Nạo viêm VA: Chỉ định và chống chỉ định

Nạo viêm VA: Chỉ định và chống chỉ định
Không phải bất kỳ trường hợp viêm VA nào cũng cần được thực hiện nạo viêm VA. Thực hiện phẫu thuật không đúng chỉ định không những không giúp ích cho người bệnh mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Hiện nay việc nạo viêm VA để điều trị cho các bệnh nhân viêm VA là lựa chọn rất phổ biến. Nhưng không phải ai cũng biết rõ trường hợp nào nên nạo viêm VA, trường hợp nào không nên hay tạm hoãn thực hiện phương pháp điều trị này.

1. Sơ lược về phương pháp nạo viêm VA

Trong các phương pháp điều trị viêm VA, nạo viêm VA là phương pháp sử dụng các dụng cụ hoặc thiết bị để loại bỏ tổ chức VA bị viêm. Việc loại bỏ tổ chức VA bị viêm giúp loại bỏ các triệu chứng do bệnh gây nên, đồng thời còn hạn chế nguy cơ tái phát bệnh trong tương lai.

Các phương pháp phẫu thuật nạo viêm VA được áp dụng hiện nay cũng rất đa dạng. Tùy thuộc vào điều kiện của người bệnh, trình độ kỹ thuật của cơ sở y tế và bác sĩ phẫu thuật, ... mà có thể lựa chọn các phương pháp như phẫu thuật nạo viêm VA kinh điển, nạo viêm VA bằng dao siêu âm cho đến đến những phương pháp hiện đại hơn như Coblator, ...

Nạo viêm VA được xem là một phẫu thuật ngoại khoa tương đối đơn giản, có thời gian bình phục nhanh và ít khi gây biến chứng. Nếu được thực hiện phẫu thuật tốt và bình phục nhanh, bệnh nhân có thể quay trở lại sinh hoạt, học tập bình thường sau chỉ 1-3 ngày kể từ khi thực hiện nạo viêm VA. Và vết thương do phẫu thuật nạo viêm VA gây ra sẽ lành trong khoảng 10 ngày sau đó.

Mặc dù có tính an toàn cao, nhưng phẫu thuật nạo viêm VA vẫn tiềm ẩn những nguy cơ biến chứng nhất định. Các biến chứng thường gặp nhất của phẫu thuật này bao gồm chảy máu và tình trạng nhiễm trùng vết mổ. Do đó, cần theo dõi sát người bệnh sau khi thực hiện phẫu thuật nạo viêm VA để phát hiện và xử lý sớm các biến chứng nếu có.

Nạo viêm VA: Chỉ định và chống chỉ định - Ảnh 1.

Nạo viêm VA là phương pháp vừa có tác dụng điều trị, vừa có tác dụng phòng tránh tái phát - Ảnh: Internet

Đọc thêm: 

Thời tiết chuyển mùa, cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị viêm họng cấp? Có những dạng viêm họng phổ biến nào ở trẻ?

Thiếu Sắt và Kẽm có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng ở trẻ

2. Chỉ định, chống chỉ định nạo viêm VA?

Như đã nói, không phải tất cả các trường hợp viêm VA đều cần thực hiện phẫu thuật nạo viêm VA. Thực hiện phẫu thuật nạo viêm VA đúng chỉ định là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh.

2.1. Chỉ định nạo viêm VA

Nạo viêm VA được chỉ định khá rộng rãi cho nhiều trường hợp khác nhau, đặc biệt là đối với các bệnh nhân bị viêm VA mãn tính. Các chỉ định cụ thể của nạo viêm VA có thể kể đến bao gồm:

- Viêm VA mãn tính có nhiều đợt tái phát trong năm (từ 5-6 lần/năm), gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thì có thể được chỉ định thực hiện nạo viêm VA.

- Khi viêm VA gây biến chứng lên các cơ quan khác của cơ thể như viêm tai, viêm hạch, viêm hô hấp trên, viêm khớp cấp tính, viêm cầu thận cấp, ... Nạo viêm VA có thể được chỉ định để giảm nhẹ các triệu chứng của viêm VA, đồng thời loại bỏ ổ nhiễm trùng nguyên phát cho người bệnh. Từ đó hỗ trợ và tạo điều kiện cho điều trị các biến chứng bệnh hiệu quả hơn.

- Nạo viêm VA còn được chỉ định cho các trường hợp mắc viêm VA mãn tính khiến tuyến VA bị quá phát, gây chèn ép đường thở nhằm làm thông thoáng đường thở cho người bệnh.

- Một số trường hợp mắc viêm VA cấp tính cũng có thể được chỉ định thực hiện nạo viêm VA. Tuy vậy, sự chỉ định nạo viêm VA trong các trường hợp mắc viêm VA cấp tính là rất hạn chế, cần được xem xét thận trọng.

Nạo viêm VA: Chỉ định và chống chỉ định - Ảnh 2.

Phẫu thuật nạo viêm VA cần được thực hiện theo đúng chỉ định - Ảnh: Internet

2.2. Chống chỉ định của phẫu thuật nạo viêm VA

Bên cạnh việc thực hiện nạo viêm VA đúng chỉ định, thì việc biết được trường hợp nào bệnh nhân không thể thực hiện nạo viêm VA cũng rất quan trọng. Bởi việc thực hiện nạo viêm VA khi bị chống chỉ định có thể làm tình trạng bệnh trở nên xấu đi, tăng nguy cơ biến chứng, hoặc thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân.

- Phẫu thuật nạo viêm VA bị chống chỉ định tuyệt đối khi bệnh nhân đang mắc các rối loạn về đông máu hoặc mắc bệnh máu khó đông bẩm sinh như thalassemia, ... Bởi thực hiện phẫu thuật nạo viêm VA trong các trường hợp này thì bệnh nhân dễ gặp biến chứng chảy máu, chảy máu khó cầm hoặc không thể cầm máu. Từ đó gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

- Một số trường hợp khác bị chống chỉ định một cách tương đối với phẫu thuật nạo viêm VA có thể kể đến như bệnh nhân mắc viêm VA cấp tính hoặc đang trong đợt cấp của bệnh viêm VA mãn tính, bệnh nhân đang nhiễm virus cấp tính, có các bệnh lý mãn tính đi kèm (bệnh gan, bệnh thận, ...), người bệnh có cơ địa dị ứng, ...

Với các trường hợp này, người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng do nạo viêm VA cao hơn các bệnh nhân bình thường. Tuy vậy, chỉ định phẫu thuật nạo viêm VA vẫn có thể được đưa ra khi thực sự cần thiết sau khi đã được xem xét thận trọng các nguy cơ có thể xảy ra bởi bác sĩ chuyên khoa.

Có thể thấy rằng, không phải ai cũng cần thực hiện phẫu thuật nạo viêm VA để điều trị bệnh. Nạo viêm VA chỉ phát huy được hiệu quả điều trị và an toàn cho người bệnh khi được thực hiện đúng chỉ định.


Tác giả: QN