Não mô cầu đang vào mùa, bệnh nguy hiểm như thế nào?

Não mô cầu đang vào mùa, bệnh nguy hiểm như thế nào?
Bé 4 tháng tuổi đoạn chi do nhiễm não mô cầu - bệnh phổ biến vào giữa mùa khô và mùa mưa. Hiện tại với thời tiết của miền Nam Việt Nam, bệnh có điều kiện phát triển và nguy cơ lây nhiễm cao vì thế phụ huynh cần đặc biệt chú ý.

Theo TS.BS Nguyễn An Nghĩa - Phó khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa mới tiếp nhận 2 ca bệnh nhiễm não mô cầu. Một ca bệnh 4 tuổi đã tử vong sau 6 tiếng nhập viện.

Một bệnh nhi 4,5 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao giờ thứ 12 kể từ khi khởi phát triệu chứng. Vài tiếng sau bé có tình trạng sốc, xuất hiện các nốt tử ban lan rộng trên da. Cùng với đó là suy hô hấp, các bác sĩ đã phải cho bé thở máy, dùng nhiều loại kháng sinh liều cao. Đến ngày thứ 5, bé hết nguy kịch.

Tuy nhiên, sau quá trình điều trị nam bệnh nhi phải đối diện với những di chứng nặng nề và ảnh hưởng tới cuộc sống sau này. Cụ thể bé bị đoạn chi phải tới đầu gối, cùng với nhiều ngón chân trái và một số ngón tay.

1. Viêm màng não mô cầu là bệnh gì?

Viêm màng não mô cầu là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn có tên Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh phổ biến vào giữa mùa khô và mùa mưa. Hiện tại với thời tiết của miền Nam Việt Nam, bệnh có điều kiện phát triển và nguy cơ lây nhiễm cao vì thế phụ huynh cần đặc biệt chú ý.

Nhất là đối với nhóm trẻ dưới 5 tuổi và trẻ từ 10 - 16 tuổi.

2. Bệnh viêm màng não mô cầu có nguy hiểm không?

- Có: Do di chứng để lại rất nghiêm trọng

Mặc dù là bệnh lý hiếm gặp nhưng viêm màng não mô cầu lại có nguy cơ gây ra các biến chứng rất nghiêm trọng. Cụ thể, vi khuẩn gây bệnh khiến lớp màng bao phủ não trẻ và tuỷ sống bị viêm hoặc gây ra tình trạng nhiễm trùng máu. Nếu không điều trị kịp thời có thể để lại những di chứng lâu dài thậm chí là tử vong.

Não mô cầu đang vào mùa, bệnh nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 2.

Mặc dù là bệnh lý hiếm gặp nhưng viêm màng não mô cầu lại có nguy cơ gây ra các biến chứng rất nghiêm trọng (Ảnh: Internet)

Theo thống kê, có khoảng 1/5 bệnh nhân nhiễm não mô cầu gặp các biến chứng nghiêm trọng và khoảng 15% bệnh nhân đó gặp phải những khuyết tật như các vấn đề về thần kinh, bị tổn thương não bộ hay điếc, cắt chi,...

- Có: Do phương thức lây truyền

Viêm màng não mô cầu lây lan thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn chứa vi khuẩn gây bệnh. Giọt bắn này bao gồm nước bọt, dịch mũi, họng hay nói cách khác là lây truyền qua đường hô hấp.

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì trẻ em được trở lại trường học dẫn làm tăng tiếp xúc. Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bệnh việc tiêm vaccine ngừa viêm màng não mô cầu cũng bị gián đoạn nên nguy cơ mắc bệnh cũng trở lên cao hơn.

- Có: Do tỷ lệ tử vong tới 50% nếu không được điều trị kịp thời

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, não mô cầu là bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được can thiệp y tế kịp thời. Đặc biệt, kể cả khi trẻ được chẩn đoán và điều trị đầy đủ thì tỷ lệ tử vong của bệnh vẫn ở mức 5 - 15%.

Não mô cầu đang vào mùa, bệnh nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 3.

Các phát ban xuất huyết khi trẻ nhiễm não mô cầu (Ảnh: Internet)

Ngoài các di chứng nặng nề trẻ có thể gặp phải như đã nêu trên như bại não, liệt chi, viêm màng não mủ, sốc nhiễm khuẩn, suy thận cấp, bị tổn thương gan, nhiễm trùng máu, viêm phổi,... thì trẻ nguy cơ tử vong nhanh trong vòng 24 - 48 giờ khi không được điều trị kịp thời.

3. Làm cách nào để nhận biết trẻ nhiễm não mô cầu?

Dấu hiệu nhận biết sớm viêm màng não mô cầu bao gồm:

- Sốt

- Đau nhức đầu

- Nôn và buồn nôn

- Cổ cứng

- Phát ban xuất huyết hình sao hoặc các mụn nước,...

Trong 8 giờ đầu khi nhiễm, trẻ xuất hiện tình trạng sốt với tinh thần không ổn định, dễ cáu gắt, buồn nôn hoặc nôn, buồn ngủ, chán ăn, sổ mũi và đau nhức cơ thể.

Từ 9 - 15 giờ tiếp theo trẻ sẽ xuất hiện tình trạng phát ban xuất huyết, bị cứng cổ và sợ ánh sáng.

Từ 16 - 24 giờ tiếp theo, trẻ có thể bị hôn mê, nói sảng, co giật, mất ý thức và có thể bị tử vong nếu như không được can thiệp kịp thời.

Tóm lại, bệnh viêm màng não mô cầu là một bệnh đặc biệt nguy hiểm, vì thế kể cả trẻ đã được tiêm chủng trong 2 năm đầu đời nhưng kháng thể ngừa bệnh có thể suy giảm sau 4 - 5 tới 50%, vì thế phụ huynh cần lưu ý tới việc tiêm nhắc lại.

Ngoài tiêm ngừa thì cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh nhà cửa, lớp học được thông thoáng, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng.


https://suckhoehangngay.vn/nao-mo-cau-dang-vao-mua-benh-nguy-hiem-nhu-the-nao-2022050616111838.htm
Tác giả: Allen