Nhiễm khuẩn đường ruột còn được gọi là nhiễm trùng đường tiêu hóa. Trẻ em là nhóm dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột nhất. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột, chủ yếu là:
- Vi khuẩn dạng Campylobacter và vi khuẩn Escherichia Coli (E. Coli), trực khuẩn lỵ Shigella, Salmonella, vi khuẩn tả Vibrio Cholerae,…
- Virus như norovirus, rota virus,...
- Ký sinh trùng như Cryptosporidium, Giardia,...
Thông qua việc trẻ ăn uống thực phẩm bị ô nhiễm, nguồn nước không đảm bảo an toàn; đồ chơi không hợp vệ sinh; tiếp xúc với thú cưng mang mầm bệnh,...Nhất là mùa hè nóng bức năm nay đang bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết,... khiến hệ miễn dịch của trẻ dễ bị xâm nhập hơn.
Với mỗi tác nhân gây nhiễm khuẩn đường ruột khác nhau sẽ có các biểu hiện khác nhau. Dưới đây là một số triệu chứng nhiễm khuẩn đường ruột phổ biến:
- Chán ăn, ăn không ngon miệng, bỏ ăn
Do đau bụng và cảm giác đầy hơi nên trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột thường bị chán ăn, ăn không ngon miệng. Đối với trẻ còn bú mẹ thì trẻ bỏ bú, không chơi như bình thường. Đây cũng được xem như là một dấu hiệu sớm của nhiễm khuẩn đường ruột mà phụ huynh cần lưu ý.
- Đau bụng và buồn nôn
Đặc trưng của trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột là đau bụng co thắt với tần suất cơn đau từ 3 - 4 phút mỗi lần và sau đó cơn đau sẽ nhanh với mức độ nghiêm trọng hơn. Đi kèm với triệu chứng co thắt đau bụng là cảm giác bị đầy bụng, buồn nôn và nôn nhiều lần.
Đọc thêm:
+ Tiêu chảy ở trẻ em bao lâu thì khỏi?
+ Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón và cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh
- Tiêu chảy lẫn chất nhầy
Khi vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào hệ tiêu hóa, ngoài đau bụng thì trẻ có thể bị tiêu chảy nhiều lần dẫn tới mất nước. Phụ huynh có thể thấy trẻ mệt mỏi, ủ rũ, môi khô, đi tiểu tiện ít hơn bình thường/thay tã ít hơn bình thường, da ướt, mắt trũng, cáu kỉnh, quấy khóc và lờ đờ.
Trẻ bị tiêu chảy nặng liên tục và phân có lẫn nhầy máu kèm sốt cao thì cần nhanh chóng cho trẻ thăm khám tại cơ sở y tế. Trẻ bị mất nước không bù kịp thời có thể dẫn tới suy hô hấp, nhiễm trùng máu và đe dọa tới tính mạng.
- Hội chứng ruột kích thích
Mặc dù triệu chứng này phổ biến ở người cao tuổi hoặc người đang bị căng thẳng nhưng đôi khi cũng có thể gặp ở trẻ. Các triệu chứng chủ yếu là đại tiện phân không đều, đau bụng âm ỉ và thỉnh thoảng có các cơn đau quặn bụng.
Ngoài các triệu chứng điển hình trên thì trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cũng có thể bị đau nhức đầu, đôi khi bị táo bón, ngủ nghiến răng, ngứa rát da, rối loạn giấc ngủ,...
Mặc dù nhiễm khuẩn đường ruột phổ biến, có thể điều trị được và không nghiêm trọng nhưng nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời bằng các biện pháp y tế có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ bao gồm:
- Xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày
- Viêm loét đại trực tràng, hội chứng ruột kích thích
- Mất nước nghiêm trọng do không kịp bù nước gây hôn mê sâu, tử vong.
Đa số trường hợp bị nhiễm khuẩn đường ruột có thể được điều trị tại nhà bằng một số biện pháp khác phục như bổ sung nước và điện giải cho trẻ chống mất nước do nôn mửa và tiêu chảy; bổ sung lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa bằng các thực phẩm dễ tiêu như sữa chua, men tiêu hóa; chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ nghỉ ngơi... Các thuốc điều trị triệu chứng khác có thể được sử dụng, tuy nhiên cha mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước để tránh tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc cho trẻ.
Khi chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng đường ruột cha mẹ cũng cần lưu ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho cả trẻ và người chắm sóc, không sử dụng chung vật dụng cá nhân và lau dọn phòng trẻ, đồ chơi thường xuyên.
Với những trường hợp trẻ bị mất nước, nhiễm trùng đường ruột nặng và không thể bù qua đường uống thì bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ truyền nước qua tĩnh mạch, thuốc kháng sinh (chẳng hạn Cotrimoxazol, kháng sinh nhóm imidazole) hoặc các biện pháp điều trị khác sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Những triệu chứng cần thăm khám bác sĩ sớm bao gồm:
- Tiêu chảy lẫn máu trong phân
- Sốt cao
- Đau bụng, co thắt bụng dữ dội
- Mất nước không bù qua đường uống được
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi không bú, tay chân lạnh, quấy khóc liên tục, tã không, mặt lờ đờ kèm sốt
- Trẻ mới biết đi bị đi ngoài liên tục không cầm có lẫn dịch máu và sút cân bất thường.
Để phòng tránh nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ, đặc biệt là khi trẻ đang trong kì nghỉ hè, cha mẹ cần:
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ: rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh; rửa tay trước và sau khi chạm vào thực phẩm (sống), vật nuôi; rửa tay trước và sau khi ăn; rửa tay trước khi đưa tay chạm vào mắt, mũi và miệng
- Cho trẻ ăn chín uống sôi, nếu ăn ngoài cần chọn các cơ sở ăn uống đảm bảo vệ sinh
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khử trùng đồ chơi cho trẻ thường xuyên
- Khi nghỉ hè cha mẹ thường cho trẻ tham gia các trại hè, nông trại tiếp xúc với gia cầm, gia súc cần đảm bảo khoảng cách an toàn, có thiết bị bảo hộ và vệ sinh tay chân, quần áo sạch sẽ sau khi chơi; tránh xa các con vật đang bị ốm
- Trong ăn uống, nên lựa chọn cho trẻ các đồ ăn nóng; hạn chế thực phẩm có chứa các chất tạo ngọt nhân tạo hay nhiều chất phụ gia; hạn chế cho trẻ uống nước trái cây đóng sẵn;...
- Nếu trẻ bị bệnh tuyệt đối không được mua kháng sinh tự điều trị mà không có chỉ dẫn của bác sĩ; tuyệt đối không chữa mẹo theo phương pháp dân gian có thể khiến sức khỏe của trẻ bị nguy hiểm.
Nhìn chung, nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng ở trẻ đều có thể lây lan nên nếu trẻ bị bệnh cần hết sức cẩn thận khi tiếp xúc để đảm bảo an toàn.