Mụn nước do cháy nắng: Hướng dẫn xử lý đúng cách và các sai lầm thường gặp

Mụn nước do cháy nắng: Hướng dẫn xử lý đúng cách và các sai lầm thường gặp
Những ngày mùa hè nắng nóng gay gắt, cháy nắng - bỏng nắng đều có thể xảy ra nếu như bạn không bảo vệ cơ thể bằng những biện pháp che chắn kĩ lưỡng khi ra ngoài. Mụn nước do cháy nắng gây ra có thể tạo sẹo hay nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách.

Học viện Da Liễu của Hoa Kỳ (AAD) cho biết, hiện tượng mụn nước do cháy nắng (còn gọi là hiện tượng da bị phồng rộp) là biểu hiện của việc bị bỏng cấp độ 2. Người bị mụn nước do cháy nắng nên chú ý giữ vệ sinh khu vực phồng rộp tránh bị nhiễm trùng.

Joshua Zeichner, chuyên gia y khoa kiêm bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai, thành phố New York cho biết, khi da của bạn bị đốt cháy nghiêm trọng sẽ gây phá huỷ những mối liên kết của các tế bào da với nhau, đây là cơ chế những vết phồng rộp được tạo ra và có đầy chất lỏng ở bên trong.

Mụn nước do cháy nắng hay phồng rộp khiến người bị bỏng, cháy cảm thấy khó chịu. Đặc biệt, Tổ chức Ung thư da khuyến cáo rằng, một vết mụn nước do cháy nắng gây ra cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư hắc sắc tố gấp đôi người không bị phồng rộp do cháy nắng - đây cũng là loại ung thư nguy hiểm nhất!

1. Những sai lầm khi xử lý mụn nước do cháy nắng

- Tự nặn mụn (ép chất lỏng ra ngoài)

Khi bị mụn nước do cháy nắng bạn sẽ quan sát được những vết phồng này có chứa đầy chất lỏng. Rất nhiều người có thói quen nặn chất lỏng này ra ngoài và cho rằng như vậy sẽ khiến chúng nhanh khô hơn.

Mụn nước do cháy nắng: Hướng dẫn xử lý đúng cách và các sai lầm thường gặp - Ảnh 2.

Không nên tự ý nặn vết mụn nước do cháy nắng (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên những chất lỏng này lại đóng vai trò giúp vết thương chóng lành và chống nhiễm trùng da cho bạn. Bác sĩ Zeichner khuyên: hãy coi đám chất lỏng này như một miếng băng dán vết thương tự nhiên có tác dụng bảo vệ lớp da nằm sâu bên dưới.

- Gãi liên tục

Đôi khi những vùng xung quanh mụn nước có thể gây ngứa. Bạn không nên gãi mà nên xoa tay nhẹ nhàng tránh gây tổn thương vùng da xung quanh.

2. Hướng dẫn xử lý vết mụn nước do cháy nắng an toàn

Thường thì một vết mụn nước do cháy nắng sẽ biến mất trong từ 1 tới 2 tuần mà không cần tác động nào. Tuy nhiên, để quá trình lành da diễn ra nhanh chóng hơn bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Bổ sung nước cho cơ thể

Khi bạn bị bỏng hay cháy do nắng, cơ thể của bạn sẽ khởi động cơ chế bù nước từ các cơ quan khác tới da để hạ nhiệt lại. Do vậy, khi bị bỏng, phồng rộp cho cháy nắng thì bạn nên uống nhiều nước để tránh hiện tượng mất nước xảy ra.

- Xử lý vết thương

+ Băng lại: Khi có vết phồng rộp trên da, tốt nhất là bạn nên băng lại tránh cho việc tiếp xúc với những bụi bẩn gây nhiễm trùng. Đặc biệt, khi băng vết thương bạn nên chọn quần áo thoáng khí, không bó sát.

Mụn nước do cháy nắng: Hướng dẫn xử lý đúng cách và các sai lầm thường gặp - Ảnh 3.

Băng vết phồng rộp lại để tránh nhiễm trùng (Ảnh: Internet)

+ Chườm đá: Bạn có thể giảm đau vùng mụn nước do cháy nắng bằng cách chườm đá. Nếu bị sưng đau nhiều hơn thì có thể dùng tới thuốc giảm đau như Aspirin hay Ibuprofen.

- Giữ ẩm

Nhiều người chỉ mải quan tâm tới vết rộp mà bỏ qua việc chăm sóc vùng da xung quanh. Bạn nên tránh tắm nước nóng, hạn chế dùng xà phòng tắm quá nhiều. Đặc biệt nhớ giữ ẩm cho vùng da này bằng kem dưỡng cấp ẩm hoặc gel nha đam.

- Khi mụn nước vỡ ra

Khi mụn nước đã vỡ ra, bạn nên làm sạch nhẹ nhàng vùng da đó rồi bôi thuốc mỡ kháng sinh và băng lại bằng băng gạc sạch. Nếu như có những nốt phát ban nổi lên hay vết phồng rộp chảy mủ,... thì cần tới cơ sở y tế để được thăm khám càng sớm càng tốt.

Cách phòng tránh phồng rộp do cháy/bỏng nắng:

Để tránh bị phồng rộp quay trở lại bạn do vùng da đã bị tổn thương trước, bạn nên ngăn ngừa bằng cách sử dụng kem chống nắng thường xuyên, độ phổ rộng nên từ 30SPF trở lên. Đặc biệt, nếu hoạt động nhiều ngoài trời bạn nên bôi nhắc lại kem chống nắng khoảng 2 giờ/1 lần.


Tác giả: Anh Dũng