Một số lời khuyên khi lựa chọn nước súc miệng cho bệnh nhân bị ung thư lưỡi

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Một số lời khuyên khi lựa chọn nước súc miệng cho bệnh nhân bị ung thư lưỡi
Sử dụng nước súc miệng cho bệnh nhân bị ung thư lưỡi có thể cải thiện được tình trạng khô miệng, loét miệng do tế bào ung thư gây ra hoặc do chính những tác dụng phụ của quá trình điều trị.

1. Tại sao bệnh nhân ung thư lưỡi nên dùng nước súc miệng?

Nước súc miệng là một dung dịch được pha chế nằm loại bỏ vi khuẩn và làm sạch vùng miệng, họng. Khi ngậm nước súc miệng, dung dịch này chuyển động trong miệng nhiều lần trước khi được phun bỏ ra ngoài.

Các chuyên gia khẳng định, đánh răng hai lần một ngày chỉ làm sạch đơn thuần 25% khoang miệng. Vậy nên, sử dụng nước súc miệng được khuyến nghị sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Với những bệnh nhân bị ung thư lưỡi, thói quen này càng trở nên cần thiết hơn nữa. Bởi đó là phương pháp vệ sinh răng miệng duy nhất hiệu quả mà không làm ảnh hưởng nhiều tới việc điều trị. 

Trong quá trình điều trị ung thư lưỡi, hóa trị hoặc xạ trị hay các phương pháp điều trị hỗ trợ khác có thể khiến người bệnh gặp phải một số tác dụng phụ như:

-  Miệng khô, miệng đắng

- Loét miệng

- Vi khuẩn từ khối u ung thư lưỡi khiến răng miệng không đảm bảo vệ sinh

- Đau miệng: Việc chải răng khi bị ung thư lưỡi gặp khó khăn, hạn chế do bệnh nhân có thể bị đau bên trong miệng hoặc khiến bệnh trầm trọng hơn.

Do vậy việc sử dụng nước súc miệng ở bệnh nhân ung thư lưỡi có thể giúp người bệnh giữ sạch sẽ khoang miệng, hạn chế vi khuẩn từ các vết loét hoặc cải thiện tình trạng khô miệng.

2. Một số lời khuyên khi lựa chọn nước súc miệng cho người bệnh

Để bệnh nhân bị ung thư lưỡi dùng nước súc miệng hiệu quả, mọi người cần tìm hiểu và phân biệt được các loại nước súc miệng. Nắm được thông tin sản phẩm, từ đó mới lựa chọn loại nước súc miệng phù hợp với tình trạng bệnh của mình.

Trên thị trường hiện đang có nhiều loại nước súc miệng khác nhau. Mỗi loại nước súc miệng lại có thành phần và công dụng khác nhau.

2.1. Nước súc miệng sát trùng

Nước súc miệng sát trùng mang trong mình công dụng loại bỏ tình trạng nhiệt miệng, hôi miệng, nhiệt lưỡi,… Loại nước này thường chứa chlorhexidine với nồng độ khoảng 0,2%. Đây được coi như một trong những chất khử trùng được kê toa nhiều nhất trong các phác đồ điều trị sức khỏe răng miệng. Nồng độ này cũng trở thành tiêu chuẩn vàng trong thế giới nước súc miệng.

Loại nước súc miệng này có thể điều trị ngay lập tức tình trạng niêm mạc ăn mòn và loét miệng để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát. Các bệnh nhân đang gặp khó khăn trong việc vệ sinh hoặc khuyết tật thể chất có thể dùng hàng ngày.

Nhiều bệnh nhân dùng loại nước súc miệng này để kiểm soát khả năng lan ra của chứng hôi miệng bởi sự sinh sôi nhanh chóng của vi khuẩn giải phóng lưu huỳnh trên bề mặt lưỡi.

Với hàm lượng khoảng 0,2% chlorhecidine, nước súc miệng dạng này được khuyên dùng 10ml trong 30 giây. Thói quen sử dụng hai lần mỗi ngày, trong hai tuần đến một tháng sẽ giúp bệnh nhân có những biểu hiện tích cực.

2.2. Nước súc miệng loại bỏ mảng bám

Mảng bám là các màng sinh học được tạo nên bởi vi khuẩn. Loại nước súc miệng loại bỏ màng bám có thể bao gồm nhiều hoạt chất khác nhau: các loại tinh dầu (eucol, methyl salicylate, thymol), thuốc chống vi trùng (cetylpyridinium clorua), tác nhân ngăn chặn vi khuẩn bám vào bề mặt răng (rượu amin delmopinol hydrochloride).

Nhiều chuyên gia khuyên bệnh nhân bị ung thư lưỡi nên sử dụng loại nước súc miệng này như một công cụ vệ sinh răng miệng thông thường. Thói quen sử dụng lý tưởng là hai lần một ngày, sau khi bệnh nhân đã thực hiện các bước vệ sinh kẽ răng cẩn thận.

Với các bệnh nhân bị ung thư lưỡi đã có thể sử dụng phương pháp đánh răng, loại sản phẩm này có thể giảm tác dụng của fluoride trong kem đánh răng. Dẫu vậy, nó sẽ rất thích hợp nếu mục đích của bệnh nhân lúc đó là kiểm soát mảng bám thay vì là phòng ngừa sâu răng.

2.3. Nước súc miệng phòng ngừa

Trong nhiều loại nước súc miệng phòng ngừa, các sản phẩm phổ biến nhất là các loại chứa fluoride. Công dụng chính của chất này là phòng ngừa sâu răng. Vậy nên, các bệnh nhân bị ung thư lưỡi muốn phòng ngừa các bệnh sâu răng được khuyên dùng sử dụng các sản phẩm này.

Loại nước súc miệng này có hai loại chính: nước súc miệng hàng ngày có độ bền cao (0,2% natri florua) và nước súc miệng hàng ngày (0,05% natri florua). Cả hai đều đã được kiểm định có khả năng làm giảm tốc độ phát triển sâu răng.

Cũng như nước súc miệng loại bỏ mảng bám, nước súc miệng phòng ngừa cũng có một vài tác dụng phụ. Tuy nhiên, các tác dụng này khá nhẹ và hiếm. Chỉ trừ trường hợp người dùng nuốt một lượng lớn dung dịch mới có thể gây ra nguy hại.

3. Bệnh nhân bị ung thư lưỡi dùng nước súc miệng thế nào?

Để sử dụng nước súc miệng hiệu quả, bệnh nhân bị ung thư lưỡi cần tìm hiểu tình trạng sức khỏe của mình. Mỗi giai đoạn của ung thư lưỡi, lưỡi cần phải có chăm sóc khác nhau. Dựa vào điều kiện đó, bạn mới có thể chọn sản phẩm thích hợp vừa có khả năng làm sạch mà không làm tổn thương quá nhiều tới lưỡi.

- Tránh các sản phẩm súc miệng quá cay hoặc chứa nhiều cồn: Trong các loại nước súc miệng, bệnh nhân bị ung thư lưỡi cần tránh dùng các sản phẩm quá cay hoặc chứa thành phần cồn. Sản phẩm quá cay có khả năng kích thích các vết thương vẫn chưa khỏi. Còn cồn lại khiến miệng của bệnh nhân khô hơn, tạo điều kiện cho các lớp da bị phồng rộp.

- Không nên lạm dụng nước súc miệng vì chúng có thể làm tăng các triệu chứng khô, loét trong niêm mạc miệng của người bệnh

- Sử dụng theo chỉ định của bác sĩ: Một số loại nước súc miệng không nên sử dụng trong thời gian dài. 

- Không tùy ý sử dụng nước súc miệng: Một số loại nước súc miệng trên thị trường có thành phần gây kích ứng ở bệnh nhân đang điều trị ung thư. Bạn không thể biết được thành phần nào an toàn, thành phần nào không. Do vậy cần có sự tham vấn của các bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho bạn. 

- Lần đầu sử dụng, bệnh nhân nên thử một ít (thường theo tỷ lệ 1/10) rồi dành khoảng 2 – 3 tiếng theo dõi. Nếu không có vấn đề gì thì dùng tiếp. Nếu có vấn đề gì thì ngừng dừng lại ngay lập tức rồi tới các trung tâm y tế để kiểm tra sức khỏe của lưỡi.

- Hãy thử những loại nước súc miệng có mùi vị dễ chịu. Một số loại nước súc miệng có mùi hăng, khó chịu dễ khiến bệnh nhân bị nôn nao hoặc buồn nôn. 


Tác giả: Quang Anh