Mùa lạnh "khư khư" giữ 4 thói quen này bảo sao mắc bệnh hô hấp tái đi tái lại mãi không khỏi

Mùa lạnh "khư khư" giữ 4 thói quen này bảo sao mắc bệnh hô hấp tái đi tái lại mãi không khỏi
Các bệnh hô hấp thường gặp vào mùa lạnh có thể kể đến như cúm, cảm lạnh, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi,... Nếu không có biện pháp chăm sóc sức khỏe đúng cách dễ khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Vì sao bệnh hô hấp mùa lạnh lại phổ biến hơn?

Bước vào mùa lạnh, không khí trở nên khô và lạnh hơn, chưa kể đến thời điểm hiện tại nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ban ngày và ban đêm khiến cho đường hô hấp dễ bị kích ứng và tổn thương hơn do không thích nghi kịp, đặc biệt ở người sẵn có các bệnh hô hấp hoặc tiền sử bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm thanh quản,...

Ngoài ra hệ miễn dịch cũng dễ bị suy yếu hơn trong mùa đông, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây ra các bệnh hô hấp mùa lạnh như cúm, cảm lạnh thông thường,... Kết hợp với điều kiện vệ sinh trong nhà kém sạch sẽ, không khí đục với nhiều mạt bụi và vi nấm khiến các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng tăng lên rất nhiều.

Mùa lạnh "khư khư" giữ 4 thói quen này bảo sao mắc bệnh hô hấp tái đi tái lại mãi không khỏi - Ảnh 1.

Số ca mắc bệnh hô hấp gia tăng trong mùa lạnh (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

+ 3 thói quen mùa lạnh khiến xương khớp sớm lão hóa, bệnh tật liên tục "bủa vây"

+ Đau xương khớp trở nặng vào mùa lạnh, ra vườn hái ngay 5 loại cây này để uống

1. Những thói quen có hại gây bệnh hô hấp cần tránh trong mùa lạnh

Để phòng ngừa bệnh hô hấp mùa lạnh, đặc biệt là hạn chế tình trạng tái đi tái lại bệnh cần tránh các thói quen có hại sau:

- Mặc quần áo không đủ ấm hoặc mặc quá nhiều quần áo: Cơ thể tiếp xúc lâu với không khí lạnh dễ tích tụ hàn sinh, làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng chống lại vi sinh vật gây bệnh. Ngoài ra, niêm mạc mũi họng có thể bị kích ứng do không khí khô lạnh khi đường thở không được che chắn kỹ, từ đó virus và vi khuẩn gây bệnh dễ xâm nhập và gây bệnh hơn.

Không chỉ mặc không đủ ấm có thể gây bệnh mà mặc quá nhiều quần áo cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp mùa lạnh. Nguyên nhân được giải thích là do mặc quá ấm khiến mồ hôi sinh không thoát ra được, ngấm ngược trở lại vào cơ thể dẫn tới các bệnh như cảm lạnh, bệnh viêm phế quản hay viêm phổi. Thay vào đó nên mặc nhiều lớp áo để dễ dàng điều chỉnh thân nhiệt khi cần thiết.

Mùa lạnh "khư khư" giữ 4 thói quen này bảo sao mắc bệnh hô hấp tái đi tái lại mãi không khỏi - Ảnh 3.

Mùa lạnh khi ra đường cần chú ý giữ ấm mũi miệng, tránh hít không khí khô lạnh trực tiếp tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp (Ảnh: ST)

- Đóng kín cửa thường xuyên để giữ "ấm nhà": Thói quen này hoàn toàn có hại cho sức khỏe tổng thể và hệ thống hô hấp. Đóng kín cửa trong thời gian dài khiến không khí trong nhà kém lưu thông, các yếu tố như nấm mốc, mạt bụi, hóa chất do đun nấu và tẩy rửa, virus, vi khuẩn tích tụ lại dẫn tới nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm, chẳng hạn như viêm phổi kích ứng gây ho kéo dài hay bệnh hen suyễn, viêm xoang,...

- Tập thể dục vào mọi thời điểm trong ngày: Mặc dù tập thể dục rất tốt để cải thiện sức khỏe cũng như hệ miễn dịch, hô hấp nhưng tập thể dục sai thời điểm có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các bệnh hô hấp do không khí lạnh gây ra kích ứng phổi, bùng phát hen suyễn, viêm xoang, viêm thanh quản,... Tốt nhất, nên hạn chế tập thể dục vào thời điểm sáng sớm và đêm muộn bởi hai thời điểm này nhiệt độ thường xuống thấp nhất.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân kém: Rửa tay thường xuyên, thay quần áo mỗi khi trở về nhà là những điều quan trọng cần nhớ để phòng ngừa bệnh hô hấp mùa lạnh hiệu quả. Trong đó, bàn tay là nơi thường xuyên tiếp xúc với nhiều bề mặt thậm chí là các giọt khí dung mang mầm bệnh trong không khí nên nếu vệ sinh cá nhân kém sẽ rất dễ nhiễm các bệnh hô hấp lây lan do virus, vi khuẩn.

Mùa lạnh "khư khư" giữ 4 thói quen này bảo sao mắc bệnh hô hấp tái đi tái lại mãi không khỏi - Ảnh 4.

Nên rửa tay thường xuyên mỗi khi đi vệ sinh, trước khi ăn và trước khi chuẩn bị nấu ăn (Ảnh: ST)

2. Các bệnh hô hấp mùa lạnh thường gặp và dấu hiệu nhận biết sớm

Có nhiều bệnh hô hấp dễ xảy ra trong điều kiện thời tiết lạnh mà bạn cần chú ý, bao gồm:

- Bệnh cúm: Theo CDC, các triệu chứng bệnh cúm thường xuất hiện đột ngột bao gồm, sốt hoặc ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước nước hoặc ngạt mũi, đau nhức cơ thể và mệt mỏi nghiêm trọng, đau nhức đầu, đôi khi có thể kèm theo nôn mửa và tiêu chảy (phổ biến hơn với bệnh cúm ở trẻ em).

Hầu hết những người mắc cúm sẽ hồi phục trong vòng vài ngày đến dưới hai tuần, nhưng một số người có thể gặp biến chứng (chẳng hạn như viêm phổi) do cúm, một số biến chứng cúm trong đó có thể đe dọa tính mạng. Nếu cảm thấy các triệu chứng cúm nghiêm trọng hơn, không biến mất kèm theo khó thở, mất nước, yếu cơ nghiêm trọng, da tím tái, thở lõm lồng ngực thì cần thăm khám bác sĩ sớm.

- Bệnh cảm lạnh thông thường: Mọi người đều có nguy cơ bị cảm lạnh thông thường và tỷ lệ mắc bệnh cảm lạnh cũng tăng lên vào mùa đông, đặc biệt ở trẻ em và người lớn tuổi. Người mắc bệnh cảm lạnh thông thường chủ yếu có các dấu hiệu như: Nghẹt mũi, chảy nước mũi; ngứa họng, đau họng; hắt hơi; sốt nhẹ; ho khan nhẹ; đau nhức cơ và mệt mỏi nhẹ.

Mùa lạnh "khư khư" giữ 4 thói quen này bảo sao mắc bệnh hô hấp tái đi tái lại mãi không khỏi - Ảnh 5.

Mọi người đều có nguy cơ bị cảm lạnh thông thường và tỷ lệ mắc bệnh cảm lạnh cũng tăng lên vào mùa đông (Ảnh: ST)

Cảm lạnh thường bắt đầu sau 2 đến 3 ngày kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể và các triệu chứng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Cảm lạnh có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát, bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn, viêm tai giữa và viêm xoang có thể cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.

- Viêm thanh quản: Theo NHS, viêm thanh quản thường xuất hiện đột ngột và trở nên nghiêm trọng hơn trong 3 ngày đầu tiên. Các triệu chứng viêm thanh quản thường gặp là sự thay đổi ở giọng nói, giọng nói khàn hơn, đôi khi kèm theo mất giọng; ho kéo dài không khỏi; thường xuyên phải hắng giọng; đau họng. Đối với trẻ bị viêm thanh quản có thể bị sốt trên 38 độ C hoặc cao hơn nhưng hiếm khi bị khó thở.

Viêm thanh quản thường liên quan đến các bệnh khác, chẳng hạn như cảm lạnh và cúm, vì vậy bạn cũng có thể có các triệu chứng khác giống của bệnh đó.

- Viêm phế quản: Triệu chứng chính, chung của cả viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mãn tính là ho. Cơn ho do viêm phế quản có thể là ho khan, ho khò khè hoặc ho có đờm/chất nhầy. Triệu chứng viêm phế quản cấp tính ở trẻ em cũng bao gồm sốt nhẹ, tuy nhiên trẻ có thể bị viêm phế quản mà không sốt, kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, ho và đau họng kèm theo nôn mửa, trớ, đau lưng và cảm giác không khỏe nói chung.

Mùa lạnh "khư khư" giữ 4 thói quen này bảo sao mắc bệnh hô hấp tái đi tái lại mãi không khỏi - Ảnh 6.

Trẻ nhỏ có thể bị viêm phế quả mà không sốt nên cần đặc biệt chú ý (Ảnh: ST)

Các triệu chứng viêm phế quản thường khỏi sau 1 tuần tới 10 ngày và thường tự khỏi mà không cần điều trị nếu viêm phế quản xảy ra do virus xâm nhập. Với viêm phế quản mãn tính, các triệu chứng của bệnh không hết mà kéo dài vài tháng, thậm chí là vài năm và có thể tái phát nhiều đợt trong năm.

- Viêm phổi: Viêm phổi là một loại nhiễm trùng đường hô hấp khiến các túi khí nhỏ trong phổi bị viêm do virus, vi khuẩn, nấm hoặc các tác nhân khác. Theo NHS Hoa Kỳ, các triệu chứng phổ biến nhất của viêm phổi bao gồm: Ho; đờm/chất nhầy màu vàng hoặc xanh trong họng/miệng; khó thở; đau ngực và đau tăng lên khi ho; nhịp tim nhanh; run rẩy và đổ mồ hôi; ăn không ngon, chán ăn. Triệu chứng ít phổ biến hơn có thể kể đến như mệt mỏi, đau nhức đầu, buồn nôn, ho ra máu.

- Hen suyễn: Hen suyễn là một bệnh đường hô hấp khiến đường thở sưng lên và hẹp lại. Tiếp xúc với không khí khô lạnh vào mùa đông dễ khiến cơn hen bùng phát. Trong cơn hen suyễn, đường hô hấp bị thít chặt lại, gây khó thở kèm theo tức ngực, thở khò khè, ho, thở nhanh, nhịp tim nhanh, buồn ngủ, kiệt sức, chóng mặt, môi hoặc ngón tay tím tái và ngất xỉu.

Mùa lạnh "khư khư" giữ 4 thói quen này bảo sao mắc bệnh hô hấp tái đi tái lại mãi không khỏi - Ảnh 7.

Hen suyễn là bệnh khiến đường thở sưng lên và hẹp lạiHen suyễn là một bệnh đường hô hấp khiến đường thở sưng lên và hẹp lại (Ảnh: ST)

- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Đặc trưng bởi cảm giác khó thở, nhất là khi tập thể dục hoặc vào ban đêm; ho có đờm lâu không khỏi; nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên; thở khò khè kéo dài. Các triệu chứng COPD ít phổ biến hơn gồm: Giảm cân, mệt mỏi, phù nề ở mắt cá chân do chất lỏng tích tụ, đau tức ngực và ho ra máu.

- Viêm xoang: Theo NHS, các triệu chứng viêm xoang phổ biến gồm đau, sưng nhức nhối ở các xoang mặt gồm xoang trán, mắt, má; mũi bị nghẹt hoặc sổ mũi; khứu giác giảm; mũi có chất nhầy màu xanh lá cây hoặc màu vàng; có thể bị sốt kèm theo đau nhức đầu, đau răng; hơi thở có mùi hôi; cảm giác tăng áp lực trong tai.

- Viêm mũi dị ứng: Triệu chứng của viêm mũi dị ứng rất giống với bệnh cảm lạnh thông thường. Có thể kể đến các triệu chứng như hắt hơi liên tục, ngứa mũi, ngứa mắt, đỏ mắt, ho kích ứng do chảy dịch mũi sau hoặc cơn ngứa họng.

Nhìn chung, để phòng ngừa bệnh hô hấp mùa lạnh bạn cần tránh các thói quen có hại cho đường hô hấp đồng thời cần chú ý tiêm phòng vaccine cúm hàng năm, tiêm phòng vaccine phế cầu với nhóm có miễn dịch dễ bị tổn thương; có chế độ ăn uống nhiều thực phẩm tốt cho đường hô hấp và hệ miễn dịch; tránh hút thuốc và uống rượu bia đồng thời chú ý tránh xa các nguồn có nguy cơ gây kích ứng đường thở như phấn hoa, ô nhiễm không khí,...

Nguồn tham khảo: CDC, Hopkins Medicine, NHS.uk,


Tác giả: Allen