Một số lời khuyên trong chế độ ăn uống giúp bạn phòng tránh ung thư thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Một số lời khuyên trong chế độ ăn uống giúp bạn phòng tránh ung thư thực quản
Chế độ ăn uống khoa học có thể bảo vệ bạn khỏi căn bệnh ung thư thực quản quái ác. Ngoài việc lựa chọn thực phẩm, các bạn còn phải chú ý đến cách chế biến và thời gian ăn uống. Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn phòng tránh ung thư thực quản một cách tốt nhất.

Việc lựa chọn đúng thực phẩm và cách chế biến phù hợp là điều kiện tiên quyết trong ngăn ngừa ung thư. Cùng tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng giúp phòng tránh ung thư thực quản trong bài viết sau nhé.

1. Các loại thực phẩm nên được bổ sung để phòng tránh ung thư thực quản

Để ngăn ngừa ung thư thực quản các bạn cần chú ý và bổ sung những loại thực phẩm sau:

Nhóm thực phẩm giàu chất xơ: Các loại thực phẩm giàu chất xơ có tác dụng chống ung thư, đặc biệt là ung thư thực quản. Chất xơ sẽ làm giảm quá trình gây ung thư bằng cách điều chỉnh trào ngược dạ dày thực quản và hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Các thực phẩm giàu chất chất xơ bao gồm: gạo lức, đậu nành, súp lơ, táo, hạnh nhân…

Nhóm thực phẩm giàu Protein: Protein có thể giúp cơ thể sửa chữa các tế bào và mô bị tổn thương. Đồng thời, nó cũng hỗ trợ trong việc phục hồi và duy trì hệ thống miễn dịch. Protein có nhiều trong những loại thực phẩm như: các loại đậu, trứng, sữa, thịt nạc…

Nhóm chất béo lành mạnh: Chất béo lành mạnh bao gồm dầu ô liu, bơ, các loại hạt…

Nhóm thực phẩm giàu Folate: Folate là vitamin B tan trong nước, xuất hiện trong các loại rau lá xanh đậm, các loại đậu và trái cây họ cam quýt. Chúng có thể làm giảm nguy cơ ung thư thực quản.

Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc cung cấp một lượng carbohydrate và chất xơ tốt, giúp duy trì năng lượng cần thiết cho cơ thể. Ngũ cốc nguyên hạt có thể được chế biến thành các món ăn như: cháo bột yến mạch, bánh mỳ, pasta ngũ cốc…

Các loại trà: Thành phần của trà bao gồm nhiều chất có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn và kích thích miễn dịch. Một cốc trà mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm thiểu được nguy cơ ung thư thực quản.

2. Các loại thực phẩm cần hạn chế

Khắc phục chứng ợ nóng là một trong những cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư thực quản. Do đó, trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn nên hạn chế các thực phẩm có thể gây ra ợ nóng. Bao gồm:

- Các loại thực phẩm giàu axit như: trái cây có múi, cà chua và thực phẩm có nguồn gốc từ cà chua.

- Chocolate.

- Thức ăn cay hoặc được chế biến với nhiều gia vị.

- Thực phẩm được chế biến bằng phương pháp muối hoặc hun khói.

- Các món chiên hoặc nhiều chất béo.

- Rượu, bia và các loại đồ uống có ga.

- Thịt đỏ.

3. Chú ý cách ăn uống và chế biến thực phẩm đúng cách

Việc ăn uống thất thường có thể gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày và thực quản. Do đó, để tránh dạ dày và thực quản làm việc quá sức các bạn cần xây dựng một thời gian biểu hợp lý trong ăn uống. Các bạn có thể chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Ngoài ra, các bữa ăn nhỏ cũng có thể giúp giảm thiểu các hiện tượng như khó tiêu hay trào ngược axit dạ dày. 

Theo khuyến nghị, bữa ăn nên được chia thành 5 đến 6 bữa ăn nhỏ, mỗi bữa cách nhau khoảng 3 giờ. Khi ăn, các bạn cũng cần chú ý ăn chậm, nhai kỹ để tránh gây áp lực lên thực quản. Thói quen ăn uống này ngoài việc giúp phòng tránh ung thư thực quản mà còn rất tốt cho dạ dày 

Ngoài việc ăn uống đúng giờ, cách chế biến thực phẩm cũng là điều rất quan trọng. Thức ăn chỉ nên được chế biến thanh đạm và ít gia vị để ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hấp hoặc luộc là những cách chế biến được khuyến khích do giữ lại được hàm lượng dinh dưỡng cao sau chế biến. 

Xây dựng chế độ dinh dưỡng là điều đầu tiên và quan trọng nhất trong phòng tránh ung thư thực quản. Còn chần chờ gì nữa mà không xây dựng ngay cho mình một thực đơn thật khoa học và hợp lý ngay hôm nay!


Tác giả: Thùy Dung