Một số lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị cảm cúm

Một số lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị cảm cúm
Ngày nay, việc sử dụng một số thuốc như thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm ho, chống ngạt mũi trong điều trị cảm cúm rất phổ biến trên thực tế bởi hiệu quả tích cực của chúng. Tuy nhiên, phần đông bệnh nhân vẫn chưa có hiểu biết thực sự chính xác về cách sử dụng thuốc điều trị cảm cúm an toàn và đạt hiệu quả cao nhất.

Trong quá trình điều trị cảm cúm, việc sử dụng một số nhóm thuốc khác nhau có thể là cần thiết để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, ức chế tác nhân gây bệnh và tạo điều kiện để bệnh lành nhanh hơn. Những nhóm thuốc điều trị cảm cúm thường sử dụng nhất kể đến như thuốc giảm đau và hạ sốt, thuốc giảm ho, thuốc chống ngạt mũi, thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus,...

Nhưng việc sử dụng thuốc điều trị cảm cúm cũng bao gồm hai mặt đối lập với nhau là tác dụng điều trị của thuốc và tác dụng phụ mà thuốc gây nên. Do đó, làm thế nào để tối ưu hiệu quả điều trị và giảm nhẹ tối đa các tác dụng phụ của thuốc là điều rất quan trọng.

Một số lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị cảm cúm:

1. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ là một trong những lưu ý quan trọng nhất để sử dụng thuốc điều trị cảm cúm hiệu quả và an toàn, bao gồm nhiều các yếu tố khác nhau như đúng liều lượng, đúng chủng loại thuốc, đúng giờ sử dụng,...

Chẳng hạn, việc sử dụng thuốc điều trị cảm cúm không đúng liều lượng (quá ít hoặc quá nhiều) có thể khiến thuốc không phát huy đủ hiệu quả điều trị hoặc làm gia tăng các tác dụng phụ của thuốc trong khi tác dụng điều trị không tăng tương ứng. Một số thuốc khi sử dụng quá liều có thể gây nên các tác dụng phụ hết sức nguy hiểm như paracetamol có thể gây hoại tử tế bào gan nếu sử dụng quá 4g/ngày.

Ngoài ra, dùng thuốc điều trị cảm cúm đúng giờ cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hấp thu của thuốc, luôn đảm bảo nồng độ thuốc trong máu phù hợp với mục tiêu điều trị, và đảm bảo thuốc đã được đào thải một lượng đủ lớn trước khi sử dụng thuốc lần kế tiếp tránh hiện tượng tích thuốc gây quá liều xảy ra.

>> Có thể bạn chưa biết: Các tác dụng phụ của thuốc điều trị cảm cúm nguy hiểm hơn những gì bạn tưởng!

Một số lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị cảm cúm - Ảnh 1.

Người bệnh nên sử dụng thuốc điều trị cảm cúm theo đúng chỉ định của bác sĩ(Ảnh: Internet)

2. Không tự ý sử dụng, phối hợp thuốc

Việc sử dụng loại thuốc nào trong quá trình điều trị cảm cúm cần phải được xem xét dựa trên nhiều yếu tố như biểu hiện lâm sàng của người bệnh, mức độ cần thiết của việc sử dụng thuốc, cơ chế tác dụng của thuốc và tác dụng phụ của thuốc,...

Khi bệnh nhân tự ý sử dụng và kết hợp thuốc có thể khiến bệnh nhân sử dụng thuốc không đúng, không phù hợp với tình trạng sức khỏe, gia tăng độc tính của thuốc,... và có thể gây nên nhiều tình huống nguy hiểm khác nhau.

Vì thế người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc điều trị cảm cúm hoặc tự ý phối hợp sử dụng nhiều loại thuốc điều trị cảm cúm khi chưa có các chỉ định của bác sĩ.

Một số lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị cảm cúm - Ảnh 2.

Tự ý sử dụng thuốc điều trị cảm cúm gây nhiều nguy cơ tác dụng phụ cho người bệnh(Ảnh: Internet)

3. Thuốc kháng sinh không phải là chỉ định thường quy

Việc mua bán kháng sinh thiếu kiểm soát hiện nay khiến người bệnh có thể dễ dàng mua và sử dụng kháng sinh trong rất nhiều bệnh lý, kể cả các bệnh lý không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh trong trường hợp thông thường, chẳng hạn như bệnh cảm cúm.

Thật vậy, thuốc kháng sinh là thuốc chỉ có tác dụng trên tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, hoàn toàn không có tác dụng trên tác nhân virus. Trong khi đó bệnh cảm cúm là bệnh lý do virus gây nên, vì thế thuốc kháng sinh không có hiệu quả điều tri cảm cúm thông thường. Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng làm thuốc điều trị cảm cúm cho các trường hợp cảm cúm nặng có nguy cơ bội nhiễm cao, hoặc cảm cúm đã có bội nhiễm thứ phát xảy ra.

Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh không kiểm soát có thể khiến vi khuẩn trở nên đề kháng với thuốc, tạo nên các chủng vi khuẩn đột biến kháng thuốc gây khó khăn rất nhiều cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn về sau.

Do đó, việc sử dụng thuốc kháng sinh cần phải được tiến hành dưới sự chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám đầy đủ và có các đánh giá về tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân (không có nguy cơ, có nguy cơ cao, hãy đã xảy ra bội nhiễm,...) để đảm bảo rằng thuốc có thể phát huy được giá trị điều trị của nó. Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh dưới bất kỳ hình thức nào.

Một số lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị cảm cúm - Ảnh 3.

Thuốc kháng sinh không được dùng trong các trường hợp cảm cúm thông thường(Ảnh: Internet)

4. Người bệnh nên nắm được các thành phần của thuốc

Có rất nhiều loại thuốc được bào chế ở dạng phối hợp nhiều hoạt chất khác nhau vừa để tăng hiệu quả điều trị, làm giảm số lần sử dụng thuốc và làm giảm giá thành so với khi sử dụng nhiều loại thuốc đơn lẻ,...

Chính vì một số hoạt chất có thể bị trùng lặp trong các loại thuốc điều trị cảm cúm, khiến bệnh nhân sử dụng chúng với liều cao hơn cần thiết, làm tăng các nguy cơ tác dụng phụ. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu và nắm rõ các thành phần của thuốc trước khi sử dụng để tránh các biến chứng nguy hiểm do quá liều xảy ra.

Chẳng hạn, paracetamol là hoạt chất có tác dụng giảm đau, hạ sốt và có thể được sử dụng ở rất nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có cảm cúm. Điều này khiến nó trở nên cực kỳ phổ biến và là thành phần xuất hiện trong rất nhiều biệt dược khác nhau với nhiều hàm lượng khác nhau từ cao cho đến thấp Nên nếu không cẩn thận thì bệnh nhân sẽ sử dụng quá liều paracetamol gây nên nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

5. Phát hiện sớm các tác dụng phụ

Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị cảm cúm, bệnh nhân có nguy cơ phải đối mặt với nhiều tác dụng phụ khác nhau của thuốc. Những tác dụng phụ này có thể chỉ là những tác dụng thông thường khi sử dụng thuốc, nhưng cũng có thể là các tác dụng phụ hết sức nguy hiểm hay thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Một số lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị cảm cúm - Ảnh 4.

Mề đay, ngứa là tác dụng phụ rất thường gặp khi sử dụng thuốc (Ảnh: Internet)

Một số tác dụng phụ của các nhóm thuốc dùng trong điều trị cảm cúm bao gồm:

- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Dị ứng, nôn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, hoại tử tế bào gan,...

- Thuốc giảm ho: Tăng dịch ứ đọng, mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, buồn ngủ,...

- Thuốc chống ngạt mũi: Lờn thuốc, teo niêm mạc mũi, tăng huyết áp, tăng nhịp tim,...

- Thuốc kháng virus: nôn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, rối loạn huyết học,...

- Thuốc kháng sinh: rối loạn vi sinh cơ thể, dị ứng, xỉn màu răng, độc cho gan, độc cho thận,...

Khi phát hiện thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của tác dụng phụ do sử dụng thuốc điều trị cảm cúm gây nên, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Có thể thấy rằng, mặc dù sử dụng thuốc có hiệu quả rất tích cực trong điều trị cảm cúm, nhưng làm thế nào để sử dụng thuốc hợp lý lại là điều không dễ. Do đó, người bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế và tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc điều trị cảm cúm nào.


Tác giả: QN