Trong bối cảnh mức độ bảo vệ của vaccine cần được duy trì mạnh mẽ trước những làn sóng tấn công dồn dập của các biến thể mới xuất hiện, một số quốc gia đã công bố kế hoạch tiêm chủng mở rộng mũi vaccine COVID-19 thứ 3 (hay còn gọi là mũi nhắc lại, tăng cường). Các nghiên cứu lâm sàng đã bước đầu chứng minh được rằng mũi tiêm đặc biệt này có thể tăng cường khả năng tự bảo vệ của những người đã được tiêm chủng đầy đủ bằng cách tối ưu hóa các phản ứng miễn dịch.
Đọc thêm bài viết:
- Tiêm một mũi vắc xin Covid 19 có tác dụng không? Tại sao cần mũi tiêm thứ 2?
- Nguyên nhân khiến liều vắc xin Covid-19 thứ 2 gây phản ứng phụ mạnh hơn liều đầu tiên?
Hiện tại chúng ta vẫn chưa thể biết được các thông tin thật đầy đủ về thời gian hết bảo vệ của những liều vaccine trước đó, điều này cũng có nghĩa là chúng ta cũng khổng thể nắm được thời gian chính xác cơ thể cần được bổ sung mũi tăng cường. Mặt khác, các nhà khoa học cũng cho biết, nguồn cung vaccine có thể sẽ bị lệch nếu tiến hành tiêm nhắc lại trên diện rộng. Chính vì vậy, rất ít khả năng mũi tiêm tăng cường sẽ trở thành một phần bắt buộc trong chiến dịch phòng bệnh bằng vaccine của nhân loại.
Theo các chuyên gia, liều tiêm tăng cường có thể được cung cấp cho bất kì ai đã tiêm phòng một thời gian nhất định trước đó, đặc biệt là những người có dấu hiệu bắt đầu suy giảm hệ miễn dịch. Liều vaccine thứ 3 được cơ thể tiếp nhận giúp gia tăng mạnh mẽ số lượng kháng thể, từ đó tăng cường mức độ miễn dịch của các niêm mạc mũi và cổ họng, làm mạnh thêm lớp phòng thủ trước sự xâm nhập của virus. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi, có ý kiến cho rằng sự bảo vệ của liều tăng cường này có thể tồn tại dài lâu.
Tại Mỹ và Israel, các mũi tiêm tăng cường hiện đang được cung cấp cho những người mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng và những người có nguy cơ cao, ở tuyến đầu chống dịch. Các chuyên gia cho rằng, những căn bệnh về miễn dịch đồng nghĩa với việc có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn bình thường. Vì vậy, nhóm đối tượng này cần được tiếp nhận vaccine càng sớm càng tốt theo sự hướng dẫn của các y bác sĩ.
Hiện tại, những tác dụng phụ diễn ra sau khi tiêm liều vaccine tăng cường vẫn chưa được nghiên cứu sâu do còn thiếu về mặt dữ liệu. Đây cũng là lí do vì sao WHO không khuyến khích việc tiêm liều bổ sung ngay lập tức.
Bên cạnh việc nghiên cứu về tính hiệu quả của các mũi tiêm tăng cường, các nhà khoa học hiện cũng đang chú trọng nghiên cứu tác dụng của việc tiêm kết hợp nhiều loại vaccine khác nhau. Một số ý kiến cho rằng mũi tiêm thứ 3 được cung cấp từ hãng vaccine khác thực sự có thể mang lại hiệu quả bảo vệ cao hơn.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý kiến ban đầu và cần được nghiên cứu kĩ thêm nữa. Trước mắt, các nhà chức trách vẫn đang tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung vaccine những mũi tiêm chính cho người dân. Việc tiêm tăng cường ở thời điểm hiện tại có thể làm cạn kiệt nguồn cung vaccine trên thế giới.