Có nhiều nguyên nhân khiến nam giới xuất tinh ra máu và dưới đây là những thông tin mà bạn cần biết về nguyên nhân xuất tinh ra máu, xuất tinh ra máu khi nào là nguy hiểm và dấu hiệu xuất tinh bất thường cần thăm khám bác sĩ.
Trước tiên, triệu chứng xuất tinh ra máu được mô tả là có lẫn dịch màu hồng, nâu, đỏ trong tinh dịch. Nói cách khác, bình thường, tinh dịch có màu trắng ngà. Khi tinh dịch có máu (bằng mắt thường nhìn thấy tinh dịch có màu đỏ, hồng hoặc khi xét nghiệm thấy có máu trong tinh dịch) thì gọi là xuất tinh ra máu.
Một số nam giới bị xuất tinh ra máu có thể cảm thấy đau ở xung quanh hoặc đau tại "cậu nhỏ"; đau khi đi tiểu hoặc đau khi xuất tinh; bộ phận sinh dục bị sưng bất thường; sốt, mạch đập nhanh và huyết áp cao hơn bình thường; đau khi đại tiện hoặc đau lưng dưới có thể xuất hiện nếu nguyên nhân do nhiễm trùng.
Đọc thêm:
- Xuất tinh nhiều ở tuổi dậy thì có sao không?
- Điểm danh những tác hại của việc xuất tinh ngoài đối với sức khỏe sinh sản cả nam và nữ giới
Dưới đây là những nguyên nhân gây xuất tinh ra máu phổ biến:
- Mạch máu bị vỡ
Mạch máu ở tuyến tiền liệt hoặc túi tinh có thể bị vỡ khi quan hệ hoặc khi xuất tinh. Điều này tương tự như khi bạn bị chảy máu mũi sau khi hắt hơi và điều này có thể phổ biến hơn ở người đang dùng thuốc chống đông máu. Với tình trạng mạch máu bị vỡ, máu có thể xuất hiện đột ngột hoặc chảy máu kéo dài trong vài phút rồi dừng lại.
Đây thường không phải là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên đôi khi sự xuất hiện của một khối u nang có thể tăng áp lực lên mạch máu ở các bộ phận này và khiến chúng bị vỡ nên cần thăm khám sớm.
- Kiêng quan hệ trong thời gian dài
Việc kiêng quan hệ trong thời gian dài và khi bắt đầu lại có thể khiến một số nam giới gặp phải tình trạng xuất tinh lẫn máu kèm theo tình trạng chảy máu nhẹ trong 1 - 2 ngày. Chảy máu có thể trong hoặc sau khi quan hệ.
- Nhiễm trùng, viêm
Trong nhiều trường hợp nhiễm trùng hay viêm đường tiết niệu hay bất kì loại "ống dẫn" hay cơ quan nào liên quan tới bộ phận sinh dục nam đều có thể dẫn tới xuất tinh ra máu. Đó có thể là viêm tuyến tiền liệt gây đau, khó tiểu và rối loạn chức năng tình dục.
Hoặc bị viêm mào tinh hoàn - thường do vi khuẩn, bao gồm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (gọi tắt là STIs hoặc STD) chẳng hạn như chlamydia, lậu hoặc herpes cũng có thể khiến tinh dịch có lẫn máu. Nhiễm trùng do virus, vi khuẩn hoặc nấm đều có thể dẫn tới tình trạng này.
Viêm niệu đạo cũng có thể gây đau khi đi tiểu, ngứa hoặc rát gần "cậu nhỏ" hoặc chảy dịch.
- Chấn thương
Các chấn thương ở đường tiết niệu hay ở "cậu nhỏ" có thể khiến máu xuất hiện trong tinh dịch, chẳng hạn như quan hệ mạnh bạo làm vỡ mạch máu ở tuyến tiền liệt hoặc túi tinh. Sinh thiết tuyến tiền liệt, xạ trị, thắt ống dẫn tinh, tiêm thuốc trị bệnh trĩ, chấn thương ở "cậu nhỏ" sau gãy xương chậu, chấn thương tinh hoàn, thủ dâm quá mức cũng có thể gây xuất tinh ra máu tạm thời, theo WebMD.
- Khối u và polyp
Polyp lành tính hoặc khối u ác tính ở tuyến tiền liệt, tinh hoàn, bàng quang, mào tinh hoàn hoặc túi tinh có thể dẫn tới sự xuất hiện của máu trong tinh dịch.
Khi điều này xảy ra, nam giới thường cảm thấy tình trạng xuất tinh ra máu lặp đi lặp lại kèm theo các triệu chứng khác như đau ở háng hoặc tiểu đau buốt. Nam giới, đặc biệt làm nam giới lớn tuổi cần được đánh giá về nguy cơ ung thư nếu phát hiện tinh dịch có lẫn máu.
- Sỏi tuyến tiền liệt
Sỏi tuyến tiền liệt có xu hướng xuất hiện sau tuổi 50, chúng hình thành do viêm mãn tính. Ngoài máu lẫn trong tinh dịch thì sỏi tuyến tiền liệt cũng có thể gây đau khi đi tiểu, đau vùng chậu và máu lẫn trong nước tiểu.
- Phì đại tuyến tiền liệt lành tính
Mặc dù tình trạng này không gây ung thư nhưng lại tương đối phổ biến ở nam giới từ 60 - 80 tuổi. Phì đại tuyến tiền liệt lành tính chủ yếu gây ra các triệu chứng tiết niệu nhưng trong một số trường hợp, tuyến tiền liệt bị phì đại có thể chèn ép niệu đạo và gây xuất tinh lẫn máu.
Các triệu chứng khác của tình trạng phì đại tuyến tiền liệt lành tính bao gồm: đi tiểu thường xuyên hơn, nước tiểu nhỏ giọt hoặc dòng chảy yếu, tiểu khó,...
Ngoài các tình trạng kể trên thì một số điều kiện sức khỏe khác cũng có thể liên quan tới xuất tinh ra máu như HIV/AIDS, thuốc warfarin, huyết áp cao, bệnh máu khó đông, bệnh bạch cầu, bệnh gan, phì đại tuyến tiền liệt, tắc ống dẫn tinh, sỏi bàng quang, xơ gan, rối loạn đông máu,...
Các yếu tố nguy cơ
Mặc dù bất kì nam giới ở độ tuổi nào đều có thể gặp phải tình trạng xuất tinh ra máu nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng này, bao gồm:
- Quan hệ tình dục mạnh mẽ, đặc biệt sau một thời gian dài kiêng không quan hệ
- Nam giới trên 40 tuổi
- Nam giới có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc các vấn đề về tuyến tiền liệt, bao gồm cả viêm tuyến tiền liệt
- Bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc đường sinh dục.
Theo WebMD, đối với nam giới dưới 40 tuổi bị xuất tinh ra máu nhưng không có các triệu chứng bất thường liên quan và không có các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh lý tiềm ẩn thì máu trong tinh dịch là tình trạng tạm thời và sẽ biến mất. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và cơ thể bắt đầu phát triển các triệu chứng khác như sốt thì bạn cũng cần thăm khám bác sĩ sớm.
Tuy nhiên, với nam giới trên 40 tuổi bị xuất tinh ra máu thì cần được đánh giá tại cơ sở y tế và thăm khám với bác sĩ nam khoa. Điều này đặc biệt đúng với người bị xuất tinh ra máu nhiều lần, máu cũng lẫn trong nước tiểu và có nguy cơ mắc bệnh ung thư, rối loạn chảy máu hay các tình trạng khác như STIs.
Nếu không được điều trị, một số tình trạng bệnh khiến xuất tinh ra máu có thể dẫn tới các tổn thương mãn tính như phì đại tuyến tiền liệt mãn tính hoặc tổn thương thận, tổn thương bàng quang hoặc nhiễm trùng lan rộng, rối loạn chức năng tình dục hoặc đe dọa tới tính mạng nếu nhiễm trùng là do vi khuẩn và lây lan ra khắp cơ thể.
Khi thăm khám bác sĩ, tùy từng tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định một số kiểm tra để tìm ra nguyên nhân có máu lẫn trong tinh dịch, có thể là:
- Kiểm tra thể chất để tìm kiếm các triệu chứng khác như tinh hoàn sưng tấy, đỏ hoặc dấu hiệu nhiễm trùng, viêm có mủ có thể quan sát được
- Xét nghiệm máu kiểm tra bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Kiểm tra phân tích nước tiểu để phát hiện nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc các bất thường khác trong nước tiểu
- Xét nghiệm PSA đánh giá sức khỏe tuyến tiền liệt
- Các xét nghiệm sàng lọc khác như siêu âm, chụp CT, chụp MRI để xác định vị trí tắc ống dẫn tinh nếu có
- Siêu âm trực tràng để tìm kiếm sự xuất hiện của các khối u bất thường xung quanh tuyến tiền liệt,...
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây xuất tinh ra máu là gì mà bạn có thể điều trị xuất tinh ra máu tại nhà hoặc cần điều trị can thiệp tại bệnh viện theo chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị tại nhà thường áp dụng khi máu lẫn trong tinh dịch do chấn thương và việc nghỉ ngơi là cần thiết để cơ thể lành lại. Đôi khi sưng ở háng có thể kèm theo và bạn có thể chườm đá lên vùng sưng từ 10 - 20 phút mỗi lần để giảm sưng. Lưu ý, hãy uống nhiều chất lỏng và tăng lượng chất xơ để hỗ trợ nhu động ruột được thuận lợi hơn.
- Điều trị nội khoa là cần thiết nếu máu lẫn trong tinh dịch do nhiễm trùng, thuốc kháng sinh là cần thiết, thuốc chống viêm có thể được chỉ định nếu nguyên nhân do sưng tấy. Nếu tắc nghẽn ống dẫn tinh, sỏi bàng quang gây tác nghẽn đường tiết niệu là nguyên nhân thì phẫu thuật là cần thiết;...
Khi điều trị bệnh lây qua đường tình dục, cần tránh quan hệ trong khi đang điều trị. Thay đổi lối sống, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn uống, thay đổi thuốc hoặc chiến lược thư giãn các cơ xung quanh tuyến tiền liệt/sàn chậu để đi tiểu hiệu quả hơn...
- Xuất tinh lẫn máu có phải dấu hiệu ung thư không?
Có. Xuất tinh lẫn máu có thể là dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tinh hoàn, ung thư bàng quang, ung thư mào tinh hoàn hoặc ung thư túi tinh. Tuy nhiên không phải tình trạng xuất tinh ra máu nào cũng là dấu hiệu ung thư.
- Xuất tinh lẫn máu có vô sinh không?
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà tình trạng xuất tinh lẫn máu có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hay không, đặc biệt nếu xuất phát do bệnh lý việc không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và sức khỏe tổng thể.
- Tình trạng sức khỏe nào dễ nhầm lẫn với xuất tinh ra máu?
Xuất tinh ra máu cần phân biệt với các trường hợp tinh dịch có lẫn máu từ ngoài vào như rách hãm quy đầu, rách, rạn rách da quy đầu, đặc biệt trong những trường hợp quan hệ mạnh. Có nhiều người nghĩ mình bị xuất tinh ra máu nhưng thực ra máu ở đây là do quan hệ quá mạnh, đặc biệt khi có dùng bao cao su, sau khi xuất tinh thấy tinh dịch trong bao cao su có màu hồng.
Nhìn chung, việc bạn thấy máu lẫn trong tinh dịch dù ở độ tuổi nào cũng cần thăm khám bác sĩ để loại bỏ các yếu tố như nhiễm trùng hoặc các vấn đề về tuyến tiền liệt. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.
Nguồn dịch:
1. Why is there blood in my semen?
3. What You Need to Know About Blood in Semen
4. 14 causes of blood in your semen, from STIs to cancer treatment, and when to call a doctor