Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vừa công bố kết quả tầm soát biến chủng SARS-CoV-2 trong 6 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố. Theo đó, biến chủng phụ XBB được ghi nhận tại TP.HCM vào tháng 12/2022 nhưng tỷ lệ thấp (3/52 trình tự giải mã vào tháng 12, chiếm 5,7%).
Kết quả nghiên cứu do nhóm nghiên cứu COVID-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện trên 526 bệnh nhân COVID-19, là những ca COVID nhập viện từ ngày 1/7/2022 đến 25/12/2022. Trong đó, 67% (tương ứng với 353 ca) bệnh nhân có tải lượng virus phù hợp và được giải mã gene. Các nhà nghiên cứu thu nhận 336 bộ gene SARS-CoV-2, chiếm 95% trong tổng số 353 mẫu được đem đi phân tích.
Kết quả định danh cho thấy sự lưu hành của biến thể Omicron trong 6 tháng cuối năm và một chủng Delta ghi nhận vào tháng 7/2022.
Nhóm nghiên cứu đánh giá, có sự dịch chuyển từ biến thể phụ BA.5 của Omicrion (từ tháng 7 đến tháng 9/2022) sang biến thể phụ BA.2.75 (bao gồm biến thể phụ BN.1) trong 3 tháng cuối năm.
Ngoài ra, kết quả còn ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB vào tháng 12/2022 nhưng ở tỷ lệ thấp. Cụ thể là 3/52 trình tự giải mã vào tháng 12, chiếm 5,7%.
Đọc thêm:
- Các triệu chứng Covid-19 có thay đổi nếu bạn bị tái nhiễm nhiều lần không?
- 17 tình trạng khiến bạn mắc COVID "mãi không khỏi"
Sự dịch chuyển theo thời gian giữa các biến thể phụ của Omicron từ BA.5 sang BA.2.75 trên địa bàn TP.HCM là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Dựa vào diễn biến dịch COVID-19 thời gian qua và kết quả điều tra huyết thanh vào tháng 9, nhóm nghiên cứu nhận định, tình hình COVID-19 của TP.HCM đang được kiểm soát tốt. Qua đó, thể hiện vai trò của vaccine COVID-19 trong việc bảo vệ bệnh nhân nặng và tử vong.
Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo công tác tầm soát biến thể của SARS-CoV-2 tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho chương trình ứng phó đại dịch COVID-19 trên địa bàn.
XBB.1.5 là một biến thể phụ của XBB. Mặc dù tại Việt Nam chưa phát hiện biến thể XBB.1.5. Nhưng do sự giao lưu, đi lại vào dịp Tết, sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
William Schaffner, MD, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư về y tế dự phòng và chính sách y tế tại Trường Y khoa Đại học Vanderbilt cho biết: "Rõ ràng là XBB.1.5 rất, rất dễ lây lan vì nó dường như vượt trội so với một số biến thể khác." Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể XBB gây bệnh nghiêm trọng hơn các biến chủng khác.
Các triệu chứng của XBB.1.5 được cho là tương tự như các chủng Omicron trước đó nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định điều này. Hầu hết mọi người trải qua các triệu chứng giống như cảm lạnh.
Vì XBB.1.5 là biến thể của chủng omicron nên Tiến sĩ Schaffner tin rằng các loại vắc-xin hiện tại vẫn có khả năng bảo vệ đáng kể, ngăn ngừa nhiễm bệnh và giảm nguy cơ trở nặng khi nhiễm virus. Vì vậy, mọi người vẫn nên tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của các chuyên gia.