427, 430, 422, 433,… Hiện trong số 182 bệnh nhân đang điều trị, có 20 bệnh nhân nặng, nguy kịch, 22 bệnh nhân có tiến triển nặng lên.

Trong thời điểm dịch có những diễn biến khó lường và đe dọa sức khỏe của nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi có yếu tố bệnh nền, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, thời điểm này không nên đi thăm bệnh nhân, không đi khám bệnh, tuyệt đối không đến bệnh viện nếu không thực sự cấp bách.

Bởi, trong trường hợp không may những người đến thăm hoặc người nuôi bệnh nhân mang mầm bệnh Covid-19 thì bệnh nhân, nhất là những người bệnh nặng “lãnh đủ”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Người thăm bệnh nếu mang mầm bệnh Covid-19 thì bệnh nhân, nhất là những người bệnh nặng “lãnh đủ” - Ảnh 1.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1

1. Thời điểm này ai cũng có thể mang mầm bệnh Covid-19

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, thời điểm này ai cũng có thể mang mầm bệnh Covid-19. Những người có triệu chứng nhiễm Covid-19, những người nhiễm bệnh Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng, những người tiếp xúc với nguồn lây nhiễm và ngay cả những người khỏe mạnh cũng có nguy cơ mang mầm bệnh Covid-19.

Hiện tại chúng ta chưa xác định được nguồn lây nhiễm nên virus SARS-CoV-2 có khả năng tồn tại ngay cạnh chúng ta. Rất có thể, nhiều người mang virus gây bệnh Covid-19 tồn tại trong cộng đồng mà không phát hiện được. Vì thế, giai đoạn này chúng cần hết sức thận trọng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Người thăm bệnh nếu mang mầm bệnh Covid-19 thì bệnh nhân, nhất là những người bệnh nặng “lãnh đủ” - Ảnh 2.

Thời điểm này ai cũng có thể mang mầm bệnh Covid-19 (Ảnh Internet)

2. Bảo vệ người lớn tuổi và người có nguy cơ bệnh nặng bằng cách nào?

Tất cả mọi người đều được bảo vệ và tự bảo vệ. Tuy nhiên nhóm người cao tuổi, bệnh nền có yếu tố nguy cơ bệnh nặng thì cần được bảo vệ tốt hơn.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nhóm người “cơ địa đặc biệt cần được phòng ngừa chặt tại nhà và nhất là trong bệnh viện”. Để bảo vệ người lớn tuổi và người có nguy cơ bệnh nặng bác sĩ Khanh khuyên chúng ta cần chú ý những điểm sau:

Đối với bệnh nhân nặng đang điều trị trong bệnh viện:

Hạn chế đến thăm, chỉ nên gọi điện thoại.

Thông thường, các khoa điều trị bệnh nặng rất kín và đông. Vì lý do này nên phải điều hòa bật liên tục. Theo đó, trong trường hợp nếu vô tình có một người mang mầm bệnh, virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại rất lâu trong không khí, nguy cơ những người bệnh đang điều trị nhiễm virus là rất cao.

Trong trường hợp cần thiết nếu vào thăm phải đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng thật cẩn thận.

Đối với người lớn tuổi và người có bệnh nền đang ở nhà:

Khuyên những người lớn tuổi nên ở nhà, không nên ra ngoài vào thời điểm bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 

Bản thân mỗi người nếu có về nhà, tiếp xúc với người lớn tuổi, người có bệnh nền thì một lần nữa phải suy nghĩ lại xem liệu có an toàn không. Tốt nhất nên hạn chế tiếp xúc để “phòng thủ” tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Người thăm bệnh nếu mang mầm bệnh Covid-19 thì bệnh nhân, nhất là những người bệnh nặng “lãnh đủ” - Ảnh 3.

Những người trên 60 tuổi và người có bệnh nền nguy cơ cao nhiễm Covid-19 nặng (Ảnh Internet)

3. Thời điểm này cần làm gì để dịch Covid-19 không tiếp tục lây lan mạnh trong cộng đồng?

Trong thời điểm, cả nước đặc biệt là Đà Nẵng đang phải gồng mình chống lại dịch Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên tất cả chúng ta cần:

Khai báo y tế và hợp tác

Khai báo y tế và hợp tác với chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch. Nếu được yêu cầu xét nghiệm, cách ly y tế cần nghiêm túc thực hiện.

Xác đinh chính xác mình đang là F mấy

- Cách xác định cụ thể như sau:

F1: Là người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 hoặc người trực tiếp đến vùng dịch (Đà Nẵng).

F2: Là người tiếp xúc với người F1.

Thời điểm này người đi từ Đà Nẵng về được coi là F1. Nếu bản thân tiếp xúc với người từ Đà Nẵng về thì mình là F2. Bắt buộc phải đeo khẩu trang tránh trường hợp mầm bệnh phát tán ra cộng đồng. Trường hợp F1 đã xét nghiệm âm tình thì F2 không nằm trong hàng F nữa.

Nếu không nằm trong hàng F, cũng phải áp dụng các bệnh pháp phòng bệnh. Theo thống kê, có hàng chục ngàn người trên khắp cả nước trở về từ Đà Nẵng, ở thời điểm hiện tại không có nơi nào là chắc chắn an toàn 100%. Vì vậy, dù không ở trong hàng F cũng phải chú ý phòng bệnh Covid-19.

Đeo khẩu trang và thường xuyên rửa sạch tay

Không có cách nào khác để tránh virus SARS-CoV-2 không xâm nhập vào mũi, miệng, mắt ngoài việc đeo khẩu trang và rửa sạch tay bằng xà phòng. Về khẩu trang, có thể chọn khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế. Nếu đeo khẩu trang y tế cần đeo đúng cách.

Chúng ta đã trải qua 2 giai đoạn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Trong giai đoạn đầu, khi các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Vĩnh Phúc, tất cả mọi người đều căng thẳng, tuy nhiên sau đó dịch được khoanh vùng, không bùng phát. Giai đoạn hai đến vào thời điểm một số công dân từ nước ngoài đã nhiễm bệnh Covid-19 trở về. Lúc đầu số ca nhiễm tăng nhanh sau đó giảm dần, trong 99 ngày chúng ta không có ca nhiễm ngoài cộng đồng.

Ở giai đoạn thứ 3 này, số ca nhiễm và ca diễn biến nặng tăng nhanh hơn từng ngày, tình hình dịch bệnh được đánh giá hết sức phức tạp. Vì vậy muốn “đánh thắng trận chiến” này rất cả chúng ta đều cần phải đồng lòng. Từng người, từng nhà, từng xóm,...bảo ban nhau phòng bệnh, yếu tố riêng tư và quyền cá nhân thời điểm này nên được gạt sang một bên.

Tác giả: Trang Lê