Nấm da là gì? Những điều cần biết về bệnh nấm da

Nấm da là gì? Những điều cần biết về bệnh nấm da
Nấm da là một bệnh da liễu rất phổ biến, ai cũng có thể mắc phải. Nấm da không gây nguy hiểm nhưng khiến bệnh nhân ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thường ngày. Bệnh tiến triển nhanh và dễ lây lan nên cần được điều trị sớm.

1. Nấm da là gì?

Nấm da là tình trạng lớp trên cùng của da bị tổn thương do nhiễm nấm. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể.

Tuy là bệnh da liễu lành tính, nhưng nấm da lại gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh vì ngứa ngáy, khó chịu, mất thẩm mỹ.

2. Phân loại

Tùy vào loại nấm gây bệnh mà chúng ta có rất nhiều loại bệnh nấm da khác nhau. Trong đó có 5 loại nấm da phổ biến nhất là:

2.1. Lang ben

Lang ben là những tổn thương da thành từng đám màu trắng hoặc màu đen do nấm Pityrosporum gây ra. Bệnh gây ngứa nhiều, đặc biệt là trong thời tiết nóng bức, cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Cảm giác ngứa như bị kim chích nhẹ, rất khó chịu.

Tình trạng của bệnh lang ben phụ thuộc nhiều vào vệ sinh da, độ pH và độ ẩm của da, sức đề kháng của cơ thể.

Ảnh 2.

Lang ben là những tổn thương da thành từng đám màu trắng hoặc màu đen (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Nhận biết các dấu hiệu của nấm da

Bị nấm da nên kiêng ăn gì?

2.2. Hắc lào

Đây là một trong những loại nấm da phổ biến nhất. Nó được gây ra bởi các nấm thuộc nhóm dermatophytes. Thường gặp nhất là nấm epidermophyton, microsporum và trychophyton.

Hắc lào điển hình với những tổn thương da hình tròn, có viền rõ rệt. Trên viền là các mụn nước nhỏ lấm tấm. Nếu không được can thiệp điều trị sớm, viền sẽ ngày càng lan rộng.

Bệnh hắc lào gây ngứa nhiều và rất dễ lây lan. Gãi ngứa có thể làm bệnh lan ra nhiều vùng da khác trên cơ thể. Việc tiếp xúc và sử dụng chung đồ dùng cá nhân có thể lây bệnh cho người khác.

2.3. Nấm kẽ

Nguyên nhân gây nấm kẽ là do vi nấm Epidermophyton và nấm Trichophyton (Candida albicans). Nấm kẽ thường có 3 thể là thể viêm kẽ, thể mụn nước là thể tróc vảy khô.

Ảnh 3.

Nấm kẽ xảy ra khi tiếp xúc với nước trong thời gian dài (Ảnh: Internet)

Đây là bệnh da liễu thường gặp ở những người hay tiếp xúc với nước, phải ngâm tay chân trong nước thời gian dài và liên tục. Điển hình là nông dân, vận động viên bơi lội, nhân viên vệ sinh cống rãnh,...

2.4. Nấm móng

Nguyên nhân gây nấm móng thường là do nấm trichophyton và nấm Candida albicans. Bệnh thường xuất phát từ hai bên cạnh của móng, sau đó ăn sâu vào móng khiến móng biến dạng. 

Ban đầu, mặt móng sẽ mất đi độ bóng, sần sùi hoặc thành rãnh. Sau đó móng bị đẩy nhô lên hoặc ăn khuyết vào, xuất hiện chất bột vụn móng. Móng dần chuyển sang màu vàng hoặc đục. Đôi khi da vùng góc móng bị sưng đỏ và mưng mủ.

Nấm móng có thể lan từ móng này sang móng khác.

2.5. Nấm tóc

Bệnh do nấm Piedra Hortai gây ra thì khá lành tính. Triệu chứng rất dễ nhận thấy là có nhiều hạt đen nhỏ bám vào các sợi tóc. Bệnh không gây ngứa, rụng tóc hay điều gì khác thường.

Nếu nấm tóc do Trichophyton gây ra thì sẽ làm tổn thương trên da đầu. Ban đầu là những vết đỏ hình tròn, chỉ nhỏ khoảng 3 - 5mm. Sau đó da đầu bắt đầu đóng vảy, gây ngứa và rụng tóc.

3. Dấu hiệu

Tùy theo loại nấm gây bệnh mà sẽ có các dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng chung có thể là:

- Xuất hiện các mụn nước, vết mẩn đỏ, tổn thương hình tròn trên da. Các tổn thương có viền và giới hạn rõ ràng.

- Da bị ngứa, ngứa nhiều khi cơ thể nóng bức đổ mồ hôi.

- Các tổn thương có thể xuất hiện ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể. Nhưng tập trung nhiều nhất ở những vùng da kín, hay bị nóng ẩm như háng, ngực, bụng, da đầu,...

- Các tổn thương có thể lan rộng và lan sang các vị trí khác.

4. Nguyên nhân

4.1. Nguyên nhân gây nấm da là gì?

Nguyên nhân gây nấm da là do da bị nhiễm một loại nấm ăn keratin. Keratin là một loại protein có trong da, tóc và móng.

Nấm gây bệnh là các bào tử siêu nhỏ có thể tồn tại trên bề mặt da trong nhiều tháng. Chúng cũng có thể sống sót trong khăn, lược, đất và các đồ vật khác trong gia đình. Do đó mọi người dễ dàng bị nấm da nếu tiếp xúc với bệnh nhân, động vật hoặc đồ vật nhiễm nấm.

4.2. Đối tượng nào có nguy cơ cao bị nấm da?

- Trẻ em dưới 15 tuổi đặc biệt dễ bị nấm da.

- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, hoặc bị các bệnh như HIV, tiểu đường,...

- Người sống trong vùng có khí hậu nóng ẩm.

- Những người làm công việc phải thường xuyên tiếp xúc với nước.

- Vệ sinh thân thể kém, có thói quen mặc quần áo bó sát, không thấm hút mồ hôi.

- Mắc các bệnh lý khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Liên tục chơi thể thao hoặc làm việc khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi.

- Tiếp xúc với người bị nấm da. Tiếp xúc với động vật, đồ vật, đất,... có chứa nấm.

5. Điều trị

Sử dụng thuốc chống nấm là phương pháp điều trị cho hiệu quả cao. Thuốc có thể dạng bôi hoặc uống. Việc lựa chọn thuộc sẽ phụ thuộc vào loại nấm gây bệnh.

Các loại thuốc bôi phổ biến là Clotrimazole, Miconazole, Terbinafine,... cho trường hợp bị nấm da nhẹ. Nếu bị nặng, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng Griseofulvin, econazole, oxiconazole hoặc terbinaffine. Đôi khi bệnh nhân có thể sử dụng kèm thuốc costicosteroid để giảm ngứa.

Thuốc uống chống nấm thường được chỉ định cho những người bị nấm đầu. Bệnh nhân có thể sử dụng kèm dầu gội chống nấm để tăng hiệu quả chữa trị.

Trong hầu hết các trường hợp, thuốc sẽ giúp cải thiện tình trạng sau vài lần sử dụng. Nhưng người bệnh cần sử dụng thuốc trong 2 - 4 tuần để đảm bảo tiêu diệt nấm hoàn toàn.

6. Biến chứng của nấm da là gì?

Nấm da rất ít khi gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu có thì thường là bị nhiễm trùng do nấm làm da bị tổn thương, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Biến chứng này thường gặp ở những người bị nhiễm HIV hoặc mắc các tình trạng khác làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Nấm da đầu có thể gây rụng tóc, hói. Nhưng trường hợp này thường được cải thiện sau khi điều trị.

7. Phòng tránh

- Vệ sinh thân thể sạch sẽ.

- Thường xuyên giặt chăn ga, quần áo. Phơi nắng để diệt nấm.

- Chọn quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Không mặc quần áo khi còn ẩm.

Ảnh 4.

Không mặc quần áo khi còn ẩm (Ảnh: Internet)

- Nếu sống ở vùng khí hậu nóng ẩm hoặc thường xuyên bị đổ mồ hôi thì cần trang bị khăn lau khô người hoặc quần áo để thay.

- Nếu phải tiếp xúc thường xuyên với nước thì cần trang bị ủng, găng tay.

- Sử dụng các vật dụng cá nhân riêng biệt.

- Thường xuyên tập luyện thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh, thực đơn dinh dưỡng khoa học để nâng cao sức đề kháng.

8. Cách ăn uống cho người bị nấm da

- Người bệnh cần ăn đủ chất, chế độ dinh dưỡng đa dạng để tăng sức đề kháng, cơ thể tự tiêu diệt nấm nhanh hơn, hạn chế nấm lan rộng.

- Tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin C, E như cà chua, rau cải xanh, cam, bưởi,... để tái tạo lại lớp tế bào sừng trên da, giúp da nhanh hồi phục hơn.

Ảnh 5.

Bổ sung vitamin C giúp tái tạo tế bào da (Ảnh: Internet)

- Bổ sung thực phẩm giàu protein như thịt lợn, thịt bò, hải sản, trứng,... sẽ giúp các mô liên kết dưới da bền vững hơn, ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng.

- Người bị nấm da cần tránh các thực phẩm có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng ngứa như hải sản vỏ cứng, thịt gà, nhộng tằm,.... Các món ăn khiến da khó hồi phục, dễ để lại sẹo như rau muống, đồ nếp,... cũng cần hạn chế.

9. Các câu hỏi thường gặp

9.1. Tôi cần làm gì khi bị nấm da?

- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

- Luôn giữ cho da sạch sẽ và khô ráo.

- Thường xuyên vệ sinh thân thể, giặt giũ quần áo và chăn ga.

- Nên có đồ dùng riêng như khăn, dao cạo,... cho vùng da bị nấm để tránh nấm lan sang vùng da khác.

- Không dùng chung vật dụng cá nhân để tránh lây bệnh cho người khác.

9.2. Tiên lượng của bệnh nấm da là gì?

Bệnh nấm da có tiên lượng tốt. Đây là bệnh dễ điều trị. Chỉ sau vài lần bôi thuốc chống nấm bạn có thể thấy vùng da được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, nấm da cũng là căn bệnh dễ tái phát. Do đó người bệnh cần điều trị triệt để. Sau điều trị vẫn cần duy trì lối sống khoa học, vệ sinh da thật tốt để tránh bị tái phát.

9.3. Tôi có thể sử dụng kem dưỡng da khi bị nấm da không?

Kem dưỡng da có thể giúp da nhanh hồi phục hơn. Tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách và đúng loại rất có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ da liễu trước khi bạn muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc kem nào lên vùng da đang bị nấm.

9.4. Tôi có thể nhuộm tóc khi bị nấm da đầu không?

Nhiều người cho rằng, trong quá trình nhuộm tóc, nhiệt độ và hóa chất có thể tiêu diệt nấm. Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Việc nhuộm tóc có thể khiến da đầu yếu hơn, dễ bị tổn thương hơn, tạo cơ hội cho nấm phát triển mạnh hơn. Khi da đầu bị tổn thương, vi trùng cũng dễ dàng xâm nhập hơn, gây ra các biến chứng như viêm nhiễm, mưng mủ.

Người bị nấm da đầu chỉ nên giữ tóc khô ráo và sạch sẽ, gội đầu bằng dầu gội chống nấm. Không nên sử dụng kem, dầu hoặc tinh chất dưỡng tóc. Các hoạt động làm đẹp như nhuộm, uốn, ép,... cũng nên hoãn lại đến khi điều trị xong nấm da đầu.

10. Một số hình ảnh về nấm da

hắc lào

Hắc lào. (Ảnh: Internet)

lang ben

Lang ben (Ảnh: Internet)

nam da dau

Nấm da đầu. (Ảnh: Internet)

nam ke

Nấm kẽ. (Ảnh: Internet)

nam mong

Nấm móng. (Ảnh: Internet)


Tác giả: Mai Nhung