Bệnh viêm phổi: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh viêm phổi: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và người già; bệnh nhân tiểu đường và tim mạch; người có hệ miễn dịch kém và những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh. Vậy dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi là gì? Cách điều trị viêm phổi như nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Bệnh viêm phổi là gì?

Viêm phổi (tiếng anh là Pneumonia) là bệnh nhiễm trùng làm viêm mô kẽ và các phế nang ở một hoặc cả hai phổi. Khi bị viêm phổi, các phế nang có thể chứa đầy dịch và mủ, gây ra triệu chứng ho khạc đờm hoặc ho ra mủ, ớn lạnh, sốt và khó thở.

Nguyên nhân chính gây viêm phổi là virus, vi khuẩn và nấm.

Mức độ bệnh được chia từ nhẹ đến nặng, khi bệnh ở giai đoạn nghiêm trọng, nó có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Viêm phổi thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch yếu.

Viêm phổi

Viêm phổi (tiếng anh là Pneumonia) là bệnh nhiễm trùng làm viêm mô kẽ và các phế nang ở một hoặc cả hai phổi.

Có thể bạn quan tâm:

Bệnh viêm phổi có lây không và lây qua đường nào?

Bệnh viêm phổi có chữa được không?

Dựa vào thời gian mắc bệnh, viêm phổi được chia thành 2 dạng:

- Viêm phổi cấp tính: thời gian viêm phổi ít hơn 6 tuần

- Viêm phổi mạn tính: thời gian viêm phổi kéo dài hơn 6 tuần

Đa số các trường hợp mắc viêm phổi đều ở dạng cấp tính với các triệu chứng đặc trưng như: sốt tăng dần kèm ho khan trong những ngày đầu hoặc sốt cao khởi phát đột ngột. Ở những ngày đầu, người bệnh khó khạc đờm, càng về sau khi ho khạc ra nhiều đờm hơn, đờm có màu vàng, xanh. Tình trạng khó thở tăng dần theo thời gian.

2. Triệu chứng viêm phổi

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi thường giống như bị cảm cúm, nhưng kéo dài hơn. Mức độ triệu chứng thay đổi từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố như sức khỏe tổng thể, tuổi tác của bệnh nhân và loại vi sinh vật gây bệnh.

Các triệu chứng viêm phổi có thể bao gồm:

- Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh

- Cơ thể mệt mỏi

- Đau ngực khi thở hoặc ho

- Khó thở

- Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy

- Ho (có thể khạc ra đờm)

- Lẫn lộn, thay đổi ý thức (ở người lớn tuổi)

- Giảm thân nhiệt (ở người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ miễn dịch)

- Ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi: có thể không có biểu hiện nhiễm trùng. Tuy nhiên, trẻ có thể có một số biểu hiện như sốt và ho, nôn mửa, mệt mỏi, uể oải, bồn chồn hoặc khó thở, khó ăn uống.

triệu chứng viêm phổi

Ho (có thể khạc ra đờm) là một trong những triệu chứng của viêm phổi. (Nguồn ảnh: Internet)

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khi có bất cứ dấu hiệu nào như sốt cao trên 39 độ C, sốt dai dẳng không dứt, ho liên tục kéo dài, khó thở, thở nhanh, thở hụt, đau ngực, đặc biệt có khạc ra đờm và mủ.

Khi gặp những triệu chứng trên, những người nằm trong nhóm nguy cơ cơ cần phải đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt:

- Trẻ em dưới 2 tuổi

- Người già trên 65 tuổi

- Những người đang dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch hoặc đang điều trị hóa trị

- Những người suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh lý mạn tính

Đặc biệt, những người lớn tuổi và những người mắc bệnh suy tim, phổi mạn tính, viêm phổi có thể tiến triển nhanh chóng và gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

3. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi

Có nhiều yếu tố gây bệnh viêm phổi, trong đó yếu tố gây bệnh phổ biến nhất là virus và vi khuẩn trong không khí. Thông thường, hệ miễn dịch của cơ thể có cơ chế ngăn ngừa những loại vi sinh vật này gây bệnh ở phổi, Tuy nhiên, một số loại vi sinh vật có thể mạnh hơn hệ miễn dịch, chúng sẽ xâm nhập vào phổi và gây bệnh, ngay cả khi bạn đang khỏe mạnh.

Viêm phổi được phân loại theo nơi bạn mắc bệnh và theo các loại vi sinh vật gây bệnh:

Viêm phổi bệnh viện

Một số người mắc bệnh viêm phổi ngay trong bệnh viện, khi họ đang nằm điều trị một căn bệnh khác. Bệnh viêm phổi bệnh viện có nhiều diễn biến xấu do vi khuẩn gây bệnh đã kháng nhiều loại thuốc kháng sinh và bản thân người mắc bệnh đang bị thêm bệnh khác.

Những người đang phải sử dụng máy thở (thở máy, vật dụng thường được sử dụng trong các đơn vị hồi sức tích cực, có tỷ lệ mắc viêm phổi bệnh viện cao hơn.

viêm phổi bệnh viện

Một số người mắc bệnh viêm phổi ngay trong bệnh viện, khi họ đang nằm điều trị một căn bệnh khác. (Nguồn ảnh: Internet)

Viêm phổi cộng đồng

Viêm phổi cộng đồng là loại viêm phổi phổ biến nhất. Viêm phổi cộng đồng xảy ra bên ngoài bệnh viện hoặc các cơ sở chăm sóc y tế. Bệnh xảy ra có thể do:

- Nấm

- Virus

- Vi khuẩn

- Các sinh vật giống vi khuẩn

viêm phổi cộng đồng

Viêm phổi cộng đồng là loại viêm phổi phổ biến, xảy ra ở ngoài bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe. (nguồn ảnh: Internet)

Viêm phổi hít phải

Viêm phổi hít phải hay viêm phổi sặc, là dạng nhiễm trùng phổi xảy ra do người bệnh hít phải một lượng lớn các chất từ miệng hoặc dạ dày vào phổi. Các chất này có thể là nước, chất nôn, nước bọt và thức ăn.

4. Các yếu tố nguy cơ

Tất cả mọi đối tượng đều có thể bị viêm phổi. Những đối tượng như trẻ em, người già, người mắc bệnh mãn tính như hen suyễn, COPD có nguy cơ mắc viêm phổi cao hơn. Để kiểm soát bệnh này, bạn có thể giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

- Nhiễm trùng đường hô hấp do cúm, viêm thanh quản, cảm lạnh

- Hút thuốc

- Suyễn

- Hệ miễn dịch yếu

- Mắc các bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, xơ gan, bệnh tim

- Bị ung thư hoặc HIV

- Trẻ nhỏ hoặc người lớn trên 65 tuổi

5. Biến chứng viêm phổi

Ngay cả trong quá trình điều trị, người bị viêm phổi có thể bị một số biến chứng, bao gồm:

- Áp xe phổi: Áp xe phổi thường được các bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ phẫu thuật hoặc dẫn lưu ổ áp xe để loại bỏ mủ.

- Tràn dịch màng phổi: Viêm phổi có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi.

- Khó thở: Trong trường hợp bị viêm phổi nặng hoặc khi người bệnh bị các bệnh phổi mạn tính, người bệnh có thể bị suy hô hấp, cần phải được nhập viện gấp để sử dụng các biện pháp hỗ trợ thở.

- Nhiễm khuẩn huyết: Đây là một trong những biến chứng viêm phổi cực kỳ nghiêm trọng. Vi khuẩn sẽ xâm nhập từ phổi vào máu và có thể lây lan ra các cơ quan khác, có khả năng gây suy cơ quan.

bien-chung-viem-phoi

Một số biến chứng của viêm phổi gồm: áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, khó thở, nhiễm khuẩn huyết,... (Nguồn ảnh: Internet)

6. Chẩn đoán viêm phổi

Triệu chứng của bệnh viêm phổi thường bị nhầm lẫn với cúm hoặc cảm lạnh. Tuy nhiên, thời gian mắc bệnh viêm phổi sẽ lâu hơn và các triệu chứng cũng sẽ nghiêm trọng hơn các bệnh thông thường khác.

Khi chẩn đoán xem bạn có bị viêm phổi hay không, bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi sau:

- Các triệu chứng và mức độ bệnh của bạn như nào?

- Bạn có hút thuốc không?

- Bạn có đang uống thuốc không?

- Tiền sử sức khỏe của bạn như thế nào?

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm một trong những xét nghiệm sau:

- Chụp X-quang ngực: phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện các dấu hiệu viêm trong ngực, mức độ và vị trí của tình trạng viêm.

- Cấy đờm: bác sĩ sẽ lấy một mẫu đờm khi bạn ho để tìm ra nguyên nhân nhiễm trùng.

- Cấy máu: xét nghiệm này dùng để xác định nhiễm trùng. Nuôi cấy máu cũng có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

- Chụp CT: phương pháp này giúp bác sĩ quan sát phổi rõ hơn, từ kết quả đó có thể phát hiện ra tình trạng viêm.

- Đo độ bão hòa oxy: phương pháp đo nồng độ oxy trong máu, giúp bác sĩ xác định xem phổi có đủ oxy hay không.

- Nội soi phế quản: bác sĩ sẽ chỉ định nội soi phế quản nếu các triệu chứng ban đầu của bạn ở mức nghiêm trọng hoặc khi đã nhập viện điều trị, bạn không đáp ứng tốt với kháng sinh.

- Lấy mẫu dịch: bác sĩ dùng kim chọc lấy dịch ở giữa xương sườn nếu họ nghi ngờ có dịch trong khoang màng phổi của bạn.

7. Điều trị viêm phổi

Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị khác nhau:

- Viêm phổi do nấm: được điều trị bằng thuốc chống nấm

- Viêm phổi do virus: điều trị bằng việc uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc kháng virus nếu bạn bị cảm cúm.

Các bác sĩ cũng thường kê toa thuốc không kê đơn để giảm bớt các triệu chứng của viêm phổi bao gồm giảm đau nhức, hạ sốt và ức chế ho. Các thuốc thường được chỉ định bao gồm ibuprofen, aspirin hoặc paracetamol.

Bên cạnh đó, người bệnh cần được nghỉ ngơi và cần uống nhiều nước. Nước có tác dụng làm loãng chất nhầy và đờm, giúp người bệnh dễ ho hơn.

Trong một số trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể phải nhập viện để điều trị. Khi nhập viện, bác sĩ thường truyền dịch và điều trị bằng kháng sinh. Người bệnh cũng có thể cần đến sự trợ giúp của máy trợ thở.

8. Cách phòng tránh viêm phổi hiệu quả

Bệnh viêm phổi là căn bệnh khá nguy hiểm, đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em và người già do sức khỏe yếu và có hệ miễn dịch kém. Khi có các triệu chứng như ho, sốt, ho có đờm và đau ngực lâu ngày thì bạn cần đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Cách phòng tránh bệnh viêm phổi hiệu quả là bạn hãy xây dựng cho bản thân một chế độ sinh hoạt lành mạnh và luôn duy trì đều đặn:

- Nghỉ ngơi hợp lí, tránh thức khuya và làm việc quá sức.

- Uống nhiều nước để tránh cơ thể bị mất nước.

- Ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin C như cam, chanh, bưởi, táo,...

- Nếu cổ họng ngứa và muốn ho, bạn hãy ho ngay vì đó là một biện pháp giúp cơ thể đưa vi khuẩn có hại ra ngoài.

- Khi cơn ho làm bạn khó ngủ và mệt mỏi, hãy uống thuốc giảm ho để cảm thấy thoải mái hơn.

Mọi căn bệnh đều có thể tránh được nếu bạn nắm rõ thông tin về bệnh và biết cách phòng bệnh hợp lí, phòng tránh bệnh viêm phổi cũng vậy. Hãy tạo cho mình một lối sống khoa học để có một cơ thể khỏe mạnh, đây chính là cách phòng tránh bệnh phổi hiệu quả.


>> Phân biệt viêm phổi với ho cảm lạnh, viêm phế quản, ung thư phổi, và cảm cúm. 

Tác giả: Quỳnh Anh