Ăn thịt có tốt không? Có, ăn thịt tốt cho nhiều khía cạnh sức khỏe nhờ giàu các thành phần dinh dưỡng đặc biệt là chứa tất cả 9 loại axit amin thiết yếu của cơ thể (nguồn protein chất lượng cao) cùng vitamin nhóm B như B6 và B12, vitamin A, niacin, sắt, phốt pho, kẽm, selen, thiamine hay các axit béo như omega-3 và omega-6. Có 2 loại thịt cơ bản là thịt đỏ (gồm thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt bê, thịt dê, thịt ngựa, thịt trâu và các loài nai, bò rừng và nai sừng tấm) và thịt trắng (gồm thịt gia cầm, cá, ếch, rắn,...).
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng và hệ miễn dịch cũng như khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Ăn nhiều thịt, đặc biệt là thịt đỏ và thịt đỏ chế biến sẵn có liên quan tới nguy cơ ung thư hay bệnh tim mạch, đường ruột,... Nhưng ăn thịt vừa phải, ưu tiên các loại thịt trắng với lượng phù hợp sẽ đem tới nhiều công dụng cho sức khỏe như bổ sung năng lượng, xây dựng khối lượng cơ bắp, góp phần vào các quá trình sinh học của cơ thể.
Đọc thêm:
+ Điều gì xảy ra khi bạn ngừng ăn thịt?
+ Ăn thịt xông khói có tốt không? Thịt xông khói bao nhiêu calo?
Vào mùa đông, nhiệt độ ngoài trời giảm với không khí khô lạnh hoặc độ ẩm quá cao là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn và nấm gây bệnh sinh sôi và phát triển, tấn công hệ miễn dịch và gây bệnh. Ngoài tập thể dục thường xuyên, tiêm chủng đầy đủ thì chế độ ăn mùa lạnh cũng cần phải chú ý để nâng cao hàng rào miễn dịch của cơ thể, bồi bổ khí huyết và phòng ngừa bệnh tật.
Theo Sohu, có 3 loại thịt nên được thêm vào chế độ ăn mùa đông nếu bạn đang băn khoăn mùa đông nên ăn thịt gì tốt. Lưu ý rằng, tùy từng thể trạng sức khỏe, cân nặng, tuổi tác, giới tính, mức độ vận động của mỗi người mà lượng thịt tiêu thụ sẽ có sự khác biệt. Hãy trao đổi với bác sĩ xem bạn nên ăn bao nhiêu thịt mỗi ngày nếu đang uống thuốc theo đơn để tránh khiến các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn do ăn quá nhiều thịt.
Cá là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời, là nguồn thịt trắng với protein chất lượng cao cùng các khoáng chất như natri, canxi, kali. Nói cách khác, theo NIH, cá là thực phẩm giàu hợp chất có đặc tính điều hòa miễn dịch, trong đó có axit béo omega-3, melatonin, tryptophan, taurine và polyamines. Ngoài ra, việc ăn cá thường xuyên còn thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn trong ruột, như vi khuẩn sản xuất axit béo chuỗi ngắn, tăng cường miễn dịch và sức khỏe tiêu hóa.
Các loại cá như cá béo giàu omega-3 gồm cả DHA và EPA còn có tác dụng giảm và kiểm soát tình trạng viêm mãn tính ở mức thấp. Viêm mãn tính có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm ung thư, bệnh tim, viêm khớp và tiểu đường. Một nghiên cứu năm 2021 được đăng tải trên Tạp chí Nutrients cũng cho thấy, cứ mỗi 20 gam cá bạn ăn mỗi ngày nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong của bạn sẽ giảm 4%.
Ăn cá còn là cách hấp thụ nguồn vitamin D tốt nhất, chẳng hạn như cá hồi, cá trích. Thiếu hụt vitamin D có thể ảnh hưởng tới tâm trạng, chất lượng giấc ngủ kém hơn vào mùa đông.
Nên ăn bao nhiêu cá mỗi ngày? Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người nên ăn ít nhất 2 bữa cá, tương đương khoảng 340 gam cá một tuần. Đối với các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu... mỗi người nên ăn ít nhất 140 gam một tuần. Phụ nữ chuẩn bị hoặc đang có thai, cho con bú không nên ăn quá 280 gam cá mỗi tuần. Nam và nữ giới khỏe mạnh và phụ nữ có thể ăn tối đa 560 gam cá béo một tuần.
Theo Đông y, thịt bò có vị ngọt tính bình; vào kinh và vị; có công năng bổ tỳ ích vị, bổ khí, dưỡng huyết, cường gân tráng cốt. Trong các loại thịt thì thịt bò có giá trị dinh dưỡng được đánh giá là cao nhất, không chỉ giàu protein mà còn chứa lipid, các loại muối khoáng và vitamin có lợi cho sức khỏe gồm miễn dịch, cơ bắp,...
Do vậy mùa đông nên ăn thịt gì thì thịt bò có thể là một lựa chọn nên được ưu tiên. Tuy nhiên nên ăn thịt bò ở lượng vừa phải, tránh gặp phải các tác hại do tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ như thịt bò gây ra.
Đối với hệ miễn dịch, thịt bò là nguồn giàu kẽm. Cơ thể chúng ta cần kẽm để chữa lành mô bị tổn thương và hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Nghiên cứu cho thấy thiếu kẽm có liên quan tích cực đến phản ứng miễn dịch thấp hơn và một khẩu phần thịt bò cung cấp tới 39% nhu cầu kẽm hàng ngày của cơ thể. Trẻ em và thanh thiếu niên cũng cần được cung cấp một lượng kẽm lành mạnh để đảm bảo được phát triển thể chất và tinh thần khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, thịt bò còn là nguồn cung cấp glutathione là một hợp chất có đặc tính chống lại stress oxy hóa và viêm gây bệnh mãn tính cho cơ thể. Ngược lại, thiếu hụt glutathione đã được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính và tăng dấu hiệu viêm trong máu.
Ngoài ra, các vitamin nhóm B trong thịt bò như vitamin B3, vitamin B6 và vitamin B12 cũng góp phần vào quá trình chuyển hóa chất đạm và chất béo, hỗ trợ cho hoạt động của hệ miễn dịch, duy trì sức khỏe của các tế bào máu đỏ, nuôi dưỡng hệ thần kinh và giảm nguy cơ trầm cảm, cải thiện chất lượng giấc ngủ,...
Nên ăn bao nhiêu thịt bò một tuần? Không nên ăn thịt bò quá ba lần mỗi tuần và không quá 350 - 500 gam thịt bò một tuần để tránh gây ra các tác hại tiêu cực cho sức khỏe.
Thịt cừu ít phổ biến hơn cá hay thịt bò. Mùa đông nên ăn thịt gì? Hãy thử ăn thịt cừu. Theo Đông Y, thịt cừu có tính ôn, ăn thịt cừu giúp bổ thận tráng dương, đuổi hàn khí và bồi bổ khí huyết. Theo y học hiện đại, thịt cừu là nguồn protein chất lượng cao cùng nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng cho cơ thể như sắt, vitamin B6, vitamin B12, axit béo omega-3, niacin, phốt pho và kẽm. Đây đều là những chất dinh dưỡng quan trọng cho chức năng sống của cơ thể, bao gồm hỗ trợ miễn dịch, kiểm soát cholesterol, hệ thần kinh và sức khỏe xương.
Tuy nhiên, cũng giống như thịt bò thì bạn cũng chỉ nên ăn thịt cừu ở một lượng vừa phải. Theo WebMD, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiêu thụ nhiều các sản phẩm thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, thịt bê và thịt cừu non có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính, bao gồm: Đột quỵ, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tụy, bệnh tim, bệnh tiểu đường,....
Nên ăn bao nhiêu thịt cừu mỗi tuần? Không có lượng khuyến nghị cụ thể nhưng bạn không nên ăn quá nhiều thịt cừu, chỉ nên giới hạn tiêu thụ dưới 500 gam mỗi tuần để đảm bảo sức khỏe.
Ngoài các thực phẩm mùa đông nên ăn thịt gì kể trên gồm cá, thịt bò và thịt cừu thì bạn cũng nên ăn đa dạng các nguồn protein khác nhau, từ động vật tới thực vật. Với nguồn protein từ động vật, nhất là thịt đỏ thì không nên tiêu thụ quá nhiều.
Nhìn chung, vào mùa đông để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật bạn cần xây dựng một chế độ ăn cân bằng và lành mạnh, giàu vitamin cùng khoáng chất đặc biệt là các chất có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm như omega-3; thực phẩm giàu kẽm; thực phẩm giàu vitamin nhóm B, D;... Đồng thời đảm bảo giữ ấm cơ thể đúng cách, hạn chế tiếp xúc với người có bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng đầy đủ và tập thể dục ít nhất 150 phút cường độ vừa phải mỗi tuần.
Nguồn tham khảo:
1. Sohu
2. 7 Foods That Fight Back: Immune System Boosters
3. 11 Evidence-Based Health Benefits of Eating Fish
4. Beef: Health Benefits, Nutrition, and How to Prepare It
5. What to Know About Lamb Nutrition