Trong các phương pháp chữa viêm VA, nạo viêm VA không chỉ có giá trị điều trị bệnh nhanh chóng mà còn có tác dụng dự phòng tái phát bệnh trong tương lai. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại rất nhiều các quan niệm sai lầm xung quanh phương pháp điều trị này khiến nhiều người e ngại, hoặc lo lắng khi phải nạo viêm VA.
Nạo viêm Va là phương pháp được chỉ định chủ yếu cho các bệnh nhân mắc viêm VA mãn tính. Còn đối với các bệnh nhân mắc viêm VA cấp tính thì việc sử dụng phương pháp này là rất hạn hữu, chỉ trừ khi tình trạng viêm quá nặng nề.
Mặc dù là phương pháp điều trị thường xuyên sử dụng cho các bệnh nhân bị viêm VA mãn tính. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tất cả các bệnh nhân viêm VA mãn tính đều cần phải nạo VA. Phương pháp này chỉ được chỉ định khi viêm VA tái phát nhiều lần trong năm, viêm VA gây biến chứng tại các cơ quan khác (tai, mũi, họng, khớp, tim,...) hoặc viêm VA quá phát gây chèn ép đường thở của người bệnh.
Còn đối với các trường hợp khác thì việc nạo viêm VA là điều không cần thiết dù trẻ có bị viêm VA mãn tính. Bởi tổ chức này sẽ tự tiêu biến khi trẻ lên 5 - 6 tuổi.
Trong một số trường hợp, phẫu thuật nạo viêm VA có thể bị chống chỉ định cho bệnh nhân bởi khi này nguy cơ khi phẫu thuật là cao hơn so với lợi ích có thể đạt được.
Đặc biệt khi người bệnh có các rối loạn đông máu tạm thời hoặc bệnh lý khó đông máu bẩm sinh thì nạo viêm VA sẽ bị chống chỉ định tuyệt đối. Phẫu thuật chỉ được xem xét trở lại sau khi đã điều chỉnh các yếu tố đông máu đạt chuẩn theo đúng yêu cầu.
Còn đối với các trường hợp người bệnh đang mắc đợt cấp của viêm VA mãn tính, nhiễm các loại virus, mắc các bệnh lý mãn tính, ... thì vấn đề phẫu thuật cần xem xét một cách thận trọng trước khi thực hiện.
Đọc thêm:
- Từ A-Z những điều cần biết về bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em
- Cách chữa ho lâu ngày cho trẻ em tại nhà hiệu quả ngay tức thì
Hiện nay có khá nhiều phương pháp nạo viêm VA khác nhau đang được ứng dụng trên thực tế, bao gồm các phương pháp phẫu thuật kinh điển cho đến những kỹ thuật mới, hiện đại. Tuy vậy, các kỹ thuật nạo viêm VA thường được dùng trên thực tế có thể kể đến như:
- Phẫu thuật nạo viêm VA kinh điển: Người bệnh được gây mê trước khi đưa dụng cụ vào để nạo VA. Cách thực hiện đơn giản hơn so với các phương pháp khác, nhưng nguy cơ chảy máu của phương pháp này cao hơn và thời gian lành vết thương cũng dài hơn.
- Nạo viêm VA bằng dao điện: Là phương pháp sử dụng nhiệt độ được sinh ra từ dòng điện để bóc, cắt tổ chức VA. Ít gây chảy máu do các mạch máu bị đốt cháy ngay lập tức, nhưng dễ gây bỏng điện nếu phẫu thuật viên không có kỹ thuật tốt.
- Nạo viêm VA bằng dao siêu âm: Phương pháp nạo viêm VA này sử dụng một lưỡi dao rung với tần số rất lớn, có thể lên đến 50000Hz để cắt bỏ tổ chức VA.
- Phương pháp nạo Coblator: Là phương pháp phẫu thuật viêm VA nhanh chóng, ít tổn thương, ít gây đau và ít gây chảy máu.
Nạo viêm VA nhìn chung là một phẫu thuật không phức tạp, dễ thực hiện và ít khi gây biến chứng. Tuy vậy, cũng giống với bất kỳ một biện pháp điều trị nào khác, phẫu thuật nạo viêm VA cũng tiềm ẩn những nguy cơ biến chứng khác nhau. Trong các biến chứng của phẫu thuật nạo viêm VA, chảy máu và nhiễm trùng được xem là hai biến chứng thường gặp nhất trên thực tế.
Nguyên nhân của việc xảy ra biến chứng sau phẫu thuật nạo viêm VA như chảy máu hay nhiễm trùng thường xảy ra do kỹ thuật thực hiện không chuẩn và chăm sóc sau phẫu thuật không đúng cách gây nên.
Với biến chứng chảy máu, có thể được phát hiện đơn giản bằng tình trạng thấy máu chảy ra từ vết mổ, bệnh nhân khạc nhổ ra máu,... Còn với biến chứng nhiễm trùng, bệnh nhân có thể có các biểu hiện sốt, đau tăng lên sau phẫu thuật, hơi thở hôi, ...
Ngoài ra, một số biến chứng khác cũng có thể gặp sau phẫu thuật nạo viêm VA có thể kể đến như ngủ ngáy, thay đổi giọng nói, choáng váng sau phẫu thuật,...
Hiệu quả của phẫu thuật viêm VA không chỉ quyết định bởi kỹ thuật phẫu thuật được sử dụng, trình độ bác sĩ hay trang thiết bị hỗ trợ mà còn phụ thuộc vào chế độ chăm sóc sau phẫu thuật. Chăm sóc đúng cách giúp đảm bảo vết mổ lành nhanh, người bệnh nhanh bình phục, ít biến chứng. Ngược lại, chăm sóc không đúng cách làm gia tăng nguy cơ biến chứng và nguy hiểm cho bệnh nhân.
Một số chăm sóc cơ bản dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật nạo viêm VA:
- Giảm đau cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật nạo viêm VA bằng thuốc giảm đau paracetamol khi bệnh nhân đau nhiều, đau kéo dài.
- Khi có sốt sau phẫu thuật nạo viêm VA, tiến hành hạ sốt bằng lau mát cho người bệnh hoặc sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cao hơn 38,5 độ C.
- Vệ sinh miệng họng đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy cơ nhiễm trùng, giảm ảnh hưởng xấu lên vết thương, hạn chế hơi thở có mùi khó chịu.
- Tăng cường sử dụng các loại thức ăn như cháo, súp, nước ép táo, thức ăn mềm cho bệnh nhân. Tránh cho người bệnh sử dụng các loại thức ăn như các loại thức ăn có vị chua, các loại thức ăn cứng,... để không gây ảnh hưởng xấu lên vết thương.
- Khi phát hiện ra các biểu hiện nghi ngờ biến chứng của nạo viêm VA như chảy máu nhiều, sốt, đau kéo dài và tăng dần,... thì nên đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân sau viêm VA thường có thể trở về với sinh hoạt, học tập bình thường khá nhau sau phẫu thuật, chỉ từ sau 1-3 ngày. Tuy vậy, để vết thương thực sự lành lại thì có thể sẽ cần đến thời gian kéo dài 10 ngày hoặc thậm chí lâu hơn nếu như có biến chứng xảy ra, chẳng hạn như tình trạng nhiễm trùng vết mổ.
Do đó, khi vết mổ bị chậm lành hơn nhiều so với thời gian liền thương bình thường. Bệnh nhân nên đi khám để xác định các bất thường gây nên tình trạng chậm liền vết thương nếu có.
Mặc dù nạo viêm VA được xem là phương pháp điều trị dứt điểm cho các trường hợp viêm VA mãn tính, và có tác dụng phòng tránh bệnh tái phát. Nhưng trên thực tế, vẫn có những bệnh nhân bị tái phát viêm VA dù đã thực hiện phẫu thuật nạo viêm VA trước đó.
Nguyên nhân của hiện tượng tái phát bệnh sau khi nạo viêm VA được cho là do tuyến VA vẫn còn trong thời kỳ phát triển hoặc do một phần của tuyến VA bị sót lại khi thực hiện phẫu thuật. Điều này khiến bệnh nhân vẫn có thể tái phát bệnh viêm VA.
Do đó, kể cả đối với các trường hợp đã từng được thực hiện nạo viêm VA thì cũng không nên chủ quan, bỏ sót căn bệnh này khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh tái phát.
Qua đây có thể thấy rằng, phẫu thuật nạo viêm VA là một phương pháp điều trị hiệu quả cao, lâu dài và giúp ngăn chặn bệnh tái phát. Tuy nhiên, chỉ định thực hiện viêm VA cần phải được thực hiện một cách thận trọng để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và hiệu quả điều trị.