Mức độ nguy hiểm của bệnh gout ở người trẻ

Tham vấn chuyên môn:
Mức độ nguy hiểm của bệnh gout ở người trẻ
Nhiều người thường quan niệm bệnh gout là căn bệnh của người già, người giàu. Tuy nhiên ngay chính cả người trẻ cũng đang dần nâng tỷ lệ mắc bệnh gout do thói quen ăn uống phản khoa học.

Bệnh gout trước đây được coi là căn bệnh của đàn ông trung niên, tuy nhiên người trẻ ngày nay đang ngày càng nhiều người phải đối mặt với căn bệnh 'của người giàu' này.

Bệnh gout xảy ra do rối loạn chuyển hóa nhân purin, có mối quan hệ mật thiết với acid uric trong máu, dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể urate ở các mô. Gout biểu hiện bằng những đợt viêm khớp cấp tính và sau đó tiến triển thành mạn tính.

1. Triệu chứng cơn gout ở người trẻ

Nhìn chung, ở độ tuổi nào cũng sẽ có những triệu chứng tương đồng nhau. Triệu chứng đặc trưng của cơn gout cấp là khởi đầu đột ngột với tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội thường ở một khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái, làm hạn chế vận động.

Bệnh gout thường ảnh hưởng đến các khớp ở chi dưới. Khi bệnh gout nặng hơn hoặc tiến triển mạn tính, nhiều khớp có thể bị ảnh hưởng cùng một lúc dẫn đến đau và cứng khớp, hình thành hạt tophi ở khớp, bệnh thận do gout.

Gout là một trong những căn bệnh hàng đầu về cơ xương khớp, chiếm 1/3 tỷ lệ bệnh nhân đến khám. Điều đáng quan ngại là người mắc gout ngày càng trẻ hóa. Cứ 4 người đến khám tại khoa được chẩn đoán mắc gout, thì có từ 1 đến 2 người trong độ tuổi 30 - 40 và tỉ lệ này ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, đối với người trẻ, do lối sống và thói quen trong sinh hoạt, làm việc bận rộn mà thường chủ quan, xem nhẹ không điều trị bệnh. Cho rằng bệnh gout không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp…nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.

2. Mức độ nguy hiểm của bệnh gout ở người trẻ

Người trẻ mắc bệnh gout đại đa số thường dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp. Sau đó khi thấy các triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Người trẻ mắc bệnh gout nếu không được điều trị dứt điểm, nguy cơ dẫn đến mạn tính là rất cao. Nếu trở thành mạn tính, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc và điều trị gần như suốt đời. Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh sẽ dễ bị biến dạng xương khớp, giảm chức năng vận động, thậm chí dẫn tới tàn phế làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống.

Khi những hạt tophi bị vỡ, nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập rất cao và gây ra viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết.

Ngoài ra, bệnh gout còn gây ra sỏi thận, suy thận và ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể.

Việc sử dụng các thuốc giảm đau một cách bừa bãi của một bộ phận không nhỏ người bệnh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử. 

Tuy nhiên theo các chuyên gia, khi được chẩn đoán mắc bệnh gout, người trẻ không nên quá lo lắng mà điều trị nóng vội. Một số người bệnh có tâm lý sử dụng thuốc lâu dài sẽ nóng và gây hại cho các cơ quan trong cơ thể, nhưng đây là quan niệm sai lầm vì hiện nay đã có nhiều thuốc an toàn cho người bệnh.

Thậm chí đối với những trường hợp người bệnh dị ứng với thuốc hạ axit uric máu cũng đã có thuốc khác không gây dị ứng thay thế.

Người trẻ ngày nay thường mắc bệnh nhiều hơn so với thời đại trước đây. Sở dĩ bởi lối sống sinh hoạt kém lành mạnh, tiêu thụ nhiều thuốc lá rượu bia, thường xuyên ăn nhậu, tụ tập khiến sức khỏe giảm sút. Thêm vào đó là thói quen lười vận động, ít dành thời gian chăm sóc cơ thể, do vậy sức đề kháng yếu hơn, nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày, béo phì, tim mạch, gout... ngày càng tăng cao. 


Tác giả: TMH