Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc giảm đau lưng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc giảm đau lưng
Một trong những bất tiện của căn bệnh đau lưng chính là các cơn đau dữ dội và kéo dài. Người bệnh thường có thói quen sử dụng các loại thuốc giảm đau lưng nhằm khắc phục tình trạng này. Thế nhưng, ít ai tìm hiểu về các tác dụng phụ của chúng.

Các loại thuốc giảm đau lưng thường có tác dụng giảm đau trong thời gian ngắn. Do đó nhiều người bệnh có thói quen lạm dụng các loại thuốc này trong quá trình điều trị. Điều này gây tác động xấu đến sức khoẻ người bệnh do các tác dụng phụ mà thuốc mang lại.

1. Thuốc giảm đau lưng gây ảnh hưởng đến dạ dày và đường tiêu hoá

Sử dụng thuốc giảm đau lưng trong thời gian kéo dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày, cụ thể là các tổn thương tại niêm mạc dạ dày và đường tiêu hoá. Nguyên nhân là các thành phần trong thuốc giảm đau lưng có thể gây tổn hại màng nhầy dạ dày, từ đó gây ra tình trạng xuất huyết và viêm loét dạ dày.

Đặc biệt, người bị đau lưng có tiền sử mắc bệnh dạ dày cần tránh các loại thuốc giảm đau lưng thuộc nhóm NSAID. Tính chất chung của nhóm NSAID là các dẫn chất axit có độ tan không cao. Trong môi trường axit dạ dày các dẫn chất này lại càng khó tan, sinh ra hiện tượng kết tụ. Các tinh thể axit bị kết tụ này sẽ tác động lên dạ dày, gây tình trạng loét dạ dày. 

Vì vậy, người bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại thuốc giảm đau phù hợp. Đồng thời trước khi sử dụng thuốc người bệnh cần bổ sung một lượng thức ăn vừa đủ. Nên uống thuốc với nước lọc và uống thật nhiều nước để giảm tác dụng phụ của thuốc giảm đau. Không nên uống thuốc cùng các loại nước khác như trà, cà phê hay sữa.

2. Thuốc giảm đau lưng ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch

Thuốc giảm đau lưng thuộc nhóm NSAID như Ibuprofen, acetaminophen hay paracetamol gây tăng huyết áp ở người đau lưng. Nguyên nhân là các loại thuốc này khiến cho COX bị ức chế, gây ra tình trạng ứ nước và muối. Chính điều này gây ra tình trạng tăng huyết áp ở người bệnh đau lưng. Ngoài ra, chúng còn có tác động làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị huyết áp cao.

Các loại thuốc giảm đau lưng còn có tác dụng phụ đối với người có vấn đề về tim mạch, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim. Trường hợp này người bệnh nên sử dụng aspirin liều thấp hoặc paracetamol để dự phòng nhồi máu cơ tim.

3. Ảnh hưởng đến gan và thận

Một trong những tác dụng phụ của thuốc giảm đau lưng paracetamol là gây ảnh hưởng đến chức năng gan, đặc biệt khi người bệnh sử dụng trong thời gian dài. Điều này xuất phát từ quá trình chuyển hóa paracetamol sản sinh ra chất peroxit có hại cho gan. Triệu chứng của tổn thương gan do thuốc gồm: buồn nôn, chán ăn, thậm chí là suy gan.

Các loại thuốc giảm đau lưng như ibuprofen, paracetamol hay naproxen còn có thể gây ra tình trạng suy thận, nhất là ở các bệnh nhân đau lưng từng mắc các vấn đề về thận. Những loại thuốc này có tác động không tốt lên mô thận và cấu trúc thận. Từ đó gây nên tình trạng co các mạch máu ở thận. Dấu hiệu của tình trạng suy thận có thể kể đến: hít thở khó khăn, hơi thở có mùi.

4. Thuốc giảm đau lưng gây nghiện

Những loại thuốc giảm đau lưng có kê đơn như Morphin, Codeine, Hydrocodone … có thể gây nghiện cho người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể bị phụ thuộc vào thuốc, nếu không uống thuốc cơn đau sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Sử dụng các loại thuốc giảm đau lưng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Tình trạng này càng nghiêm trọng khi bệnh nhân đau lưng có tiền sử về các bệnh khác. Vì vậy người bệnh cần khai báo với bác sĩ về tiền sử bệnh để chọn được thuốc giảm đau phù hợp.


Tác giả: Thùy Dung