Trong 6 tháng đầu đời của trẻ, mẹ cần phải đặc biết lưu ý về cách chăm sóc trẻ sơ sinh do ở giai đoạn này bé vẫn còn rất non nớt. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, việc chăm sóc đúng cách trong những tháng đầu có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tương lai của trẻ. Vậy nên các bậc phụ huynh nên nắm vững những lưu ý cần thiết để chăm sóc con khoa học, giúp bé phát triển khỏe mạnh.
Cuống rốn của trẻ sơ sinh là vết thương hở và rất dễ bị nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng cuống rốn có thể biến chứng thành nhiễm trùng máu ở trẻ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, mẹ cần chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh hàng ngày và tuân thủ các bước như sau:
- Rửa tay thật sạch, sát trùng tay với cồn 90 độ trước khi chạm vào rốn trẻ.
- Tháo băng rốn và gạc rốn một cách nhẹ nhàng.
- Quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh rốn để phát hiện những biểu hiện bất thường như viêm đỏ, có mủ, chảy dịch vàng, chảy máu hay có mùi hôi...
- Lau sạch rốn với nước vô trùng, sau đó thấm khô cuống rốn và chân rốn.
- Lau vùng da quanh rốn bằng nước muối sinh lý. Sau đó che rốn bằng 1 lớp gạc mỏng hoặc để hở rốn.
- Lưu ý khi quấn tã cần quấn vùng dưới rốn để tránh cho phân hay nước tiểu dính vào vùng rốn.
Trong trường hợp khi quan sát vùng rốn của trẻ sơ sinh nếu phát hiện các dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Rỉ nước vàng, có mùi hôi hoặc có mủ ở vùng rốn.
- Rốn chảy máu nhiều và khó cầm.
- Vùng da quanh rốn sưng và đỏ tấy.
- Rốn có chồi, rỉ nước kéo dài.
- Bé sinh được 3 tuần nhưng rốn chưa rụng.
Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh hay bôi bất kỳ thuốc gì khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Do làn da của trẻ sơ sinh thường rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, việc chăm sóc da cho trẻ sơ sinh cần tuân thủ theo các lưu ý sau đây:
- Cho bé mặc quần áo có chất liệu vải mềm và cần cắt bỏ nhãn mác để tránh trầy xước da gây viêm nhiễm.
- Sử dụng xà phòng chuyên dụng dành riêng cho trẻ nhỏ để giặt đồ cho bé.
- Thay tã cho bé ngay sau khi tè hay ị. Cần lưu ý chọn các loại tã phù hợp về kích thước và có khả năng chống hăm, thấm nước tốt.
- Cần để bé tránh xa khỏi khói thuốc lá và môi trường ô nhiễm do trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhắm mắt.
- Sử dụng các sản phẩm sữa tắm và dầu gội đầu dành riêng cho trẻ, không gây cay mắt. Tránh các sản phẩm có chứa cồn hoặc có chứa các chất tẩy mạnh.
- Nên thoa kem dưỡng ở những vùng da bị khô hay bong tróc.
Tình trạng vàng da sơ sinh là một tình trạng khá phổ biến và có thể gây nguy hiểm nếu không được chẩn đoán kịp thời. Bởi vì vàng da có thể gây ra biến chứng dẫn đến các di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Vì vậy bạn cần đưa con đi khám ngay nếu bé thấy có dấu hiệu vàng da bệnh lý.
Nếu bé có các biểu hiện vàng da bệnh lý, bé cần được theo dõi và điều trị càng sớm càng tốt. Lưu ý, việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh chỉ có thể điều trị được các trường hợp vàng da nhẹ nhưng nó sẽ giúp các bậc phụ huynh theo dõi mức độ vàng da của bé dễ dàng hơn.
Việc tiêm phòng đẩy đủ các loại vaccine sẽ giúp trẻ tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần tìm hiểu một cách rõ ràng trẻ cần tiêm những loại vaccine gì, thời gian tiêm chủng là bao giờ và tiêm như thế nào. Hãy cố gắng ghi nhớ lịch tiêm chủng và cho trẻ tiêm phòng đầy đủ cũng như đúng lịch.
Theo dõi nhiệt độ là cách tốt nhất để để có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt và có cách chăm sóc phù hợp. Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh là 36,5 – 37,5°C. Nếu thân nhiệt của bé thấp hơn 36,5°C, cần ủ ấm cho bé ngay. Nếu thân nhiệt của bé cao hơn 37,5°C, bạn nên bỏ bớt khăn, mền, cởi bớt quần áo, mũ, vớ và cho bé bú nhiều hơn, theo dõi nhiệt độ của bé thật kỹ.
Nếu thân nhiệt của bé cao hơn 38°C, bé đã bị sốt. Bạn cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng đã được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa và nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời.